Mặc dù nền kinh tế đã xuất hiện dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên, thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 tại ngày đầu khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 5, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vẫn nhấn mạnh: “Nhiệm vụ còn lại của năm 2009 là hết sức khó khăn, nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”.
![]() |
Đánh giá về tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm, Báo cáo của Chính phủ khẳng định, bước vào năm 2009, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sự suy thoái ngày càng sâu rộng của nền kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu, thị trường vốn và hoạt động du lịch của nước ta.
Chính phủ đã nhận thức được đầy đủ những khó khăn thách thức này nên luôn theo sát diễn biến của tình hình, kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó và tổ chức thực hiện quyết liệt để sớm đưa nền kinh tế ra khỏi suy thoái.
Nếu như tại nhiều Kỳ họp Quốc hội trước đây, công tác dự báo thường nằm trong nhóm hạn chế, yếu kém (như dự đoán chưa sát với diễn biến của tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước) của Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thì tại Báo cáo lần này, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, về cơ bản, Chính phủ đã dự báo được tình hình nên ngay từ cuối năm 2008 và đầu tháng 1/2009 đã kịp thời đề ra hàng loạt giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nhằm giảm bớt khó khăn về đời sống, tạo việc làm và xoá đói giảm nghèo bền vững.
Kết quả của những giải pháp kịp thời nhờ dự báo đúng tình hình là sau nhiều tháng liên tục suy giảm, đến tháng 2/2009, sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng trở lại góp phần đáng vào tốc độ tăng 3,1% GDP của quý I và có chiều hướng tăng dần trong các tháng tiếp theo; thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng với tổng mức lưu chuyển hàng hoá tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; các cán cân kinh tế vĩ mô cơ bản vẫn được giữ vững…
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, nhờ các biện pháp kích thích kinh tế đã được áp dụng, trong 4 tháng đầu năm đã khơi dậy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, kích thích đầu tư và tiêu dùng dân cư, phát triển thị trường trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trên thị trường xuất khẩu.
Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp khó khăn đã phục hồi được sản xuất, thu hút lao động trở lại làm việc; vốn đầu tư trong nước đạt kết quả khả quan; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng. “Trong 4 tháng đầu năm nước ta đã thu hút được 6,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó, vốn tăng thêm của các dự án đang thực hiện là 3,9 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ năm 2008). Đây là tín hiệu tốt cho thời kỳ phục hồi và phát triển sắp tới”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng dự báo.
Mặc dù nền kinh tế đã đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vẫn nhấn mạnh: “Nhiệm vụ còn lại của năm 2009 là hết sức khó khăn, nặng nề”. Và để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, theo ông, trong thời gian tới, Chính phủ phải thực hiện 5 nhóm giải pháp lớn.
Cụ thể, thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng; đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu; chuyển chính sách tài chính - tiền tệ từ thắt chặt sang thực hiện chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm bảo bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng và phòng ngừa lạm phát…
“Tại phiên họp này, Chính phủ trình Quốc hội cho tiếp tục thực hiện một số điều chỉnh về thuế để tiếp tục thực hiện chính sách ‘khoan sức dân’, giúp các cơ sở sản xuất - kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn trong thời kỳ suy giảm kinh tế và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Đề nghị Quốc hội ủy quyền, giao trách nhiệm cho ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) và Chính phủ chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách và chỉ đạo điều hành nhằm phản ứng kịp thời, chủ động ứng phó khi tình hình có đột biến”, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kiến nghị.
Muốn khoan được sức dân thông qua chính sách thuế thì trong Kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội cần phải thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Quản lý thuế. Mặc dù đây là luật không có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 đã được Quốc hội thông qua và công tác chuẩn bị (đánh giá tác động của luật đến đời sống kinh tế - xã hội, xây dựng Tờ trình của Chính phủ, xây dựng báo cáo thẩm tra của Uỷ ban TVQH, xây dựng Dự án luật…) chưa được hoàn tất, nhưng trong Phiên họp trù bị của Kỳ họp thứ 5 có tới 92,09% số đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua việc sẽ đưa Dự án Luật này vào Chương trình nghị sự để xem xét, thông qua. “Luật này sẽ được biểu quyết thông qua vào cuối Kỳ họp.
Từ nay đến khi biểu quyết, Chính phủ, ủy ban TVQH sẽ thực hiện tất cả các thủ tục để bảo đảm quy trình xây dựng luật theo đúng quy định”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com