Đóng cửa phiên 10/6, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 giảm 2,64 USD, tương đương 2,6% xuống còn 99,29 USD/thùng – phiên giảm mạnh nhất kể từ 11/5. Trong tuần này, giá dầu đã giảm 0,9% nhưng tăng 32% so với 1 năm trước.
Sau khi đóng cửa, giá dầu trên bảng điện tử ở New York tiếp tục đi xuống còn 98,92 USD/thùng.
Giá dầu Brent tại London giảm 79 cent xuống còn 118,78 USD/thùng, được hỗ trợ bởi tình hình căng thẳng ở Trung Đông và Bắc Phi – nơi cung cấp dầu chất lượng cao chủ chốt.
Ông Adam Sieminski - chuyên gia kinh tế năng lượng thuộc Deutsche Bank AG ở Washington, cho biết kế hoạch nâng sản lượng của Ả Rập Xê Út sẽ giúp bù đắp phần thiếu hụt đến từ Libya và làm giảm nguy cơ giá dầu tăng cao. Các chỉ báo kinh tế toàn cầu cũng cho thấy tình hình kinh tế hiện đang rất xấu, không hỗ trợ cho giá năng lượng.
Ả Rập Xê Út vẫn chưa chính thức đưa ra con số về sản lượng mà nước này dự kiến sẽ nâng lên là bao nhiêu, nhưng tín hiệu bơm thêm dầu ra thị trường sau khi OPEC không đạt được đồng thuận về hạn ngạch sản xuất hôm 8/6 đã làm thị trường bớt lo lắng.
Trung Quốc hôm qua thông báo, thặng dư thương mại tháng 5 chỉ đạt 13,1 tỷ USD vì xuất khẩu giảm sút, kém xa so với kỳ vọng 19,3 tỷ USD của thị trường. Sản lượng công nghiệp của Ấn Độ tháng 4 chỉ tăng 6,3%, sau khi tăng 8,8% trong tháng 3. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai và thứ tư thế giới, chiếm 14% tổng tiêu thụ dầu toàn cầu.
Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Tổ phó tổ giám sát giá xăng dầu Liên bộ Tài chính - Công Thương, cho biết việc lỗ kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trong nước là có thật, nguyên do là giá xăng dầu trong nước bị kìm quá lâu.
Giá xăng dầu chỉ mới bắt đầu hạ nhiệt trong vài ngày gần đây, nếu chỉ trông chờ vào mức lãi này thôi thì không thể nào bù đắp được các khoản lỗ trước kia.
Hiện nay, mặt hàng có lãi nhiều nhất là dầu diesel (khoảng từ 500 - 900 đồng/lít, tùy thời điểm nhập về của doanh nghiệp), còn xăng chỉ lãi trên 100 đồng mỗi lít nên các doanh nghiệp phải tranh thủ nhập về để bán và bù chéo cho những mặt hàng khác đang còn lỗ.
"Nếu giảm giá ngay sẽ gây bất lợi vì giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng "nóng" trở lại, vì thế, trong các phương án thì cơ quan quản lý đang nghiêng về phương án tăng thuế và trích quỹ bình ổn, phòng trường hợp giá thế giới quay đầu tăng còn có khoản để bù đắp", ông An phân tích.
Điều này, theo giải thích của ông An, không có nghĩa là các cơ quan nhà nước nghiêng về doanh nghiệp mà không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bởi trong câu chuyện này, cần phải hiểu là việc điều hành phải giữ được tính ổn định và "tránh giật cục".
"Trước đây, giá xăng dầu trong nước còn thấp hơn các nước lân cận từ 4.000 đến 5.000 đồng/lít nhưng để bình ổn thị trường, các doanh nghiệp đã không nâng giá bán", ông An nói tiếp.
Và những lúc khó khăn như vậy, nhiều đầu mối xăng dầu đã chịu những khoản lỗ rất lớn để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Nay giá xăng dầu thế giới mới chỉ hạ nhiệt đôi chút, doanh nghiệp cũng cần có khoản để dự phòng.
Trong Nghị định 84/2009/NĐ-CP về điều hành xăng dầu cũng quy định, nhà nước sẽ không bù lỗ xăng dầu, do vậy doanh nghiệp khi kinh doanh cũng phải có lợi nhuận thì mới tồn tại được. "Nếu họ vừa có lãi đã siết lại thì lúc khó khăn liệu có doanh nghiệp nào dám đứng ra để bình ổn thị trường trong nước?", ông An nhấn mạnh.
Thực tế thời gian qua đã cho thấy một bài học kinh nghiệm về việc điều hành sao cho linh hoạt và ổn định thị trường. Đã có lúc nhiều doanh nghiệp vì lỗ mà không nhập hàng về để bán, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, việc dự báo nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa thực sự chuẩn xác, chưa tính hết được nhu cầu hàng năm phải tiêu thụ bao nhiêu xăng cho tiêu dùng và bao nhiều dầu diesel cho sản xuất... để chia đều cho các doanh nghiệp.
Điều này đã dẫn tới chuyện doanh nghiệp thấy lỗ mặt hàng nào thì lập tức sẽ hạn chế nhập mặt hàng đó và tăng mua những mặt hàng khác ít lỗ hơn, như vậy đương nhiên gánh nặng bình ổn thị trường dồn lên các doanh nghiệp chủ chốt.
Thị trường thì mỗi ngày một giá, trong khi người dân vẫn chưa quen với việc nay lên, mai xuống của thị trường này. Chính vì vậy, để tránh gây "sốc" cần có những chính sách dài hạn, tránh lặp lại kịch bản cũ là chưa kịp giảm giá thì đã lo tăng trở lại, thậm chí mức giảm không đáng bao nhiêu nhưng khi tăng thì lại quá lớn.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com