Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đủ kiểu trục lợi từ việc nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu

Nhìn lại các đợt tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước vừa qua sẽ thấy, hễ cứ thị trường cung cấp tăng 1, giá xăng dầu trong nước tăng 10.

Vừa liên tiếp tăng giá bán lẻ xăng dầu 3 lần trong tháng 8 với mức tăng 2.650 đồng/lít xăng và 1.550 đồng/lít dầu diezel… khiến người dân, doanh nghiệp (DN) còn chưa kịp trở tay với nguồn thiếu hụt bù đắp cho khoản chi phí tăng do giá cả hàng hóa, dịch vụ, nguyên liệu tăng.

 Lại tiếp tục bài ca than lỗ, đến ngày 10/9 đã có 4 DN đầu mối cùng “đồng thanh tương ứng” trình phương án tăng giá xăng dầu lần thứ 5 liên tiếp kể từ tháng 7. Mức tăng cao nhất được đầu mối đề xuất lên tới 1.200-1.300 đồng/lít dầu diezel và từ 700-800 đồng/lít xăng A92. Lần này Bộ Tài chính đã xem xét đến phương án giảm thuế 2% để giá xăng không còn “nhảy” thêm lên nữa.

Lãi thật vẫn kêu lỗ

Căn cứ luôn được các đầu mối nhập khẩu đưa ra biện bạch trong những lần đề nghị được cho tăng giá bán lẻ xăng dầu là: tính theo giá giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 30 ngày hoặc 10 ngày, đầu mối đã lỗ ở mức tương ứng. Trong khi đó, thông tin về giá xăng A92 chào bán tại Singapore - thị trường cung cấp xăng dầu chủ yếu cho các đầu mối nhập khẩu trong nước, trong tháng 7, giá xăng dầu chỉ dao động ở mức 13.930 đồng đến 16.750 đồng/lít; sang tháng 8, sau khi có đợt tăng giá kịch trần, giá xăng dầu tại đây đã giảm dần.

Ngày 17/8 vừa qua, khi các DN đầu mối đều cho rằng giá xăng tăng ở mức đỉnh, giá chào bán xăng A92 tại Singapore cao nhất cũng chỉ có 127 USD/thùng, dung tích 159 lít. Các tháng còn lại mặt hàng này chỉ xoay quanh mức giá hơn 120 USD/thùng.

Nếu tính theo giá cơ sở bình quân 30 ngày kể từ ngày 22/7 đến 20/8, giá xăng thành phẩm tại Singapore cũng chỉ là 120,38 USD/thùng, diezel 125,91 USD/thùng, dầu hỏa 124,53 USD/thùng. Rõ ràng, dù sốt giá và tăng liên tục, nhưng giá xăng A92 chào bán tại nguồn cung cấp cũng chỉ dao động ở mức trên dưới 10 USD/thùng. Đem số tiền tăng thêm này chia đều cho mỗi lít xăng nhập khẩu, mức tăng giá cũng chỉ rơi vào khoảng 1.200 - 1.300 đồng/lít.

Theo tính toán của chính đầu mối nhập khẩu Petrolimex, với mức giá nhập khẩu 118,7 USD/thùng xăng A92, chở về đến cảng trong nước giá thành cũng chỉ ở mức 15.750 đồng/lít. Tình trạng giá nhập khẩu thấp, giá bán lẻ vẫn cao ngất ngưởng như vậy được các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu giải thích là do mặt hàng này phải gánh thuế cao; rồi còn các khoản phí, quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức…

Nhưng với giá thành nhập khẩu trên, sau khi cộng cả 3 loại thuế gồm thuế nhập khẩu 12%, thuế VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%; phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, chi phí kinh doanh 600 đồng và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Tổng cộng chi phí mỗi lít xăng A92 phải "cõng" trên lưng cũng chỉ ở mức 6.940 đồng; giá thành 1 lít xăng A92 cũng chỉ được phép gói gọn ở mức 22.690 đồng.

So sánh với giá bán lẻ xăng A92 áp dụng từ ngày 28-8 là 23.650 đồng/lít, mức chênh lệch vẫn còn tới 960 đồng/lít, chưa kể khoản tiền từ quỹ bình ổn đầu mối được sử dụng. Tương tự, các mặt hàng xăng A95 và dầu khác cũng có mức chênh lệch cao giữa giá bán với chi phí giá thành khi nhập về. Số tiền này "chảy" về đâu thì chỉ có các đầu mối xăng dầu mới biết?

Giá xăng dầu tại thị trường Singapore và các thị trường cung cấp khác chỉ biến động nhẹ. Nhưng nhìn lại các đợt tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước vừa qua sẽ thấy, hễ cứ thị trường cung cấp tăng 1, giá xăng dầu trong nước tăng 10. Cụ thể, thời điểm tháng 3 và 4, khi giá xăng tại Singapore tăng ở mức trên dưới 15 USD/thùng, thì các ngày 7/3 và 20/4 giá bán lẻ trong nước đã tăng 2 lần; xăng tăng ở mức 3.000 đồng/lít và dầu hỏa tăng 1.500 đồng/lít.

Sang tháng 7 và tháng 8, khi giá xăng dầu có đợt tăng trở lại với mức vài USD/thùng, lập tức các DN nhập khẩu lại kêu lỗ và liên tục đề nghị tăng giá bán lẻ xăng dầu. Sau 4 lần cho phép tăng giá, trong 2 tháng này mỗi lít xăng đã kịp tăng 3.150 đồng, dầu hỏa tăng 1.950 đồng.

Qua các lần DN đầu mối đưa ra các đề nghị tăng giá xăng dầu đã thể hiện rằng, mức cho phép tăng giá luôn thấp hơn mức được DN đề nghị. Nhưng nếu như giá xăng dầu thế giới không đột biến sau đó, sẽ chẳng thấy đầu mối nào kêu ca, phàn nàn điều gì. Lần đề xuất tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 8, một đầu mối đề xuất mức tăng 1.100 - 1.200 đồng/lít với xăng, và 700 - 800 đồng/lít với các loại dầu kèm theo lời than: nếu tính bình quân 10 ngày, đầu mối còn lỗ ở mức 2.000 đồng/lít xăng và 1.400 đồng/lít với dầu diezel. Khi chỉ được cho tăng 650 đồng với xăng và 300 đồng với dầu, các đầu mối cũng gật đầu bằng phản ứng yếu ớt.

Ở lần đề nghị tăng giá trong tháng 9 này cũng vậy, đòi tăng thì đòi ở mức cao như vậy, nhưng chỉ cần Bộ Tài chính xem xét cho giảm thuế nhập khẩu có 2%; kèm theo đó là quyết định tăng mức trích từ quỹ bình ổn với xăng và dầu lên 550 - 600 đồng/lít. Đồng thời yêu cầu 11 DN nhập khẩu tạm thời chưa được tính lợi nhuận định mức 300 đồng đối với mỗi lít xăng dầu… lập tức, các đầu mối nhập khẩu đã lặng im dù mức giảm 2% thuế nhập khẩu chỉ trị giá khoảng 350 đồng/lít.

Việc kê khai giá nhập khẩu xăng dầu nhập nhèm như vậy, song đáng tiếc vấn đề kiểm soát giá nhập khẩu, Tổ điều hành Liên bộ cũng vẫn cứ tin vào giá do DN đầu mối kê khai. Rồi sử dụng thông tin về giá trên tờ Patt'S của Singapore để tham chiếu, chứ chưa thể kiểm soát được chính xác giá nhập khẩu của đầu mối trong từng mẻ hàng là bao nhiêu.

 

Tạm nhập - tái xuất và đủ kiểu trục lợi

Được Bộ Tài chính cho phép hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng trên mỗi lít hoặc kilôgam xăng dầu, nhưng các DN đầu mối còn giở đủ chiêu trò để gian lận trong quá trình nhập khẩu, phân phối. Trong các đợt xăng dầu giảm giá vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua, khi thuế nhập khẩu xăng dầu được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng lên. Trong đó mặt hàng xăng A92 tăng 5%, mỗi lít phải nộp thuế nhập khẩu thêm 600 - 700 đồng. Lợi dụng cơ hội này, các đầu mối nhập khẩu đồng loạt quay sang xin tiêu thụ nội địa với lượng lớn xăng dầu đã tạm nhập về.

