Nhiều năm qua, chữ ký số(CKS) vẫn được xem là lĩnh vực khó tiếp cận, thế nhưng sau hàng loạt văn bản pháp luật về thương mại điện tử được phê chuẩn, lĩnh vực chữ ký số bắt đầu được doanh nghiệp trong nước quan tâm nhiều hơn.
Chỉ trong thời gian chưa đầy một năm, Việt Nam đã có 5 DN được cấp phép cung cấp dịch vụ CKS, đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này. Nhưng cũng chính vì còn mới, nên DN cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đang chờ đợi phía trước.
Nhu cầu lớn...
Theo ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc BKIS Telecom, cho biết nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực chứng thực CKS bởi do đây là thị trường tiềm năng với các đối tượng khách hàng đa dạng, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp cực kỳ lớn.
Có cầu ắt phải có cung. Trước tốc độ phát triển của thương mại điện tử, hầu hết DN đều nhận thấy tính cấp thiết phải sử dụng hệ thống CKS trong giao dịch kinh doanh. CKS có tác dụng giống như chữ kí tay trong tất cả các kí kết nhưng nó thuận lợi và có thể giúp DN đơn giản hóa các quy trình giao dịch hiệu quả hơn mà vẫn đảm bảo tính bảo mật thông tin cao. Dự kiến đến năm 2012 sẽ có 350.000 doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng CKS trong các dịch vụ công trực tuyến của ngành Tài chính. Đấy là chưa kể các ngành khác và số lượng các DN nước ngoài cũng rất ủng hộ dịch vụ này. Đây rõ ràng là một thị trường tiềm năng để các DN khai thác.
Việt Nam đã có hai lĩnh vực xúc tiến triển khai áp dụng CKS trong DN khá nhanh là các giao dịch thương mại điện tử và trong thuế. Và ngày 21/09 vừa rồi lại vừa được bổ sung thêm lĩnh vực chứng khoán. Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã kí kết hợp tác với VNPT để triển khai áp dụng chữ ký số cho các giao dịch điện tử trong hoạt động chứng khoán. Thêm lĩnh vực giao dịch thêm cơ hội mở rộng thị trường cho các DN cung cấp dịch vụ chứng thực số của Việt Nam.
Hiện trong nước có 5 DN kinh doanh dịch vụ CKS. Trong khi Bkav hướng đến khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ thì VNPT hướng đến khối doanh nghiệp lớn, cơ quan Nhà nước cũng là 2 lớp khách hàng chủ yếu của dịch vụ mới mẻ này ở Việt Nam. Điều này đặt ra vấn đề, khi FPT, Viettel và Công ty CP Công nghệ thẻ Nacencomm triển khai dịch vụ này, chắc chắn sự cạnh tranh sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn.
Còn nhiều thách thức…
Rõ ràng chiếc bánh thị trường chứng thực số ở VN khá lớn. Nhưng phải làm sao để mỗi phần bánh cắt ra làm hài lòng cả người mua và người bán đang là thách thức cho các tổ chức kinh doanh dịch vụ này.
Số đông giới chuyên môn đánh giá vấn đề nhận thức và hiểu đúng về chữ ký số ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Điều này được cho là mấu chốt của việc triển khai ứng dụng của CKS trong giao dịch điện tử hiện nay, mặc dù nó đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Không phải ngẫu nhiên mà cả VNPT và SSC khi ký kết thỏa thuận nói trên đều phải ra tuyên bố, sẽ phối hợp cùng nhau trong các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tác dụng của chữ ký số; hỗ trợ cung cấp chứng thư số cho người tham gia sử dụng các dịch vụ giao dịch chứng khoán điện tử.
Đấy là trở ngại về vấn đề nhận thức. Ngoài ra còn khá nhiều rào cản trong kĩ thuật để triển khai tốt dịch vụ này.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin: Bộ Công thương vẫn còn nhiều rào cản trong quá trình ứng dụng chữ ký số ở Việt Nam. Cụ thể, mặc dù Bộ Công thương đã tích hợp chữ ký số vào email, nhưng với những giao dịch không quan trọng thì không cần thiết phải bảo mật bởi CKS. Còn những văn bản quan trọng cần bảo mật thì lại... vướng luật!
“Luật quy định những văn bản mật thì không được sao chép và lưu trữ ở dạng điện tử. Thậm chí Bộ Công an còn quy định soạn thảo văn bản mật ở những máy tính không được kết nối internet. Hiện nay chúng tôi triển khai ứng dụng chữ ký số ở những văn bản không thuộc phạm vi mật, mà nếu không cần bảo mật thì dùng chữ ký số lại lỉnh kỉnh mà chả để làm gì”, ông Hưng phân bua.
Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính Trần Nguyên Vũ cũng đồng quan điểm này. Ông phát biểu: “Thời gian qua đã thể hiện một số vướng mắc từ nhiều phía trong thí điểm áp dụng CKS. Doanh nghiệp còn lúng túng khi quản lý chứng chỉ số và công cụ ký số. Đặt ra vấn đề môi trường minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các công ty cung cấp dịch vụ xác thực chữ ký số công cộng. Chữ ký số có yếu tố nước ngoài (trường hợp của hãng Intel) cũng đang gây bối rối cho cả doanh nghiệp và nhà quản lý…”
Rõ ràng ứng dụng trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tất cả các chuyên gia đều khẳng định Việt Nam cần phải đưa ra lộ trình để chứng thực chữ ký số vươn lên tầm quốc tế, có như thế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mới có thể sử dụng CKS trong các giao dịch thương mại điện tử.
Ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia đưa ra kết luận rằng những khó khăn khi triển khai dịch vụ CKS trong các DN Việt là khó tránh khỏi bởi Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng khóa công khai (Public key infrastruc-ture – PKI), hạ tầng nền tảng cho chữ ký số. Đây là hệ thống khá phức tạp và có liên quan đến nhiều vấn đề về pháp lý, công nghệ, tổ chức và tài chính…Chính vì thế, việc phát triển dịch vụ này đòi hỏi sự nỗ lực chung của các cơ quan nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp.
Nỗ lực chung đó cũng đã được Thủ tướng CP gửi gắm trong Quyết định số 1073/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015: “Phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng để đến năm 2015 có một số tổ chức của Việt Nam được các tổ chức chứng thực chữ ký số của nước ngoài thừa nhận”.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com