Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gắn các giải pháp trong giai đoạn "hậu suy giảm" với mục tiêu phát triển kinh tế trung - dài hạn

Gói giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế được áp dụng từ tháng 12-2008 đến nay đã có tác dụng tích cực, nhất là giải pháp hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn lưu động trong tám tháng, đã tạo thanh khoản mạnh mẽ cho nền kinh tế, làm tăng tổng cầu và tạo điều kiện trực tiếp cho nhiều doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn về vốn lưu động để "bám giữ" thị trường, tăng số chỗ làm mới cho nền kinh tế.

Song, tất cả những giải pháp đang thực thi cũng chỉ mang "tính chất sơ cứu" của thời kỳ suy giảm tăng trưởng, vấn đề đặt ra là gắn các giải pháp ngắn hạn với mục tiêu kinh tế trung - dài hạn như thế nào chính là bài toán của thời kỳ "hậu suy giảm", nó không chỉ có ý nghĩa cho giai đoạn này, mà sẽ tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn "tăng tốc" tiếp theo.

Hiệu quả thực tế của gói giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế

Năm 2008, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện an sinh xã hội, trong tám nhóm giải pháp thực hiện từ tháng 3-2008, thì nổi bật và có tác dụng nhanh nhất là chính sách tiền tệ. Với tình hình lạm phát cao (hơn 2%/tháng) Chính phủ thực hiện chính sách siết chặt tiền tệ, thông qua các công cụ của Ngân hàng Nhà nước như tăng lãi suất cơ bản, tăng dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng thương mại, thực hiện tín phiếu bắt buộc đối với một số tổ chức tín dụng chủ yếu, hạn chế việc chiết khấu các loại giấy tờ có giá... nhằm kéo giảm tốc độ tăng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại, giảm tổng cung tiền trong lưu thông... dẫn đến giảm tổng cầu của nền kinh tế, tạo sự thăng bằng mới trong quan hệ giữa tổng cung - tổng cầu. Về chính sách tài khóa, từ đầu năm 2008 chủ trương cắt giảm công chi, kéo lùi các dự án đầu tư chưa cấp thiết; rà soát lại danh mục đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước... Khi một nền kinh tế lâm vào tình trạng lạm phát, thì có nhiều nguyên nhân, bao gồm trực tiếp và gián tiếp, nhưng luôn luôn được thể hiện qua tiền tệ, nên "toa thuốc tiền tệ" có tác dụng nhanh nhất.

Từ đầu năm nay, nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng suy giảm khá mạnh (GDP quý I-2008 tăng 7,4% nhưng quý I-2009 chỉ còn 3,1%), mục tiêu kinh tế vĩ mô là ngăn chặn suy giảm, nên phải áp dụng các giải pháp để tăng tổng cầu của nền kinh tế. Một lần nữa chính sách tài khóa lại chuyển sang hướng mở rộng công chi trong lĩnh vực đầu tư, nhất là hạ tầng kỹ thuật và xã hội; tăng trợ cấp xã hội; tăng bội chi ngân sách lên 7% GDP... Ðối với chính sách tiền tệ, chuyển hướng từ "thắt chặt linh hoạt" sang "nới lỏng cẩn trọng" phục vụ mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, trong năm nhóm giải pháp Chính phủ thực thi từ tháng 12-2008 đến nay, thì nổi bật vẫn là việc sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ như: nới lỏng chính sách tín dụng, hạ lãi suất cơ bản, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng thương mại, trả nợ tín phiếu bắt buộc, tái chiết khấu và tái cấp vốn qua nghiệp vụ thị trường mở, mở rộng biên độ tỷ giá VND... để kích thích sự gia tăng tổng cầu của nền kinh tế, qua đó làm tăng cả tổng cung. Ðể thực hiện gói kích thích kinh tế với quy mô 8 tỷ USD, mà Chính phủ công bố, thì cho đến nay việc thực hiện bù lãi suất 4% cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng vay vốn lưu động vẫn là chính sách có nhiều tác dụng nhất.

Tuy nhiên, mọi chính sách đều có tính hai mặt của nó. Việc sử dụng chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát trong sáu tháng đầu năm 2008 như nền kinh tế phải "uống kháng sinh liều cao", tác dụng phụ của nó làm cho nhiều ngân hàng thương mại có nguy cơ mất thanh khoản, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn lưu động, như người bị "thiếu máu" gặp không ít khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Tình hình này kéo dài từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6-2008, khi tình hình lạm phát có dấu hiệu giảm dần, Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng linh hoạt đối với từng lĩnh vực khác nhau, tăng thanh khoản cho nền kinh tế.

Hiện nay, đang có tình hình ngược lại, với chính sách hỗ trợ tín dụng, tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng, bên cạnh tác dụng tích cực của nó, thì thị trường lãi suất đang có dấu hiệu méo mó; nguy cơ một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng chính sách bù lãi suất để hưởng lợi, tạo sự thiếu công bằng trong cạnh tranh (thí dụ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến nay chỉ có 8% số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 2% số hộ sản xuất, kinh doanh cá thể được hưởng chế độ bù lãi suất ngắn hạn 4%) và cũng sẽ gây trở ngại trong việc thực thi chính sách lãi suất hướng đến thị trường.

Bài toán của thời kỳ "hậu suy giảm"

Theo dõi diễn biến tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay cho thấy, kinh tế thế giới đang thật sự bước vào thời kỳ "hậu khủng hoảng". Các quốc gia đang nỗ lực thực hiện các chiến lược riêng của mình; một cuộc chạy đua mới đang diễn ra, mặc dù tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế toàn cầu rất chậm và phần nào đó trì trệ cho đến giữa năm tới, khi niềm tin của nhà đầu tư và tính ổn định của nền tài chính được củng cố.

Với đặc điểm của một nền kinh tế có độ mở cao, cùng với đặc điểm của một nền kinh tế mang nặng tính chất gia công, tỷ trọng giá trị gia tăng thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm, nên chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Tuy nền kinh tế nước ta không chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính toàn cầu; hệ thống tài chính - tín dụng giữ được ổn định, nhưng sự tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi mức độ phục hồi của thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu xét về hệ thống tài chính - tín dụng, thì thời điểm khó khăn nhất đã rơi vào quý II-2008, còn tăng trưởng kinh tế khó khăn nhất cũng đã rơi vào quý I-2009. Phần thời gian còn lại của năm nay và năm 2010 có thể xem là thời kỳ phục hồi và trên thực tế, nền kinh tế nước ta đang phục hồi ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Mục tiêu tăng GDP hơn 5% năm 2009 và khoảng 6,5% năm 2010 là tương đối phù hợp với thực tiễn tình hình đang diễn ra.

Gói giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, được áp dụng từ tháng 12-2008 đến nay đã có tác dụng tích cực, nhất là giải pháp hỗ trợ tín dụng 4% lãi suất vốn lưu động trong tám tháng, đã tạo thanh khoản mạnh mẽ cho nền kinh tế, làm tăng tổng cầu và tạo điều kiện trực tiếp cho nhiều doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn về vốn lưu động để "bám giữ" thị trường, tăng số chỗ làm mới cho nền kinh tế. Song, tất cả những giải pháp đang thực thi cũng chỉ mang "tính chất sơ cứu" của thời kỳ suy giảm tăng trưởng, vấn đề đặt ra là gắn các giải pháp ngắn hạn với mục tiêu kinh tế trung - dài hạn như thế nào chính là bài toán của thời kỳ "hậu suy giảm", nó không chỉ có ý nghĩa cho giai đoạn này, mà sẽ tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn "tăng tốc" tiếp theo.

Giải pháp cho những tháng cuối năm 2009 và năm 2010

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bài học được rút ra quan trọng là: Sự bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động rẻ, khai thác tài nguyên thô và gia công hàng xuất khẩu..., thể hiện qua các chỉ báo như: hệ số ICOR, VA/GO, cơ cấu hàng xuất khẩu, năng suất lao động, tổng yếu tố của tăng trưởng... Do đó, khi bàn đến các giải pháp kinh tế, tài chính cho những tháng cuối năm 2009 và năm 2010 không thể tách rời với những vấn đề trung - dài hạn của nền kinh tế.

Vấn đề trọng tâm của giai đoạn "sau suy giảm" là tổ chức lại nền kinh tế nhằm chuyển nền kinh tế từ tính chất gia công sang sản xuất; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển nền kinh tế từ lệ thuộc sang tương thuộc trong quá trình hội nhập nhằm xác lập vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ "hậu khủng hoảng" của thế giới với sự dự báo sẽ diễn ra cuộc chạy đua nhằm thay đổi trật tự kinh tế quốc tế trong quan hệ toàn cầu và khu vực. Do đó, Chính phủ cần có một Chương trình tổng thể để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, với một lộ trình rõ ràng, có mục tiêu định lượng cụ thể, kèm theo các chính sách kinh tế, tài chính, bảo đảm cho việc thực thi các mục tiêu đề ra. Một chương trình như vậy cần được ban hành trong cuối năm nay để thực hiện từ năm 2010 nhằm hỗ trợ và định hướng đầu tư cho doanh nghiệp ngay từ giai đoạn phục hồi.

Chương trình trên sẽ tạo nền tảng cho chính sách khai thác thị trường nội địa phát huy nội lực. Hiện nay các "thị trường mới nổi" nào phục hồi nhanh, đều khai thác có hiệu quả thị trường nội địa của họ. Ðiều kiện tiên quyết để có thể chuyển hướng nhanh từ thị trường xuất khẩu sang thị trường nội địa là tỷ trọng nội địa hóa cao trong cơ cấu giá trị hàng hóa được sản xuất ở nước đó. Với tính chất của một nền kinh tế gia công, giá trị gia tăng và tỷ trọng nội địa hóa hàng hóa sản xuất trong nước thấp, thì khó có thể khai thác có hiệu quả thị trường nội địa. Thực tế cho thấy, khi Chính phủ ban hành Quyết định 497/2009/QÐ-TTg về hỗ trợ tín dụng cho khu vực nông thôn đã vấp ngay trở ngại về "hàng nội địa" nên hiệu quả rất thấp. Chủ trương của Bộ Chính trị khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là rất đúng đắn, nhưng để chủ trương này mang lại kết quả cao phải tổ chức lại nền sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt Nam, đầu tư mở rộng thị trường nội địa, nâng sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.  

TS TRẦN DU LỊCH
Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội,
Phó trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội
TP Hồ Chí Minh, Thành viên Hội đồng
tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

(Theo Báo Nhân dân điện tử)

  • Đưa khoa học – công nghệ vào cuộc sống: Hành trình gian nan
  • Khi nông dân làm du lịch
  • Cần tập trung phát huy các gói hỗ trợ hiện có
  • Việt Nam đứng thứ 93/183 thuận lợi trong kinh doanh
  • Doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề sau cổ phần hoá
  • Kinh tế 9 tháng: Kết quả đẹp nhất trong năm?
  • Quy hoạch điện chưa gắn kết kinh tế vùng, miền
  • Trông đợi từ chính sách
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi