Chủ động trong đối phó với thách thức, sẽ giúp nền kinh tế hội nhập nhanh với thế giới. Ảnh: Đức Thanh |
Nhìn lại hai chiến lược phát triển
Từ khi Đảng ta chủ trương “đổi mới” định hướng phát triển đất nước theo kinh tế thị trường, nước ta đã có hai chiến lược phát triển: 1991- 2000 và 2001- 2010. Để có được cách tiếp cận đúng khi xây dựng Chiến lược 2011- 2020 thì cần từ hai chiến lược đó rút ra những bài học cần thiết.
Có vẻ là sự trùng hợp ngẫu khá thú vị về chính trị và kinh tế thế giới khi bắt đầu và kết thúc hai chiến lược đó, nằm ngoài dự báo của các nhà hoạch định chiến lược của nước ta.
Về chính trị, mở đầu giai đoạn 1991-2000 là kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới bằng việc Liên Xô - lúc đó được chúng ta coi là thành trì vững chắc của phe XHCN - tan rã; nước Nga và những nước khác trong Liên bang Xô Viết thành lập các quốc gia độc lập, không tiếp tục đi theo con đường XHCN. Trạng thái đó đã gây ra cú sốc lớn đối với đại bộ phận người dân Việt Nam, những người luôn trung thành với tư tưởng XHCN. Tuy vậy,“cái khó ló cái khôn”, Việt Nam không những vượt qua cú sốc lớn, mà còn biết biến nó thành cơ hội để hội nhập với thế giới.
Đó là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991, mở đầu bằng cuộc gặp cấp cao của hai nước ở Thành Đô; là những cuộc tiếp xúc ở nhiều cấp độ với Mỹ về quan hệ song phương vào cuối thời kỳ Tổng thống G. H. Bush, đầu thời kỳ Tổng thống Bill Clinton, dẫn đến sự kiện Mỹ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với nước ta vào ngày 3/2/1994 và hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 7/1995; là việc mở rộng quan hệ nhiều mặt với Cộng đồng kinh tế châu Âu (EU) bằng Hiệp định khung giữa hai bên và nước ta gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995.
Mở đầu giai đoạn 2001 - 2010 là sự kiện chưa từng có tiền lệ đã xảy ra trên đất Mỹ - ngày 11/9/2001 bọn khủng bố quốc tế dùng máy bay dân sự như vũ khí hủy diệt đánh trúng hai biểu tượng của sức mạnh Mỹ: toà tháp đôi - sức mạnh kinh tế và Lầu Năm Góc - sức mạnh quốc phòng. Sự kiện đó đã làm thay đổi chiến lược đối ngoại của Mỹ - cường quốc số một của thế giới, đồng thời thay đổi khái niệm về an ninh với sự xuất hiện thuật ngữ mới “an ninh phi truyền thống” để chỉ mối đe dọa của nạn khủng bố quốc tế.
Sự kiện đó buộc nước ta phải xem lại nhiều vấn đề có liên quan đến đối ngoại và đối nội.
Về kinh tế, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực, mở đầu bằng việc Chính phủ Thái Lan thả nổi tỷ giá đồng Bath so với đồng USD vào ngày 2/7/1997 sau 13 năm giữ ổn định 1USD = 24-25 Bath; đồng tiền Thái Lan bị mất giá rất nhanh, chỉ còn chưa đầy một nửa làm chao đảo nền kinh tế vốn được coi là thành công trong thập niên 80, lan ra khu vực ASEAN và châu Á.
Vào thời kỳ đó, nước ta chưa mở cửa thị trường tiền tệ, chưa thu hút đầu tư gián tiếp, chưa có thị trường chứng khoán, nên nằm ngoài vòng xoáy của cơn bão kinh tế. Đáng ra, cuộc khủng hoảng này đã trở thành cơ hội cho Việt Nam để thu hút nhanh và nhiều hơn nguồn vốn quốc tế khi nước ta được đánh giá là ổn định nhất khu vực. Tuy vậy, do bị động đối phó với khủng hoảng, nên nước ta chịu hậu quả khá nặng nề, tốc độ tăng trưởng, thương mại và đầu tư quốc tế giảm sút trong 6 năm từ năm 1999 đến 2004.
May mắn là Quốc hội đã ban hành Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 2001 với sự thay đổi cơ bản tư duy quản lý nhà nước từ chỗ “doanh nghiệp được kinh doanh những ngành nghề, lĩnh vực được nhà nước cho phép, sang những ngành nghề, lĩnh vực nhà nước không cấm”, được coi như “Khoán 10” đối với công nghiệp, tạo cơ hội lớn cho sự phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, mà hiện đã có gần nửa triệu doanh nghiệp, trong đó có “một số đại gia” có tầm cỡ khu vực.
Vào cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới xảy ra bắt đầu từ nước Mỹ vào năm 2007 với sự sụp đổ của nhiều ngân hàng lớn và lâu đời của nước này, lan nhanh ra các cường quốc kinh tế và các nước.
Đối với nước ta, tác động của cuộc khủng hoảng này xảy ra ngay sau khi Việt Nam đối mặt với tình trạng lạm phát cao vào nửa đầu năm 2008 do sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ, buộc Chính phủ phải áp dụng giải pháp gồm 8 nhóm theo hướng thặt chặt tiền tệ, tăng lãi suất tiền gửi và tiền vay; vào quý III năm đó, Chính phủ phải đề ra giải pháp mới theo hướng ngược lại: mở rộng tín dụng và tiền tệ đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế, bằng cách kích thích kinh tế với các gói hỗ trợ lãi suất cho thương mại, đầu tư, kích cầu.
Một vài kiến nghị
Điểm lại vài sự kiện quốc tế về chính trị và kinh tế có liên quan đến sự phát triển của đất nước để kiến nghị với Đảng và Chính phủ trong việc hoạch định Chiến lược 2001- 2020:
1) Cần khẳng định rằng, khi nước ta xây dựng Chiến lược mới thì chưa thể dự báo được sự biến động tình hình chính trị và kinh tế thế giới, nên trong dự thảo Chiến lược cần thêm nội dung: coi trọng việc theo dõi tình hình, dự báo ngắn hạn, chủ động đề xuất các giải pháp đối phó kịp thời và có hiệu quả đối với mọi diễn biến bất thường của thế giới, bảo đảm an ninh của đất nước và thực hiện các mục tiêu dài hạn.
2) Tăng thêm nguồn lực quốc gia để chủ động đối phó với mọi tình huống bất thường. Hiện nay, nước ta đã cần và có thể tính toán hợp lý việc sử dụng các nguồn lực vừa đáp ứng các nhu cầu tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, tiêu dùng của nhân dân, vừa tăng dần các dự trữ chiến lược về vật tư, hàng hóa, ngoại hối để bảo đảm an ninh quốc gia. Nên dựa trên tính toán khoa học để đưa ra một số chỉ tiêu định lượng về dự trữ lương thực, vật tư chiến lược, ngoại hối của năm 2015 và năm 2020 để các bộ, ngành chức năng có căn cứ lên phương án cụ thể nhằm thực hiện các chỉ tiêu đó.
3) Kinh nghiệm của hai Chiến lược vừa qua đã chỉ ra rằng, khi nào mà Chính phủ chủ động trong việc đối phó với thách thức như đã từng thực hiện khi chuyển hướng nhanh chóng trong chính sách đối ngoại trong thời kỳ kết thúc “chiến tranh lạnh” giữa hai phe vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thì khi đó chẳng những vượt qua được thách thức, mà còn tạo lập cơ hội mới, hội nhập nhanh với thế giới theo kinh tế thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại quốc tế; làm thất bại chủ trương cấm vận đối với nước ta, tạo ra thế và lực mới của đất nước, làm thay đổi cách nhìn của nhiều nhà chính trị quốc gia, nhiều chính khách quốc tế đối với nước ta. Theo cách nói có hình ảnh thường được nhiều người sử dụng trong những năm đó là, “Việt Nam từ một cuộc chiến sang một đất nước giàu tiềm năng, đang đổi mới theo kinh tế thị trường”.
Chủ động đối phó với thách thức sẽ tạo ra cơ hội mới, điều mà người Trung Quốc đã làm được trong cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế vừa qua. Nước này chỉ bị chấn động nhẹ trong ba quý của năm 2009, sau đó là tăng trưởng với tốc độ cao và tận dụng được cơ hội các nước lớn đang phải đối phó với tình trạng trì trệ, thất nghiệp để vươn lên trở thành cường quốc thứ hai về kinh tế, vượt Nhật Bản và chỉ đứng sau Mỹ (tất nhiên như nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trung Quốc khẳng định, đó là về số lượng GDP, còn chất lượng GDP thì vẫn kém xa Nhật Bản).
(Theo GS. TSKH Nguyễn Mại // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com