Ngành nông nghiệp lâu nay vẫn được coi là cứu cánh khi nền kinh tế Việt Nam gặp khó. Tuy nhiên, vai trò này có mờ nhạt khi bản thân ngành cũng đang điêu đứng trong một năm đầy khó khăn như 2012?
Vấn đề này đã được bàn thảo nhiều trong khuôn khổ Hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2012, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) diễn ra ngày 6-7/3, tại Hà Nội.
Nói về vai trò của nông nghiệp khi nền kinh tế Việt Nam gặp sóng gió, cụ thể như 2011 khi lạm phát kéo dài ở mức cao, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, ông Võ Trí Thành, đánh giá, ngành đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng, xuất khẩu và cán cân thương mại; nhờ đó, một bộ phận dân cư có đời sống khá hơn. Rõ ràng, nông nghiệp đã "có công" trên cả 3 khía cạnh: chất lượng, hiệu ứng thu nhập và không có cú sốc lớn nào từ ngành tác động đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, 2012 mới là năm được thực sự khó khăn, không chỉ với nền kinh tế mà cả với ngành nông nghiệp. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo chỉ đạt 4,7 đến 6,5% (trung bình khoảng 5,5%), còn nông nghiệp, nhìn từ góc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thì đích ngắm 29 tỷ USD xem ra khó đạt, cần xem xét điều chỉnh.
Lý do, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp (IPSARD), nếu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2011 đạt kỷ lục (25 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng đạt 4% và được coi như cứu cánh của nền kinh tế, thì sự tăng trưởng ngoạn mục đó phần nhiều nhờ tăng về giá.
"Còn năm 2012, khi kinh tế trầm lắng như hiện nay lại xuất hiện những đối thủ mới nổi cạnh tranh thì giá của hàng nông sản trên thế giới hoặc là giảm xuống, hoặc là đi chậm lại vì đà tăng từ giai đoạn 2009-2010 đã quá cao rồi", ông Tuấn cho hay.
Hội thảo nhằm đưa ra những dự báo về tăng trưởng nông nghiệp VN năm 2012, đặc biệt là các mặt hàng nông sản XK chủ lực như gạo, cà phê, cao su, chăn nuôi... (ảnh Ngọc Hà) |
Vì vậy, Việt Nam muốn tăng tiếp về kim ngạch xuất khẩu, nếu chỉ tăng về chất mà không tăng về lượng thì khó cán đích. Ông Tuấn nhận xét, một số nông sản của Việt Nam đã đạt tới ngưỡng về lượng (do khó cơi nới diện tích), thì cách duy nhất là phải tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm.
Chẳng hạn, trừ cao su là còn có tiềm năng về năng suất, còn các sản phẩm khác như gạo đã đạt ngưỡng diện tích, cà phê thì cứ tăng giá là diện tích tăng - tiềm ẩn rủi ro khi giá giảm, tiêu và điều khó tăng năng suất...
Nhưng trong thời buổi khốn khó, nông nghiệp, nông thôn vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Ông Võ Trí Thành quan điểm, nông nghiệp - gồm cả phát triển nông thôn - những năm lại đây luôn được coi là một lĩnh vực hấp dẫn cả dưới góc độ chính sách và nhà đầu tư.
Dưới góc độ chính sách, nó hấp dẫn ở có 2 điều: trong khủng hoảng càng thấy nông nghiệp là bước đệm đảm bảo đời sống, an sinh xã hội rất tốt cho cả quốc gia; hơn nữa, thế giới đang chuyển sang cách phát triển hài hoà bền vững, trong đó nông nghiệp như một hình ảnh thu nhỏ đặc trưng nhất cho cách phát triển mới, tức là vừa tạo ra được sản phẩm, tạo ra được giá trị kinh tế nhưng lại rất thân thiện với môi trường, với cộng đồng.
Dưới góc độ các nhà đầu tư, ông Thành cho rằng so sánh tương đối với nhiều loại hàng hoá và các giá trị khác thì giá sản phẩm nông nghiệp là cao.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Một số mặt hàng nông sản XK của Việt Nam đã tới ngưỡng (ảnh N.H) |
"Nếu nhìn từ chu trì sản xuất cho đến phân phối, thương mại đến tay người tiêu dùng cuối cùng thì còn rất nhiều khâu nhiều đoạn có thể cải thiện, cải tiến công nghệ, cung cách quản lý và tất nhiên cả chính sách chính phủ để tạo thêm giá trị gia tăng. Chính vì vậy, đây là miền đất hấp dẫn cho không chỉ đầu tư sản xuất mà rất nhiều quỹ đầu tư hiện nay cũng quan tâm", ông Thành khẳng định.
Song, trên thực tế, các DN Việt Nam không mấy mặn mà trong việc bỏ tiền ra đầu tư vào ngành này. Sức hấp dẫn của lợi nhuận kéo dòng tiền đổ vào đầu tư BĐS, chứng khoán... mà trong một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì điều đó là không tránh khỏi. Ông Thành hy vọng rằng, khi nhìn lại vấn đề người ta sẽ thấy nền kinh tế thực mới là nền tảng phát triển, trong đó nông nghiệp là khu vực hấp dẫn cả hiện tại và tương lai.
Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp và lợi nhuận cho nhà đầu tư? Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay, câu trả lời đã được Bộ NN&PTNT đưa ra mới đây, trong một đề án về tăng giá trị sản phẩm và đột phá vào một số khâu: tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất; giảm chi phí giao dịch trong chuỗi giá trị nông sản (hệ thống nhà kho, kho chứa, hệ thống, phương tiện vận chuyện, đường xá... ), tăng chất lượng sản phẩm đầu ra như thương hiệu, hệ thống phân phối...
Hơn nữa, đó còn là câu chuyện về thể chế. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư trong đầu tư vào ngành. Đây chính là một trong những nội dung chính đặt ra trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp - nông thôn.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (Davos) diễn ra hồi đầu năm, sáng kiến trên của Bộ NN&PTNT đã nhận được nhiều sự đồng tình. Bởi, khi bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản lúc nào cũng chuẩn bị nổ tung thì người ta mới quay lại muốn hướng tới đầu tư vào nông nghiệp, vừa là để có tăng trưởng bền vững vừa là tận dụng cơ hội thị trường và cũng vừa để đóng góp vào phát triển xã hội nói chung. Sáng kiến hợp tác công - tư của Việt Nam đưa ra nhằm mục đích lôi kéo các nhà đầu tư lớn kết nối với nông dân để khơi thông nguồn vốn khổng lồ giúp nông nghiệp phát triển. Điều này thực tế đã chứng minh là đúng đắn khi các mô hình điểm Việt Nam đang triển khai đã bước đầu thành công.
"Nếu chúng ta quyết tâm thay đổi, chuyển từ số lượng sang chất lượng, chuyển từ khai thác tài nguyên sang tăng cường chất xám thì nông nghiệp Việt Nam sẽ có sự đột phá mới. Đây là cơ hội để Việt Nam đi vào chuỗi giá trị toàn cầu với chất lượng cao.
Câu hỏi này nằm về phía chính phủ, trong sự quyết tâm để tạo nên cuộc đổi mới về chính sách và thể chế, giúp người dân phát huy nội lực, làm chủ nền sản xuất và kinh doanh của mình - bước ngoặt mà chúng ta cần tiến đến", TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, đúc kết.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com