Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam thiếu chuẩn mực quản trị các DNNN

Về nguyên nhân cốt lõi, chúng ta thiếu một tuyên bố về chuẩn mực quản trị các DN của Nhà nước (gọi tắt là hệ thống chuẩn trị DN) - PGS. TS Phan Đăng Tuất.

LTS: Việc phát động và thực hiện "tái cấu trúc doanh nghiệp" là một chủ trương lớn, rất quan trọng của Đảng và Nhà nước, có thể coi là một nội dung trọng tâm, xuyên suốt của kỳ kế hoạch 5 năm tới đây.

Diễn đàn VNR500 đăng lại bài viết của PGS. TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính  sách công nghiệp - Bộ Công Thương trên web Chính phủ để bạn đọc cùng nghiên cứu, tranh luận (tít do VNR500 đổi lại).

Nhận thức về tái cấu trúc doanh nghiệp

Có thể nói, khác với "đổi mới quản lý doanh nghiệp", tái cấu trúc doanh nghiệp (TCTDN) là sự thay đổi có phạm vi và tính chất sâu rộng hơn. Nó không chỉ làm mới cái đã có mà còn là cả sự thay đổi "luật chơi", "cách chơi" và cả các thành phần của cuộc chơi.

Điều khác biệt quan trọng của TCTDN với "đổi mới" còn là ở chỗ nếu "đổi mới" mang nhiều ý chí chủ quan thì TCTDN lại xuất phát từ yêu cầu khách quan của quá trình hội nhập quốc tế để có thể thích ứng được cả trong các điều kiện bất định của sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Phạm vi của TCTDN là rất rộng, diễn ra cả trên 3 giác độ là  Thể chế, Thiết chế và Định chế.

Về Thể chế, có thể hiểu là việc TCTDN nhằm định ra một trật tự mới với việc định rõ chủ thể của quá trình quản lý, quyền lực thực sự của chủ thể và các chế tài mà chủ thể được và phải sử dụng để buộc các đối tượng bị quản lý tuân thủ. TCTDN về thể chế được thể hiện thông qua các luật, văn bản dưới luật để thực hiện quyền lực của Nhà nước đối với các doanh nghiệp (DN).

Về Thiết chế, được hiểu trong phạm vi này là các quy định nội bộ để thực hiện sự vận doanh linh hoạt của DN. Nó quy định các mối quan hệ "dọc ngang", "trên dưới" của các bộ phận cấu thành DN. Thể hiện thông qua hệ thống Điều lệ, Quy chế, Quy định, Nội quy cũng như hệ thống quy trình, quy phạm kỹ thuật chuyên ngành khác ... trong hệ thống DN. Lẽ dĩ nhiên, chúng phải tuân thủ và triển khai theo các văn bản pháp luật của Thể chế.

Một nội dung rất quan trọng của Thiết chế là việc hình thành hệ thống "kiểm soát" chặt chẽ, khoa học để hướng tới mục tiêu tối thượng của Thiết chế là sự minh bạch.

Về Định chế, Định chế ở đây được hiểu là các thành phần, bộ phận  trong DN (hay các lĩnh vực kinh doanh), như là các hổng công ty, công ty... trong Tập đoàn hay các công ty, DN trong một tổng công ty. Thậm chí là các bộ phận trong một công ty con nào đó. Về khía cạnh định chế, việc TCTDN được thể hiện qua việc tách, nhập, thành lập mới, xóa bỏ các bộ phận, các công ty con, các lĩnh vực kinh doanh trong một định chế lớn hơn... việc thay đổi các định chế nhằm hướng tới sự phù hợp và do đó hiệu  quả cao hơn.

Có thể hiểu tổng quát TCTDN là tổng hợp toàn bộ sự thay đổi cả về thể chế, thiết chế và định chế để quản lý DN theo một trật tự pháp luật chặt chẽ hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn.

Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước

Chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời gian qua là khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để bảo đảm sự khẳng định phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó khu vực DNNN vẫn đóng vai trò quan trọng trước hết là ở các khu vực mà tư nhân không được làm, không làm được và không muốn làm.

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng 11 chỉ rõ: "Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nướcđể giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Từ chủ trương lớn đó, việc thực hiện TCTDN Nhà nước trở thành một vấn đề trọng tâm của quá trình tái cấu trúc kinh tế Việt Nam trong những năm sắp tới.

Có thể khẳng định những thành tựu đã đạt được trong nước gần 25 năm qua (tính từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa 6 năm 1986 về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế) của quá trình phát triển kinh tế nói chung, phát triển của các DNNN nói riêng, thể hiện trên một số nét cơ bản.

Đó là đã hình thành được các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty mạnh, nắm giữ được tiềm lực kinh tế ở nhiều lĩnh vực quan trọng, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều DNNN trở thành tổ chức dẫn dắt phát triển đối với nhiều loại hình DN ngoài Nhà nước, tạo thành các DN sở hữu hỗn hợp, tăng tính linh hoạt và hiệu quả kinh doanh.

Nhiều DNNN có thương hiệu uy tín, là đối tác kinh tế lớn trong các mối quan hệ kinh tế quốc tế quan trọng trong quá trình hội nhập.

Bên cạnh những giá trị mà DNNN đã giữ đúng vai trò như góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, khai phá các ngành nghề lĩnh vực kinh tế mà khu vực tư nhân chưa làm được... thì hiệu quả kinh doanh của các DNNN vẫn là một vấn đề lớn cần phân tích. Theo đó đánh giá lại một cách khách quan quá trình TCTDN Nhà nước trong suốt thời gian qua là rất cần thiết.

Trước hết, có thể nói, quá trình TCTDN Nhà nước trong suốt thời gian qua còn quá thiên lệch về khía cạnh "định chế". Chúng ta thực hiện khá nhanh chóng việc tách - nhập, giải thể, thành lập mới các tổng công ty, các tập đoàn nhưng có 2 xu hướng xảy ra.

Một là, các DN đó được thành lập phần nhiều bởi các quyết định hành chính, thiếu các kiểm chứng khoa học để tạo ra một định chế phù hợp và hiệu quả.

Hai là, các Thể chế và Thiết chế không theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của các Định chế. Cụ thể là các văn bản luật và dưới luật để điều chỉnh các DNNN vẫn còn thiếu, còn nhiều bất cập (nhất là các thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan đến DNNN).

Đồng thời các chế tài là chưa rõ ràng, nhất là trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo quản lý DNNN (hầu như suốt thời gian qua rất ít trường hợp bị cách chức vì hiệu quả thấp... trước khi cơ quan tố tụng vào cuộc).

Về Thiết chế, từ việc thiếu sức mạnh của thể chế nên dẫn đến các thiết chế quản lý nội bộ DNNN còn rất nhiều bất cập. Các quy định nội bộ như điều lệ, quy chế, nội quy, quy định và quy trình quy phạm kỹ thuật... để vận doanh DNNN là không đầy đủ và thiếu minh bạch. Thậm chí đến hiện nay, nhiều DN lớn vẫn chưa có được báo cáo tài chính hợp nhất, vốn là cơ sở để đánh giá một cách toàn diện và minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn DN.

Về nguyên nhân cốt lõi, bài viết sẽ không tiếp cận nguyên nhân theo cách tìm nguyên nhân chủ quan, khách quan mà đi thẳng đến một vấn đề rất cốt lõi của quản lý Nhà nước đối với các DN. Đó là chúng ta thiếu một tuyên bố về chuẩn mực quản trị các DN của Nhà nước (gọi tắt là hệ thống chuẩn trị DN - CTDN).

Ở đây có 2 vấn đề lớn đặt ra. Thứ nhất, chúng ta nên và cần chọn hệ thống chuẩn trị nào để xây dựng hệ thống chuẩn trị DN cho Việt Nam? Thứ hai, việc triển khai xây dựng và ban bố hệ thống chuẩn trị, kiểm soát của Nhà nước đối với việc thực hiện chuẩn trị của các DN sẽ như thế nào.

Nếu 2 vấn đề cốt lõi này chưa được thực hiện thì việc ban hành các văn bản mang tính thể chế và các quy định mang tính thiết chế nội bộ sẽ khó nhất quán và minh bạch.

( Theo PGS.TS Phan Đăng Tuất // vnr500.vn )

  • Nhận định từ chuyên gia: Kinh tế Việt Nam và “sóng ngầm” bất ổn
  • Việt Nam - Tình hình kinh tế diễn biến khả quan
  • Hỗ trợ miền Trung tăng khả năng phòng tránh thiên tai
  • Dự báo thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô
  • Kiểm soát chất thải điện tử - khó trăm đường
  • Đầu tư bãi đậu xe ngầm - Nhiều tín hiệu khả quan
  • Công nghiệp hóa với giá nào?
  • Hơn 140 tỷ đồng chống biến đổi khí hậu tới 2015
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi