Việc tăng tốc đầu tư vào nguồn điện trong thời gian qua đã và đang cải thiện khá rõ rệt khả năng đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ nền kinh tế của ngành điện. Tuy nhiên, sự cải thiện này nhiều khả năng sẽ bị chững lại bởi sự thiếu chú ý đầu tư hệ thống truyền tải. Nguy cơ thiếu điện do thiếu dây dẫn bắt đầu được cảnh báo.
![]() |
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tới nay, công suất các trạm biến áp 220 kV hiện có là 13.000 MBA, trong khi công suất đặt của các nhà máy hiện đã lên tới 15.000 MW, công suất huy động cao điểm nhất (P max) là khoảng 13.000 MW.
Với đà xây dựng các nhà máy điệân mới hiện nay, cụ thể là trong hai năm 2009 và năm 2010, khoảng 2.000-3.000 MW/năm nữa được đưa vào, một câu hỏi khó là “tiêu thụ ở đâu bởi không truyền được”.
Theo phân tích của giới chuyên gia, để có thể truyền tải hết công suất điện phát ra của các nhà máy điện đang có trên hệ thống, thì công suất các trạm biến áp phải đạt mức tương đương. Nghĩa là, nếu có khoảng 13.000 MW công suất điện trên hệ thống, thì cũng cần có ít nhất bằng đó công suất các trạm biến áp (tính theo đơn vị MBA).
Dĩ nhiên, con số chính xác công suất trạm biến áp cần để tải điện còn phụ thuộc vào từng điều hoạt động thực tế của các yếu tố trong hệ thống. Các nhà máy điện cũng được thiết kế để phát qua các trạm biến áp và đường dây ở những cấp điện áp khác nhau như 220 kV, 110 kV hay 35 kV, nhưng thông thường hay tính theo cấp điện áp 220 kV.
Vì vậy, cảnh báo của EVN cũng có nghĩa là các nhà máy điện hiện có và đang xây dựng đã gần dùng hết năng lực truyền tải điện đang có. Nếu thêm các nhà máy mới mà không chú ý tới việc phát triển hệ thống truyền tải thì hệ quả đương nhiên là công suất phát điện thừa, song người dân vẫn thiếu điện vì không có đường dây để truyền tải.
“Đang có sự mất cân bằng giữa nguồn và lưới. Năm 2009-2010 sẽ liên tục đưa nguồn mới vào, nhưng công suất của hệ thống lưới không tăng thêm nhiều, nên có nguy cơ không tải được điện”, ông Thanh lo ngại.
Ông Vũ Hữu Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải (NPT) thuộc EVN cũng thừa nhận, năng lực truyền tải của lưới đang có dấu hiệu kém hơn nguồn và có xu hướng không có dự phòng, đặc biệt là lưới truyền tải miền Bắc. Như vậy, trong trường hợp gặp sự cố thì tình trạng mất điện sẽ khó tránh khỏi vì không có dự phòng bổ sung.
Cũng phải nói rằng, đầu tư cho phát triển hệ thống lưới điện đang được EVN quan tâm bên cạnh tập trung phát triển nguồn. Tuy nhiên, hệ thống lưới điện trải dài khắp cả nước, hành lang an toàn của hệ thống này đòi hỏi mặt bằng bên dưới phải đủ tiêu chuẩn. Các điều kiện này khiến việc giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới tình trạng chậm thi công.
Không những vậy, theo kế hoạch, từ nay tới năm 2025, sẽ có thêm 10-15 trung tâm nhiệt điện mới. Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương thậm chí còn lo ngại tới tình trạng không còn đất để đi. “Có lẽ EVN phải tính tới làm đường dây nhiều tầng, truyền nhiều cấp, hành lang an toàn cao lên để dân có thể xây nhà dưới đường dây mà không bị ảnh hưởng của từ trường”, ông Hào phân tích. Tất nhiên, để làm được vậy, theo gợi ý của ông Hào, phải thuê tư vấn để khảo sát lại toàn bộ đường dây.
Cũng không thể không nhắc tới những khó khăn về vốn trong quá trình phát triển hệ thống lưới điện quốc gia. Năm 2008, EVN đã thành lập NPT và giao trách nhiệm đầu tư lưới cho đơn vị này. Tuy nhiên, theo ông Hoa, nếu không có EVN đứng ra bảo lãnh các khoản vay cho NPT thì các ngân hàng thương mại sẽ không cho NPT vay. Lý do là NPT vừa mới được thành lập, cả năng lực và nguồn dự trữ đều không dồi dào.
Theo tính toán của EVN và NPT, từ nay tới năm 2015, NPT phải đầu tư 125.000 tỷ đồng và trả nợ 39.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, đơn vị này mới nhìn thấy phần thu từ khấu hao đã đầu tư là 25.000 tỷ đồng. Phần còn lại cho đến giờ vẫn chưa biết cân đối ra sao. Như vậy, nếu EVN không xắn tay vào thì gánh nặng về phát triển lưới điện đang được chính EVN đẩy sang chân “con” của mình là NPT.
(Theo báo Đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com