Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Việt Nam: Lời giải cho nhiệm vụ ổn định vĩ mô và tái cấu trúc nền kinh tế

 

Năm 2012 là năm nền kinh tế Việt Nam phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô và khởi động thành công ba nhiệm vụ tái cấu trúc.

 

 

Để tìm hiểu về thực trạng, các mục tiêu và giải pháp của nhiệm vụ này, phóng viên Tạp chí Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, kết hợp với tham khảo ý kiến từ chuyên gia kinh tế(CGKT) Phạm Chi Lan.

Nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới đã trải qua năm 2011 nhiều khó khăn và năm 2012 khởi đầu một cách chưa được suôn sẻ. Vậy dự kiến trong năm nay, xu hướng phát triển kinh tế sẽ diễn biến ra sao thưa ông?

Võ Trí Thành: Khái quát lại thì kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn theo các dự báo từ cuối năm 2011 và đầu 2012, ví dụ dự báo tại hội nghị Davos của IMF và những dự báo gần đây của WB và các tổ chức tài chính thế giới cho thấy kinh tế thế giới đang xấu đi, tăng trưởng kinh tế dự kiến có thể còn thấp hơn những dự báo từ trước đây. Tình hình không khả quan bao trùm lên nhiều nhóm nước, trong đó ngay cả những nền kinh tế mới nổi như khu vực Đông Á cũng tăng trưởng chậm lại, dù vẫn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Những diễn biến này gây bất lợi cho tình hình thương mại và đầu tư của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang vật lộn với hai vấn đề nội tại riêng. Một là tình hình kinh tế vĩ mô dù đã có một số chuyển biến tích cực vào cuối năm 2011, đầu năm 2012, nhưng hiện nay vẫn còn những bất ổn gây rủi ro. Hai là mô hình phát triển của chúng ta vừa qua đã lộ rõ những khiếm khuyết, mà ẩn chứa đằng sau là sự cần thiết phải cải cách về thể chế, quan niệm, và tư duy tăng trưởng.

Trong bổi cảnh khó khăn như vậy, mục tiêu kỳ vọng của kinh tế Việt Nam năm 2012 là gì?

Năm 2012 chúng ta phải tiếp tục với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời vẫn phải đảm bảo tăng trưởng và thực hiện được những chính sách an sinh xã hội,

Hiện nay, các cơ quan dự báo trong nước, các định chế tài chính nước ngoài đều dự báo tăng trưởng Việt Nam khoảng 5-6%. Có thể nói 6% là một con số khả thi và phù hợp, vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa đảm bảo an sinh xã hội, không gây ra những đổ vỡ xáo trộn do thu nhập giảm và thất nghiệp.

Về lạm phát, đa số dự báo lạm phát trong năm sẽ ở mức một con số. Nhưng lạm phát trung bình năm sẽ cao hơn, khoảng 11-12%, nguyên nhân vì lạm phát cuối năm ngoái vẫn còn 18%, sang tháng 1 năm nay còn 17%, và tiếp tục phải qua một quá trình giảm dần dần.

Bên cạnh khó khăn do tình hình chung của kinh tế thế giới, đâu là trở ngại mà kinh tế Việt Nam cần khắc phục để đạt được những mục tiêu về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát như trên?
 

Nên dùng các biện pháp kinh tế để đưa tín dụng vào những đối tượng và lĩnh vực dễ tạo công ăn việc làm, tăng xuất khẩu, ví dụ đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và một số ngành công nghiệp chế biến.
Có ý kiến cho rằng khả năng Việt Nam đạt tăng trưởng 6% là khó, vì nền kinh tế của chúng ta đã khá mở nên chịu ảnh hưởng nhiều từ xu thế chung của thị trường thế giới. Nếu nhìn vào dự báo tăng trưởng kim ngạch thương mại khoảng 12-13%, và mức đầu tư nước ngoài trực tiếp (cam kết ở mức khoảng 15 tỷ USD) thì thấy xu hướng tăng trưởng vẫn còn khá dè dặt. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, Việt Nam đang phải thực hiện những chính sách tín dụng, tiền tệ, tài khóa theo xu hướng tương đối thắt chặt. Tín dụng năm nay dự kiến tăng ở mức 15-17%, cao hơn một chút so với mức 11-12% của năm ngoái nhưng nhìn chung vẫn khá chặt chẽ. Trong khi đó, khối ngân hàng từ đầu năm đã gặp không ít khó khăn do vấn đề thanh khoản và nợ xấu.

Để vượt qua những trở ngại trên đây và đạt được những mục tiêu kinh tế đã đề ra thì công tác điều hành và chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ sẽ phải như thế nào?

Có thể nói năm 2012 sẽ phải thể hiện được ý chí chính trị và bản lĩnh chính trị của Chính phủ trong việc chuyển đổi mô hình và ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cũng đòi hỏi một nghệ thuật điều hành linh hoạt và uyển chuyển.  

Với chính sách tiền tệ, mức tăng cung ứng tiền tệ dự kiến là 15-17% nhưng cũng có thể cao hơn một chút, tùy vào mức suy giảm của nền kinh tế thế giới. Mức cung ứng tiền tệ cũng nên linh hoạt tùy theo đối tượng để tiếp cận sản xuất kinh doanh tốt hơn. Nên dùng các biện pháp kinh tế để đưa tín dụng vào những đối tượng và lĩnh vực dễ tạo công ăn việc làm, tăng xuất khẩu, ví dụ đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và một số ngành công nghiệp chế biến.

Với chính sách tài khóa, cũng cần có những chính sách đặc thù cho các đối tượng và lĩnh vực cần ưu tiên nêu trên, như ưu đãi về thuế (ví dụ: chính sách giãn thuế cho các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ). Về phân bổ vốn đầu tư, có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận tốt hơn các nguồn vốn ưu đãi như ODA và vốn trái phiếu.

Nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội là rất lớn, trong khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lại đòi hỏi Chính phủ thi hành chính sách thắt chặt. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề khó khăn này như thế nào?

Cải cách đầu tư công thực chất là một cuộc cải cách sâu rộng về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước liên quan đến quản lý ngân sách, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng, v.v.
Vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng – một lĩnh vực rộng, liên quan tới năng lượng, công nghệ thông tin, giao thông, thủy lợi, v.v. – là rất quan trọng, đòi hỏi những lựa chọn, quyết sách chính xác. Chúng ta cần lựa chọn trọng điểm đầu tư là những lĩnh vực có tính quyết định làm nền tảng cho phát triển, tạo hiệu ứng lan tỏa. Tuy nhiên, khi chúng ta đã lựa chọn đúng rồi, thì phải đặt câu hỏi nguồn lực ở đâu. Rõ ràng dựa vào nguồn lực nội tại trong nước là không đủ nên bên cạnh việc tăng hiệu quả đầu tư công, cần có những cơ chế tăng thu hút đầu tư nước ngoài và huy động nguồn vốn tư nhân (như PPP).

Lạm phát là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, liệu mục tiêu đưa mức lạm phát về một chữ số có thực sự là khả thi?

Mục tiêu lạm phát một chữ số hoàn toàn khả thi, do ba lý do cơ bản. Một là xu hướng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhu cầu hàng hóa cơ bản giảm (ngoại trừ vàng và nông sản có thể có những biến động khó lường) nên áp lực chi phí đẩy lên giá cả cũng giảm xuống. Hai là tác động có độ trễ từ chính sách thắt chặt mạnh mẽ của chúng ta trong năm 2011. Ba là chính sách vĩ mô khá chặt chẽ, do ưu tiên của Chính phủ trong năm nay vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy có thể có những biến động ngược chiều, như chính sách tăng lương, tăng giá điện, hay các cú sốc về giá lương thực, nhưng với ba lý do cơ bản nêu trên, có thể nói mục tiêu đưa lạm phát về mức một con số có xác suất thành công là khá cao.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã có sự kết nối khá mật thiết với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đâu là những cơ hội từ bên ngoài mà chúng ta cần tích cực nắm bắt?

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, không phải là không có những cơ hội tốt cho thu hút đầu tư nước ngoài và tăng xuất khẩu. Ví dụ, khu vực Đông Á tuy tăng trưởng có chậm lại ít nhiều, nhưng vẫn được coi là động lực tăng trưởng của thế giới. Khu vực này lại đang dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào cầu bên trong. Đây cũng là khu vực có nguồn lực dồi dào, dự trữ ngoại tệ cao, tiết kiệm nhiều, tức là đang thừa vốn. Để đón được nguồn vốn này, vấn đề là chúng ta cần sớm đạt được mục tiêu ổn định kinh tế, và có những cải cách thể chế tích cực để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, khu vực Đông Á cũng là thị trường truyền thống rất quan trọng cho xuất khẩu. Năm 2011 xuất khẩu của chúng ta tăng 33% nhờ một phần quan trọng vào sự ổn định của Đông Á.

Gần đây, nhiệm vụ tái cấu trúc trên ba lĩnh vực được đề cập thường xuyên bởi các nhà quản lý và hoạch định chính sách, và nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Nhưng một số chuyên gia cho rằng nhiệm vụ này không đơn giản. Theo ông, khó khăn và thuận lợi cơ bản của nhiệm vụ này là gì?

Việc thực hiện một cuộc cải cách mang tính cách mạng trên ba lĩnh vực chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất là làm sao có một sự thay đổi tư duy từ một nền kinh tế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, trong đó có tư duy về động lực phát triển của đất nước, vai trò Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Khó khăn thứ hai là làm sao vượt qua được vấn đề lợi ích nhóm, khi mà trong xã hội lâu nay đã tồn tại những nhóm lợi ích được hưởng lợi thế từ cách thức quản lý và đầu tư phát triển trước đây. Thứ ba là phải làm sao tạo được tính quyết liệt, tính đồng bộ trong cải cách để tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực. Việt Nam hiện thiếu kinh nghiệm để giải quyết êm thấm cả ba khó khăn này.

CGKT Phạm Chi Lan: công khai minh bạch để tạo niềm tin

Khi được hỏi về giải pháp chung cho ổn định kinh tế trước mắt và tái cấu trúc thành công trong lâu dài, CGKT Phạm Chi Lan cho rằng mấu chốt là minh bạch hóa thông tin. Mục tiêu của Chính phủ là thắt chặt là ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho phát triển, với biện pháp là thắt chặt về tiền tệ, tài khóa, và kiểm soát đầu tư công. Nhưng để tạo được sự đồng thuận để thực hiện chính sách này thì Chính phủ cần phải tăng cường tính công khai minh bạch. Các địa phương và doanh nghiệp Nhà nước đều “muốn được ưu tiên vì lợi ích cục bộ”, nên không tránh khỏi việc “người nọ nhìn người kia”. Như vậy, nếu không công khai minh bạch thì không thể tái cấu trúc thành công.


Trong thời đại Internet hiện nay, nhu cầu và tính khả thi của minh bạch càng cao. Chính phủ cần tăng cường công khai thông tin qua Internet về các kế hoạch, chính sách, đặc biệt là công khai về đầu tư công. Quốc hội cũng cần công khai qua Internet về các dự án lớn được Chính phủ đệ trình. Internet là công cụ hữu hiệu để người dân góp ý kiến với Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương về nhu cầu của họ, phản ánh chính xác đâu mới là dự án hợp lý mà họ thực sự cần.


Lâu nay, nhiều dự án đầu tư công là do các doanh nghiệp Nhà nước khởi xướng. Ngay cả những chiến lược trọng điểm của Nhà nước cũng do các tập đoàn Nhà nước đề xuất. Vai trò tham gia, giám sát của người dân là rất ít. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư công mà còn khiến giảm sút lòng tin ở người dân. CGKT Phạm Chi Lan cho rằng “muốn tạo niềm tin ở người dân thì trước hết phải cung cấp cho họ đầy đủ thông tin”.


Như vậy, Ngân hàng Nhà nước cần được yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, công khai thông tin về dòng tiền đầu tư công. Từ đó người dân mới có cơ sở để góp phần giám sát, phản hồi về những dự án và doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả.


Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, đòi hỏi công khai minh bạch thông tin càng phải cụ thể, chặt chẽ, trong đó cổ phần hóa là một biện pháp hữu hiệu. Cổ phần hóa sẽ tất yếu dẫn tới việc phải công khai thông tin trước công chúng. Cổ phần hóa chính là một sự sàng lọc tự nhiên, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa để có đủ thông tin cung cấp cho công chúng.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang có một thuận lợi rất cơ bản, đó là chúng ta đã ý thức được mình phải thay đổi, và ý chí chính trị đó phần nào đã được thể hiện. Bên cạnh đó, tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng ta luôn có thể tự rút kinh nghiệm, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế. 

Đầu tư công là một mảng rất quan trọng trong ba lĩnh vực tái cấu trúc, xin ông cho biết đâu là những vấn đề và mục tiêu cụ thể cần được đặt ra đối với nhiệm vụ tái cấu trúc đầu tư công?

Hiện nay, đầu tư công đang chiếm tới 40% tổng đầu tư của quốc gia. Trong 5 năm tới, chúng ta muốn tỷ lệ tổng đầu tư trên GDP giảm, trong đó tỷ lệ đầu tư công trên tổng đầu tư cũng giảm, còn khoảng trên dưới 34%. Nhưng điều chúng ta muốn đạt được không chỉ là giảm về tỷ lệ, mà là một sự thay đổi về bản chất. Vì vậy, cần nhìn nhận lại một hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư công, bao gồm hiệu quả của từng dự án cũng như hiệu quả trong sức lan tỏa. Ví dụ xem lại đầu tư vào đâu thì tạo sức lan tỏa tốt, thúc đẩy thay vì làm thui chột đầu tư tư nhân.

Năm 2012 là năm quan trọng cho công cuộc tái cấu trúc vì vạn sự khởi đầu nan. Đây là năm chúng ta phải xây dựng được các đề án tái cấu trúc mà qua đó sẽ lộ diện ngay từ đầu những vấn đề cơ bản trong cải cách, từ tư duy tới cách làm và các kỹ thuật. Nếu tư duy cải cách vẫn chưa đúng thì tái cấu trúc sẽ chỉ nửa vời, không thực chất. Đồng thời, năm nay là năm lửa thử vàng khi thị trường, nhà đầu tư và người dân đều đang nhìn vào để xem liệu Nhà nước có thực sự tái cấu trúc được như đã nói hay không.
Đầu tư công liên quan trực tiếp đến ngân sách, tín dụng Nhà nước, vay nợ nước ngoài, ... nên rất liên quan đến vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, cũng liên quan nhiều đến các vấn đề thể chế. Nhiệm vụ quản lý đầu tư từ ngân sách, đầu tư tín dụng (như nguồn vốn ODA cho vay lại), đầu tư cho doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư trái phiếu Chính phủ, đều liên quan nhiều đến khuôn khổ pháp lý, vấn đề phân cấp, phân quyền, cơ chế chịu trách nhiệm. Cải cách đầu tư công thực chất là một cuộc cải cách sâu rộng về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước liên quan đến quản lý ngân sách, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng, v.v.

Để tiến hành một cuộc cải cách toàn diện, sâu rộng như ông đề cập thì cần có một lộ trình rõ ràng. Hiện nay chúng ta đã có lộ trình cụ thể cho ba nhiệm vụ tái cấu trúc hay chưa?

Hiện nay, đề án tái cấu trúc ngân hàng có thể nói là đã tương đối chi tiết và trên thực tế đã bắt tay vào thực hiện. Còn đề án tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đã bắt đầu có bản thảo, dự kiến hoàn thành trong Quý 1 này để trình Quốc hội thảo luận thông qua.

Tuy nhiên, dù các đề án đã được thông qua thì để triển khai thực hiện thành công đòi hỏi chúng ta phải có sự đổi mới tư duy rất rõ ràng như đã đề cập. Đồng thời qua các bước đi kỹ thuật, chúng ta phải luôn có sự đánh giá lại qua phản hồi từ thị trường và qua tương tác với các vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh để kịp thời có những điều chỉnh cần thiết.

Quá trình triển khai thực hiện các đề án dự kiến kết thúc trong khoảng 4-5 năm. Hi vọng rằng chúng ta sẽ được thấy những kết quả có ý nghĩa trong hai năm đầu tiên.

Những trồi sụt vừa qua của nền kinh tế chắc chắn liên quan đến việc thực hiện các chiến lược kinh tế chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo ông, công tác làm chiến lược kinh tế và tổ chức thực hiện ở Việt Nam còn có hạn chế, vướng mắc gì?

Nói đến chiến lược kinh tế là phải nói đến các cách thức và động lực tạo ra tăng trưởng và phát triển. Hiện nay, một vướng mắc cơ bản trong công tác xây dựng chiến lược là chúng ta vẫn chưa quyết định rõ ràng sẽ chú trọng động lực phát triển nào cho Việt Nam. Liệu chúng ta sẽ tiếp tục chú trọng vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài, hay là chú trọng khu vực tư nhân trong nước?

Trong tổ chức thực hiện chiến lược, cách làm của chúng ta còn có những thiếu sót cần được điều chỉnh và bổ sung. Một là cần có nguồn lực để tổ chức thực thi các chiến lược. Trong chiến lược cấp Trung ương và địa phương đều chưa thể hiện tốt được việc xác định nguồn lực thực hiện. Vì vậy, các nhà tài trợ vẫn nói là chúng ta thường vẽ ra các viễn cảnh nhưng thiếu nguồn lực để triển khai vào thực tế.

Cái thiếu thứ hai là vấn đề giám sát và đánh giá rủi ro có thể xuất hiện. Hai công đoạn này chúng ta thực ra cũng có ở đâu đó, nhưng còn yếu và mờ nhạt. Công tác giám sát vẫn yếu về chuyên môn, thiếu tầm nhìn, thiếu tính độc lập, có khi bị ràng buộc bởi thể chế và giới hạn trong phạm vi hẹp của từng ngành. Chính vì yếu công tác giám sát nên các dự án của chúng ta thường thiếu khả năng điều chỉnh linh hoạt, đồng thời bị giảm khả năng giải trình minh bạch trước xã hội. Công tác đánh giá rủi ro chưa hiệu quả để chúng ta có thể đưa ra được những biện pháp hữu hiệu cần thiết nhằm hạn chế rủi ro.

Xin cảm ơn ông! 
----------------------------------------------

Nguồn: Tia Sáng

  • Doanh nghiệp nhỏ cổ tức khủng, đại gia khủng lợi nhuận bèo
  • Người Việt tiêu hoang khiến thế giới phát hoảng
  • Giá tiêu dùng tháng 3 dự kiến giảm quanh mức 0,5%
  • McKinsey: Việt Nam không tăng tốc cải cách sẽ tụt hậu xa
  • Kinh tế 2 tháng: Lo cho doanh nghiệp
  • Lạm phát 2012: Nhìn thế giới, lo trong nước
  • Vốn FDI “mai phục” năm Rồng chính thức lộ diện
  • Từ doanh nghiệp FDI, lo cho chiến lược thu hút đầu tư
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi