Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của McKinsey & Company đã đưa ra thông điệp, Việt Nam cần tăng tốc cải cách nếu không sẽ bị tụt hậu.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước
Trong một báo cáo mới ra tuần qua, Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey đã kết luận, Việt Nam cần hành động nhiều hơn để cải thiện hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tăng năng suất lao động. Những vấn đề thách thức đó nếu không được thực hiện có thể kìm hãm sự phát triển của Việt Nam trong vài năm tới.
Báo cáo cũng cho biết, hai động lực chính cho sự phát triển kinh tế nổi bật của Việt Nam trong những năm gần đây gồm: lực lượng lao động ngày càng tăng và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang những khu vực kinh tế giá trị gia tăng cao hơn như sản xuất và dịch vụ. Những khu vực này thu hút nhiều lao động có tay nghề hơn so với làm nông nghiệp và đóng góp 2/3 GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2005 - 2010.
Nhưng hiện tại, hai động lực này có nguy cơ yếu dần. Do Việt Nam có dân số trẻ, tốc độ phát triển lực lượng lao động đang chậm lại ở mức 0,6%/năm trong suốt một thập kỷ qua trong khi từ năm 2000 đến 2010, tốc độ phát triển lực lượng lao động luôn giữ ở mức 2,8%/ năm. Hơn nữa, cũng không thể trông chờ vào lượng lao động di cư, chuyển từ lao động đồng áng sang làm việc trong các nhà máy để tăng năng suất vì quá trình chuyển dịch đó đã gần như hoàn tất.
Tăng năng suất lao động
Báo cáo cho biết, một biện pháp để xử lí vấn đề này là Việt Nam phải tìm ra nhiều cách khác để đẩy mạnh thêm 50% năng suất lao động, từ 4,1% lên 6,4%, nếu chính phủ muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-8% tới năm 2020. Nếu không đạt được mức tăng năng suất như vậy, tốc độ phát triển của Việt Nam sẽ chỉ dừng ở mức 4,5-5%. Đây là con số không tối, nhưng dưới mức mà nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Việt Nam cần đạt được để tăng thu nhập và mức sống của người dân.
"Cải cách cơ cấu đi vào chiều sâu trong nội bộ nền kinh tế cùng những cam kết mạnh mẽ, ổn định của những nhà lập sách và giới doanh nghiệp cũng sẽ rất cần thiết" để đạt được mục tiêu tăng trưởng năng suất, báo cáo chỉ rõ.
Những đổi mới cần thiết bao gồm các biện pháp nhằm khuyến khích đổi mởi trong kinh doanh trong các doanh nghiệp nhà nước - lực lượng vốn đóng góp 40% sản lượng kinh tế của Việt Nam nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn mang tiếng là hoạt động thiếu hiệu quả. Mặc dù các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bàn bạc nhiều để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhà nước sao cho hiệu quả hơn, thậm chí là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, những nỗ lực đó đến nay vẫn chưa đủ để đáp ứng được những mục tiêu mà các nhà kinh tế đề xuất.
Những đổi mới khác bao gồm đưa Việt Nam trở thành trung tâm gia công phần mềm toàn cầu, nâng cấp công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế như đánh bắt cá, mở rộng hạ tầng viễn thông và điện lưới, cải thiện giáo dục để có thêm nhiều lao động chất lượng cao, khuyến khích các nhà máy đi theo hướng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn.
Vào thời điểm này, giá trị xuất khẩu của Việt Nam còn khá thấp so với những nước khác trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.
Những nguy cơ dài hạn
McKinsey cũng chỉ ra những nguy cơ dài hạn cho kinh tế Việt Nam, bao gồm sự thiếu minh bạch và mở rộng cho vay ồ ạt của các ngân hàng, khiến nền kinh tế dễ bị tác động bởi những biến động trong khu vực tài chính. Các ngân hàng đã mở rộng việc cho vay lên tới 33% trong 10 năm qua, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù số liệu cũng cho thấy nợ xấu không phải là vấn đề nghiêm trọng, McKinsey cũng như nhiều chuyên gia khác vẫn cho rằng ngay cả những số liệu mới nhất cũng chưa hẳn đã chỉ rõ những vấn đề đang tồn tại.
Các nhà lâp sách cho rằng thông tin mà các chuyên gia của McKinsey đưa ra không có gì mới. Ông Võ Trí Thành, Phó GĐ Viện Quản lí Kinh tế TƯ cho biết, "Tôi hoàn toàn đồng ý với những gì báo cáo đã chỉ ra. Tuy nhiên, đấy không phải là những phát hiện mới. Việc Việt Nam nên bắt đầu từ đâu, và nên làm như thế nào vẫn là một câu hỏi còn đó".
-----------------------------------------------
Tác giả: Bảo Linh (Theo WSJ)// Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com