Như số liệu do Tổng cục Hải quan đã công bố, chỉ trong vòng nửa năm, Petrolimex còn để lại khoảng 235.000 tấn xăng dầu tạm nhập nhưng chưa tái xuất; PV Oil để lại 53.000 tấn; Saigon Petro còn tồn 10.000 tấn; Petimex là 41.000 tấn… tổng cộng lên tới 339.000 tấn các loại. Tồn kho nhiều, nhưng kho chứa lớn nhất ở khu vực phía Nam là Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè cũng chỉ có sức chứa 450.000m3; các kho cảng khác của khu vực này chỉ có sức chứa một vài chục ngàn tấn, đủ để chứa lượng xăng chính thức nhập về, nên chẳng có nơi nào chứa được lượng xăng tạm nhập - tái xuất còn tồn lớn đến như vậy.

Vì thế, tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực 3, khi thuế nhập khẩu xăng dầu tăng lên 10% rồi 12%, số lượng xăng dầu tạm nhập - tái xuất được các đầu mối nhập khẩu xin chuyển ngược sang tiêu thụ nội địa tăng đột biến; cao gấp 3 - 4 lần so với thời điểm thuế nhập khẩu bằng 0 hoặc 5% trước đó. Trong số 372 tờ khai nhập khẩu xăng dầu có 178 tờ khai nhập khẩu theo hình thức tạm nhập - tái xuất. Các lô hàng xăng dầu thuộc diện tạm nhập - tái xuất được đầu mối nhập khẩu xin tiêu thụ nội địa đều có số lượng rất lớn.

Tình trạng nhiễu loạn trong hoạt động tạm nhập - tái xuất khiến lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường nội địa thất thường này còn tạo sự khan hiếm nhiên liệu giả tạo từng thời điểm; khiến đầu mối không có đủ xăng dầu để kịp thời cung cấp cho đại lý như vẫn thường xảy ra. Như vậy, chỉ cần tính mức thuế nhập khẩu "lách" được từ 4 - 6%, với giá xăng dầu nhập khẩu thời gian qua, mỗi lít xăng dầu, đầu mối nhập khẩu kiếm được cỡ 600 - 1.000 đồng.

Ngoài lem nhem trong việc tạm nhập - tái xuất để né thuế, một kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính với các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cũng thể hiện rằng: có nhiều thời điểm các DN đầu mối đã xé rào, trả chiết khấu cho đại lý lên tới 800-850 đồng/lít. Hoa hồng cao khiến chi phí kinh doanh đội lên mức 1.100-1.200 đồng/lít. Màn "xiếc" chuyển lãi này đã khiến DN mẹ lỗ nhưng các đơn vị con là công ty bán lẻ, cây xăng trực thuộc lãi lớn.

Đã có 11 DN được làm đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhưng giới vận tải hàng hóa ở TPHCM cho rằng thị trường bán lẻ xăng dầu chưa thực sự cạnh tranh. Bởi mỗi đầu mối có mức chi phí hoặc chịu giá nhập khẩu khác nhau nên chẳng thể có kiểu các DN đầu mối cùng lúc đưa ra giá bán lẻ bằng nhau được. Đã vậy, lại được phép tính giá cơ sở của xăng dầu nhập về bằng cách lấy giá chào bán tại Singapore trong 10 ngày hoặc 30 ngày liên tiếp để cộng lại, chia trung bình. Nên cứ mỗi khi giá xăng có đợt tăng, các DN đầu mối lại sử dụng triệt để quyền được đề nghị tăng giá xăng dầu.

Song với cách tính giá bình quân 30 ngày hoặc 10 ngày, trong những đợt giá xăng tăng cao, lần nào đầu mối cũng trưng ra được mức giá xăng dầu bình quân trên thị trường quốc tế đã tăng trên dưới 10% so với mức giá của lần tính bình quân trước đó. Cứ tính theo cách này, trong 5 lần được tăng giá 2 tháng trở lại đây, giá nhập khẩu xăng dầu đã được DN đầu mối "hô" tăng tới vài chục phần trăm. Vì thế, giá bán lẻ xăng dầu tăng thêm vài ngàn đồng/lít là chuyện không có gì lạ.

Theo Đ.T

ANTĐ

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi