Khu kinh tế Vũng Áng, một "cứ điểm" kinh tế biển tại miền Trung. |
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang không khó khăn lắm để thuyết phục các diễn giả tại Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam năm 2011, được tổ chức tại Khánh Hòa hôm 8/6, về hiệu quả kinh tế từ khai thác lợi thế biển của địa phương này.
Theo cách ông mô tả, Khánh Hòa, với những điểm nhấn là các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Vinpearl, Ana Mandara, với sản vật nối tiếng là yến sào… cho thấy biển đã đem đến nguồn lợi to lớn dường nào.
“Tuy nhiên, so với tiềm năng thì còn quá nhỏ nhoi”, Bí thư Quang chốt lại một câu cũng na ná các vị quan chức, chuyên gia nói trước và sau ông.
Và đó là thực tế không thể phủ nhận đối với phát triển kinh tế biển Việt Nam lâu nay, dù là quốc gia có bờ biển dài và diện tích phần mặt nước gấp ba lần đất liền.
Chiến lược biển mới ở chặng khởi động
Tháng 2/2007, nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định kinh tế trên biển và ven biển sẽ đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước; sẽ triển khai xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực...
Tháng 10/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công xây dựng cảng Vân Phong, cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Hai dự án phát triển kinh tế biển đáng ghi nhận khác trong thời gian này là nhà máy lọc dầu Dung Quất và tuyến cáp điện 110 Kv xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc.
Cùng với tuyến đường 5 mới (Hà Nội - Hải Phòng), quốc lộ 51, các tuyến đường hành lang Đông - Tây…, Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đường bộ ven biển, kéo dài khoảng 3.041 km từ cảng Núi Đỏ (Quảng Ninh) tới cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang), tham vọng hình thành nên trục kinh tế biển.
Các mũi nhọn kinh tế biển cũng đã được hình thành. Theo Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Duy Đông, quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển đến năm 2020 đã có 18 khu với tổng diện tích đất và mặt nước là 721.782 ha.
Tính đến hết tháng 12/2010, các khu kinh tế trong cả nước đã thu hút được gần 700 dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 27 nghìn lao động.
Tuy nhiên, những con số và dự kiện kể trên là chưa tương xứng với tiềm năng. So sánh với một số nước có biển trong khu vực, giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản.
Đánh giá về thực trạng kinh tế biển của Việt Nam, TS. Bùi Tất Thắng (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nhìn chung nhiều khu kinh tế biển gần như chưa có chuyển động đáng kể, nếu có cũng chỉ ở tầm phạm vi kinh tế của một tỉnh.
“Các khu kinh tế biển cũng chưa tạo được tính liên kết vùng và liên kết giữa chúng với nhau. Phía sau những khu kinh tế biển mạnh nhất chỉ là 4 vùng kinh tế trọng điểm của một nước nghèo, và cũng ít liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, nên chưa tạo được sự hậu thuẫn đủ lớn để phát triển các khu kinh tế biển”, ông Thắng nói.
Sửa tư duy “làm ruộng trên cạn”
Kinh tế biển của Việt Nam phát triển với hai lợi thế quan trọng: tiềm năng tự nhiên hay còn gọi là lợi thế tĩnh (bờ biển dài, diện tích lãnh hải thuộc chủ quyền rộng, có các nguồn thủy sản, dầu khí, nhiều bãi biển đẹp...); và vị trí địa - kinh tế và địa - chiến lược đặc biệt, do nằm trên các tuyến hải hành và các luồng giao thương quốc tế chủ yếu của thế giới.
Tuy vậy, lâu nay khi bàn đến lợi thế phát triển kinh tế biển của Việt Nam, sự chú tâm thường được dành cho loại lợi thế thứ nhất, mặc dù loại lợi thế thứ hai đang ngày càng trở nên quan trọng bởi sự gia tăng nhanh chóng của quá trình toàn cầu hóa, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên lưu ý.
Chứng minh cho luận điểm của mình, vị chuyên gia đến từ Hà Nội này dẫn chứng. Mấy chục tỉnh sát biển đua nhau làm cảng biển, đã xây dựng gần một trăm cảng biển, “băm nát” nhiều dải cát để dựng lên khu nghỉ dưỡng cho người giàu…
Tuy nhiên, động lực “vươn ra biển lớn” của phong trào rầm rộ này thật sự không rõ ràng, bị chi phối bởi tư duy lợi ích dự án cục bộ thay vì một mục tiêu đua tranh phát triển lành mạnh và có tầm nhìn xa, ông nhấn mạnh điểm này.
Trên thực tế, cách tư duy về lợi thế như vậy được phản ánh trong việc đầu tư cho nghiên cứu, cho việc phát triển năng lực và các lĩnh vực kinh tế biển cụ thể như tập trung cho các ngành khai thác tài nguyên biển thủy sản, dầu khí, làm muối dưới dạng “thô”; khai thác hàng hải, du lịch và cảng biển ở trình độ nhìn chung còn thấp.
“Sự thiên lệch đó là kết quả tự nhiên, tất yếu của sự tiếp nối tư duy phát triển truyền thống, coi khai thác tài nguyên thô, dựa vào trình độ kỹ thuật, công nghệ thấp và những năng lực hạn chế là cách thức chủ đạo của quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế”, ông Thiên nêu vấn đề.
Theo vị chuyên gia này, cách thức khai thác biển như vậy chỉ là lối “đánh bắt ven bờ”, không mang tư tưởng tìm kiếm và chinh phục đại dương. Về thực chất, đó là việc mang cách thức phát triển nông dân cổ truyền, làm ruộng trên cạn ra khai thác biển.
Ông cho rằng, ưu tiên lúc này là xây dựng một số cứ điểm phát triển chiến lược mạnh ven biển. Và để làm được điều này, phải thoát khỏi cách tư duy chia đều các lợi ích phát triển từ ngân sách nhà nước cho các địa phương và các nhóm lợi ích lớn.
TS. Bùi Tất Thắng nói rõ thêm, việc xây dựng các khu kinh tế ven biển ở Việt Nam cần nghiên cứu sâu hơn các lĩnh vực thế mạnh đặc thù, để hướng sự phát triển của mỗi khu vào một số lĩnh vực được chuyên môn hóa, tránh tình trạng các khu kinh tế này chẳng có điểm khác nhau đáng kể nào.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com