Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải bài toán kinh tế 2011

Lạm phát cao khiến chi tiêu xã hội ngày càng bị thu hẹp

Bất chấp những cải thiện đang và sẽ tiếp tục được ghi nhận trong việc kiềm chế lạm phát, cũng như kiểm soát tốt hơn các hoạt động đầu cơ, tạo sóng trên thị trường vàng và thị trường USD, năm 2011 VN vẫn tiếp tục đối diện với một số bài toán không dễ tìm lời giải từ một phía và trong thời hạn ngắn.

Tuy nhiên, nếu sự ổn định kinh tế vĩ mô được khôi phục thì trong trung và dài hạn, VN vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn sẽ kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng cân bằng cán cân thanh toán theo dự đoán sẽ được cải thiện.

Sức ép lạm phát vẫn đang gia tăng

Sức ép từ lạm phát tiền tệ giảm dần  gắn liền với xu hướng gia tăng chính sách tài chính-tiền tệ thắt chặt, nhất là việc hạn chế mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% so với mức thực tế tăng gần 30% của năm 2010; hạn chế cho vay đầu tư phi sản xuất và tiêu dùng... Đồng thời gia tăng kiểm soát, giảm thiểu tình trạng buôn bán vàng miếng và ngoại tệ  không có giấy phép... Sự hợp lực của những động thái này chắc chắn đang và sẽ góp phần giảm dần tổng cầu ảo xã hội, nhất là giảm dần sức ép liên quan đến lạm phát tiền tệ  trong thời gian tới như một điểm mới đáng chú ý của tính chất lạm phát ở nước ta trong năm 2011.

Ngược lại, sức ép lạm phát chi phí đẩy tăng nhanh trong những tháng cuối quý 1- đầu quý 2/2011 do gắn liền trực tiếp với tăng chi phí đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất-kinh doanh và dịch vụ-tiêu dùng từ  cú sốc tăng tỉ giá và các đợt  điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện diễn ra liên tiếp trong tháng 3/2011. Từ sự gia tăng chi phí vốn gắn với cuộc đua lãi suất huy động và cho vay và từ tháng 5/2011 là việc điều chỉnh lương tối thiểu cho công nhân viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách... Ngoài ra, đợt tăng giá dầu mỏ lên tới 50% (từ mức 80 USD/thùng lên mức 120 USD/thùng) chỉ trong vòng 5 tháng (11/2010-3/2011) cũng là một xung lực mạnh làm tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy cả ở phạm vi quốc tế, cũng nhu ở VN.

Tính chung, mức lạm phát cuối năm so cùng kỳ năm trước có nhiều khả năng đạt trên dưới 15%, tức cao hơn khoảng ¼  mức tương ứng năm 2010 và cao gấp đôi mức kế hoạch đặt ra đầu năm. Đồng thời, mức tăng trưởng GDP cả năm 2011 có thể  thấp hơn năm ngoái một chút do hạn chế động lực tăng trưởng từ thu hẹp nguồn đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ và thu hẹp dòng vốn đầu tư xã hội do lãi suất tín dụng cao.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong báo cáo về triển vọng kinh tế VN năm 2011 đã nhận định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo của VN trong năm nay sẽ chậm lại, đạt khoảng 6,1%; và sẽ tăng lên mức 6,7% trong năm 2012 khi môi trường kinh tế ổn định hơn giúp kích thích được tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời, lạm phát sẽ giảm nhiệt vào cuối năm nay và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2012. Lạm phát sẽ lên mức cao nhất khoảng 16% trong quý 3, nhưng sẽ giảm dần từ quý 4 và ở lạm phát trung bình cả năm 2011 là 13,3%. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng cho rằng, việc thay đổi chính sách trong năm nay đã giảm được những rủi ro trong nước.

Duy trì sức ép lãi suất cao 

Lãi suất tín dụng bằng VND của hệ thông ngân hàng còn tiếp tục giữ ở mức cao hiện nay ít nhất đến hết quý 3/2011. Lãi suất cao khiến các ngân hàng đứng trước nhiều sức ép, trong đó có sức ép cạnh tranh sức hấp dẫn nhằm duy trì ổn định nguồn vốn huy động và tìm khách hàng đủ tin cậy và đủ sức chịu lãi vay cao. Trong bối cảnh đó, có nhiều khả năng dòng vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục bị dồn tụ, tập trung thái quá vào một số khách hàng và lĩnh vực kinh doanh, nhất là cho vay phi sản xuất. Theo báo cáo của NHNN, tính đến hết năm 2010, nhiều ngân hàng chủ yếu vẫn cho vay phi sản xuất. Chẳng hạn như, Ngân hàng Phương Tây có dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất tới 52,2%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội cũng có mức dư nợ cao 47%; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á 21%, Ngân hàng TMCP Nam Việt 41%,... Tổng dư nợ cho vay phi sản xuất toàn ngành ngân hàng khoảng 431.000 tỉ đồng, chiếm 18,7% tổng dư nợ toàn ngành. Việc tập trung trứng vào một giỏ kiểu đó sẽ khiến rủi ro tín dụng gia tăng và chủ trương tập trung cho vay sản xuất, nhất là cho vay tái cơ cấu, phát triển  nông nghiệp, công nghiệp phụ trơ, cũng như cho vay  DN vừa và nhỏ sẽ chỉ là lời hiệu triệu tốt đẹp. Trong điều kiện lãi suất vay trên 20%, chắc chắn đa số các DN vừa và nhỏ phải đối diện với áp lực ngày càng căng thẳng về trả lãi và thanh toán các khoản nợ đến hạn, duy trì hoạt động, lợi nhuận và bộ máy sản xuất.

Hơn nữa, ngay các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán cũng không mấy ai dám “chịu chơi” vay lãi suất cao để đầu tư dài hạn. Nói cách khác, lãi suất cao cũng khiến cho bức tranh toàn cảnh thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2011 không mấy sáng sủa, và sẽ kích đẩy các hoạt  động chủ yếu có tính “tạo sóng”  và “lướt sóng” mà thôi. Thậm chí, có khả năng nhiều nhà đầu tư không chịu nổi mức lãi suất vay cao, buộc phải “xả hàng và tháo chạy” khỏi thị trường, khiến giá chứng khoán và một số sản phẩm trên phân khúc thị trường bất động sản cao cấp có thể hạ giá khá ấn tượng trong những quý tới.

Thị trường sẽ có nhiều biến động bất an

Thống đốc NNHH Nguyễn Văn Giàu cho biết: Đến nay, tổng dư nợ của hệ thống tín dụng VN đang bằng khoảng 1,2 lần GDP VN, so với một số nước chỉ khoảng 0,6-0,7 lần GDP (theo TS Trần Du Lịch, từ năm 2007 đến năm 2010, bình quân mỗi năm để tăng GDP 1 đồng, thì dư nợ tín dụng VN đến gần 5 đồng, cá biệt năm 2009 cần đến 7 đồng; trong khi đó bình quân của giai đoạn 2001 - 2005 chỉ cần khoảng hơn 3 đồng. Hơn nữa, hiệu quả của vốn đầu tư cũng đang giảm thấp đến mức báo động với chỉ số ICOR tăng mạnh trong giai đoạn 1991 – 2009. Cụ thể,  nếu như trong giai đoạn 1991 – 1995, hệ số ICOR là 3,5 thì đến giai đoạn năm 2007 – 2008, hệ số này là 6,15; năm 2009, hệ số ICOR tăng vọt lên 8; năm 2010, hệ số này giảm xuống còn 6,2; nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với khuyến cáo của WB: đối với một nước đang phát triển, hệ số ICOR ở mức 3 là đầu tư có hiệu quả và nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững. So sánh với các nước trong khu vực, ICOR của VN gần gấp đôi, có nghĩa là hiệu suất đầu tư chỉ bằng một nửa. Trong khi đó, về nguyên tắc, một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào phát triển theo bề rộng và tăng nợ luôn chứa đựng những bất ổn, trong đó kể cả đối với DN, cũng như với nhà nước. Bất ổn thị trường có nguy cơ lớn nhất và tai hại nhất- như kinh nghiệm các cuộc khủng hoảng gần đây ở  khu vực và thế giới cho thấy- sẽ là bất ổn trên thị trường tài chính-tín dụng, nhất là khi nợ công  vượt ngưỡng an toàn, cơ cấu dư nợ tín dụng phi sản xuất và có tính đầu cơ tăng cao. Đồng thời còn nhiều tổ chức tín dụng chưa đạt chuẩn tối thiểu về lành mạnh tài chính, cũng như được quản trị tùy tiện và giám sát lỏng lẻo bất chấp các nguyên tắc phát triển bền vững.

Sự  bất ổn thị trường (bao hàm cả về quy mô, khả năng cân đối cung cầu và mức giá cả hợp lý...) còn liên quan đến không chỉ tính độc quyền cao, kéo dài của một số nhà cung ứng “con cưng”, hay những “chiêu” gây nhiễu và tạo sóng của giới đầu tư có tính đầu cơ; mà còn liên quan đến xu hướng gia tăng tự do hóa thị trường cho đầu tư tư nhân nước ngoài trong các  lĩnh vực mà VN đã cam kết, trong đó có hệ thống bán lẻ và thu mua, chế biến xuất khẩu. Xu hướng bất ổn sẽ còn tiếp diễn trên các thị trường hàng lương thực, thực phẩm. Vì vậy,  trong thời gian tới, cần coi trọng an ninh lương thực với tư cách là lĩnh vực thiết thân, nhạy cảm và sống còn của quốc gia.

Tuy nhiên, trong thời gian tới cuối năm sẽ có sự hạ nhiệt ở một số thị trường cá biệt, như thị trường thép trong nước do giá phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới có xu hướng chững lại và giảm; các DN cũng phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Đông Nam Á; đồng thời do giảm nhu cầu thép xây dựng vì cắt giảm đầu tư công và lãi suất cho vay cao khiến xây dựng cơ bản thu hẹp quy mô.

Tái cấu trúc kinh tế sẽ gặp khó khăn hơn

Với tư cách là quá trình mở và có nội hàm rộng, việc tái cấu trúc kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn và cả rủi ro liên quan trực tiếp đến các khía cạnh vốn, thị trường, lao động, công nghệ và thương hiệu...

Trước hết, đó là khó khăn và rủi ro gắn với sự lựa chọn định hướng đầu tư , sản phẩm , ngành và tái cấu trúc sao cho vừa phát huy lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của DN và địa phương, vừa bảo đảm tính ổn định lâu dài của guồng máy sản xuất và thu hồi vốn đầu tư. Trong khi các lợi thế và thị trường truyền thống mất đi, các sản phẩm và thị trường mới chưa ổn định và thu lợi chắc chắn, các DN, và do đó, nền kinh tế sẽ đối diện với những chi phí vốn khổng lồ, kéo theo những hệ lụy toàn diện và không dễ dự liệu hết (Theo điều tra của Bộ KH&ĐT, 70%  còn dựa chủ yếu vào các nguồn vốn vay và có tới 1/3 DN vừa và nhỏ không thể tiếp cận nguồn vốn vay, nên dầu tư và kinh doanh cầm chừng và 1/3 tuy có tiếp cận được nhưng gặp khó khăn). Hơn nữa, sự hạn chế nguồn vốn cho tái cấu trúc cũng là bài toán nan giải cho các DN và các hoạt động tái cấu trúc trong bối cảnh lạm phát cao và kiên trì thắt chặt tài chính-tiền tệ. Đồng thời, lãi suất cao của các khoản vay trong khi nguồn thu từ các hoạt động tái cấu trúc sẽ làm tăng độ rủi ro liên  quan đến chiếc  “bẫy nợ” cho cả nợ công, cũng như nợ tư. Ngoài ra, quá trình tái cấu trúc còn có thể làm xáo  trộn bộ máy lao động, tổ chức của DN và nền kinh tế, khoét sâu những lỗ hổng về nhân lực và quản trị . Đặc biệt, nếu sản phẩm mới làm ra không đáp ứng tiêu chuẩn và quy chuẩn thế giới, cũng như những cam kết và uy tín thương hiệu của sản phầm, thì  dễ lầm vào cảnh ế đọng sản phẩm mới, còn uy tín thì có thẻ bị tổn thương nghiêm trọng, kiểu “Tích củi 3 năm, thiêu trong 1 giờ”, khiến  lâm cảnh khó chồng lên khó...

Về tổng thể, VN đang và sẽ còn đối diện với nhiều bài toán và thách thức truyền thống và phi truyền thống, trong khi khả năng huy động và sử dụng các công cụ và các nguồn lực để giải quyết chúng có xu hướng co hẹp hoặc giảm, thậm chí mất đi lợi thế tương đối, đòi hỏi chúng ta phải có những nhận thúc mới và quyết tâm, cùng cách làm mới.

Doanh nghiệp đối phó cách nào ?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát ảnh hưởng mạnh tới hoạt động kinh doanh, đặc biệt là nguồn vốn đầu vào của DNNVV. Nhiều giải pháp đã được các DN thực hiện có hiệu quả trong năm 2008 đó là triệt để thực hiện tiết kiệm, vận dụng nguồn nhân lực đúng với thời thế và đổi mới chiến lược kinh doanh phù hợp với yêu cầu của thị trường. Với mỗi biện pháp, cần áp dụng linh hoạt, sáng tạo, đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của mọi thành viên trong DN.

Tránh đầu tư đa ngành, dàn trải, kém hiệu quả. Các danh mục đầu tư của DN phải được thu gọn và chỉ tập trung vào các dự án có tiềm năng và vốn đầu tư bảo đảm. Nhiều chủ DN cho rằng các dự án đầu tư có thời gian thu hồi vốn lâu như bất động sản, khu công nghiệp nên được tính toán và cân nhắc kỹ càng. Ngược lại, các dự án "đánh nhanh thắng nhanh" như đầu tư vào các mặt hàng tiêu dùng nên được ưu tiên để thu hồi vốn, luân chuyển nhanh luồng tiền. Ngoài ra, lạm phát là cơ hội để DN cơ cấu lại tổ chức bằng cách liên kết hình thành các tập đoàn để tạo ra khả năng tích tụ, tập trung vốn và tăng khả năng thâm nhập thị trường... Để có thể trụ vững và phát triển, DN phải chủ động vượt qua trên cơ sở có chiến lược kinh doanh đúng hướng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong bối cảnh khó khăn phải tái cấu trúc lại sản xuất, kịp thời nắm bắt và nghiên cứu thị trường, bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

TSNguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

  • Khuẩn E.coli mới vẫn có thể vào Việt Nam
  • Nhập siêu tăng… vì VND lên giá!
  • Làn sóng doanh nhân vào nghị trường: Mừng hay lo?
  • Kinh tế biển Việt Nam và tư duy “làm ruộng trên cạn”
  • Vì sao Việt Nam đổi cách thống kê sản xuất công nghiệp?
  • “Thời điểm cần thúc đẩy cổ phần hóa”
  • Giá xăng dầu: Muốn giảm cũng khó?
  • Vì sao chưa giảm giá xăng dầu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi