Trong khi nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, việc có tới 38 doanh nhân trên tổng số 500 đại biểu trúng cử vào Quốc hội XIII gợi mở nhiều kỳ vọng từ cử tri. Nhưng cũng có những ý kiến lo ngại các “đại gia” sẽ sử dụng quyền năng trên nghị trường cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Đưa thực tiễn vào nghị trường
Cử tri vẫn ngại nhất những ông/bà nghị "gật", tham gia nghị trường mà chỉ biết gật gù đồng tình, hoặc tệ hơn là... ngủ gật, không có chính kiến, không có đóng góp gì trong suốt thời kỳ khoác áo nghị sĩ. Thực tế là, có những vấn đề của thực tiễn cuộc sống, nhưng đại biểu Quốc hội không có cơ hội tiếp xúc, xử lý trực tiếp thì cũng có thể dẫn tới những nhận định xa rời thực tế.
Như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội từng tâm sự rằng giữa thực tế và chính sách luôn tồn tại những khoảng cách không nhỏ, đặc biệt là trong các quy định về kinh tế như đất đai, tài chính, ngân hàng. Vì thế, mong muốn của bà khi tham gia nghị trường là để rút ngắn khoảng cách này.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ, Nhà nước ngày càng sát cánh hơn với thị trường, thì tiếng nói của doanh nhân chốn nghị trường, sẽ góp phần đưa thực tiễn và chính sách xích lại gần nhau hơn.
GS. Trần Ngọc Đường, Nguyên Phó chủ nhiệm VP Quốc hội, nhấn mạnh, doanh nhân khi trở thành ĐBQH tức là trở thành chính khách, thành nhà hoạch định chính sách cho quốc gia. Doanh nghiệp có thực tiễn nên nếu có cơ chế tốt thì họ có thể đóng góp vào sự nghiệp chung.
Vì thế, cử tri có quyền kỳ vọng rằng đại biểu doanh nhân sẽ đóng góp cho việc xây dựng luật pháp, chính sách kinh tế, giám sát kinh tế ở các cấp, phản ánh các vấn đề thực tế trong kinh doanh để giúp Chính phủ có những quyết sách đúng đắn và kịp thời.
Đại biểu doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu tại một kỳ họp Quốc hội. |
Nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) lại tâm tư rằng "các khóa trước đã có sự tham gia của doanh nhân nhưng rất tiếc, họ không phát huy được vai trò của đại biểu".
Thực tế cho thấy trong Quốc hội XII, ngoài một số rất ít các doanh nhân như bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc tập đoàn Việt Á có những chất vấn và phát biểu thẳng thắn, gai góc về các vấn đề kinh tế xã hội quan trọng thì vẫn vắng những tiếng nói đóng góp của doanh nhân.
Đáng tiếc, bà Loan đã xin rút khỏi danh sách ứng cử Quốc hội khoá XIII. Giãi bày với báo chí trước kỳ bầu cử, bà Loan cho biết: "Muốn làm tốt trách nhiệm của một đại biểu trước cử tri, trước đất nước cần không chỉ trí tuệ, mồ hôi, công sức và cả thời gian. Tự thấy mình không đủ sức để ôm đồm nên tôi xin rút để tập trung cho doanh nghiệp của mình. Còn một lý do nữa là nhiều khi tôi cảm thấy không hài lòng đối với sự thiếu cầu thị, cách hành xử né tránh, xuê xoa trước những đòi hỏi bức xúc của nhân dân mà tôi được cử tri tin cậy, gửi gắm nêu ra."
Không biết có phải vì e ngại cách hành xử "né tránh, xuê xoa" này và sợ người khác "hiểu lầm" như những lời tâm sự của bà Loan hay không mà doanh nhân vẫn chưa thực sự bày tỏ quan điểm ở chốn nghị trường?
Bà Phạm Chi Lan bày tỏ mong mỏi "các đại biểu (doanh nhân) đã tham gia từ khoá trước nhưng còn dè dặt hay các đại biểu mới tham gia khoá này sẽ tích cực hơn".
Đại biểu "hai mang"
Đại biểu quốc hội là doanh nhân được coi là "hai mang", bởi họ vừa tham gia bộ máy quyền lực nhưng cũng vẫn tham gia vào thị trường. Nhưng tham gia Quốc hội tức là không chỉ đại diện cho doanh nghiệp của mình hay ngành của mình, mà đại biểu doanh nhân phải đứng cao hơn lợi ích nhóm, hướng tới lợi ích kinh tế xã hội chung, để xứng đáng với lá phiếu và sự kỳ vọng của cử tri.
Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế hiện nay thì đại biểu doanh nhân càng phải chung sức với Nhà nước, đặt yêu cầu cần thiết cho lợi ích chung, không để phân bổ nguồn lực trái với lợi ích chung của xã hội. Thậm chí, các đại biểu này có thể giám sát lẫn nhau, tránh làm ăn phi pháp, huỷ hoại môi trường.
Theo GS Trần Ngọc Đường con số 38 đại biểu doanh nhân khoá này là "quá nhiều". Cũng có những ý kiến nghi ngại doanh nhân vào Quốc hội để đánh bóng tên tuổi, để tiếp cận lãnh đạo hay lobby chính sách. Nhưng theo ông Đường thì hiện tại vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá, nhận định gì mà cần phải chờ thêm thời gian.
Đồng cảm với sự lo ngại này, bà Phạm Chi Lan lưu ý một "diễn biến" mới của lần này là có những "đại gia" trong lĩnh vực BĐS cũng tham gia Quốc hội.
Tuần qua vừa xảy ra những biến cố với Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), mà theo cách nói của TBKTVN là "họa phúc cùng lâm môn", khiến người ta không khỏi suy nghĩ về ý kiến trên của bà Phạm Chi Lan.
Chỉ vài ngày sau khi ông Nguyễn Minh Quang, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc UDIC, chính thức được thông báo trúng cử vào Quốc hội XIII thì ông Trương Chiến Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý bất động sản UDIC (UDIC Land), đơn vị mà UDIC góp 10% vốn điều lệ, bị bắt giam để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, công an Hà Nội đã bắt quả tang hành vi giao nhận số tiền gần 4,4 tỷ đồng giữa các thuộc cấp của ông Bình với khách hàng, những người sau đó khai rằng việc này được tiến hành theo chỉ đạo của ông Bình. Ông Quang khẳng định, UDIC không có chủ trương thu tiền chênh lệch ngoài hợp đồng của khách hàng mà đây hoàn toàn là việc làm đơn phương của cán bộ giao dịch UDIC Land.
Ông Quang đã nhấn mạnh đây là một "bài học lớn" và "sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm". Nhưng soi vào chương trình hành động mà ông đề ra trước kỳ bầu cử là "tích cực tham gia giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trong vấn đề để thất thoát vốn, tiêu cực, tham nhũng, giám sát việc thực hiện lời hứa sau chất vấn và chú trọng hoạt động đầu tư phát triển nhà ở phục vụ công nhân, người nghèo, người thu nhập thấp", người ta không khỏi nghi ngại.
Bà Phạm Chi Lan lo ngại thời gian qua có những xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, nay chủ doanh nghiệp lại tham gia Quốc hội thì người dân chắc chắn sẽ quan tâm xem đại biểu này sẽ xử lý như thế nào tới các vấn đề liên quan tới dự án.
"Tôi cũng như nhiều cử tri sẽ giám sát xem các đại biểu có xứng đáng không, nhất là khi sắp tới sửa luật đất đai," bà Lan bày tỏ.
---------------------------------------
Tác giả: Lan Hương// Nguồn VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com