Bước sang năm 2010, nền kinh tế Việt Nam được xác định là đã chặn được đà suy giảm và tăng trưởng trở lại (thể hiện qua việc GDP cả năm 2009 đạt mức 5,32%). Tuy nhiên, những khó khăn do khủng hoảng đem lại vẫn cần được tiếp tục giải quyết trong năm 2010 và thậm chí một vài năm tiếp theo. Việc tập trung vào giải quyết những hậu quả của cuộc khủng hoảng sẽ tạo điều kiện đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển ổn định, tạo đà tăng tốc trong những năm sau.
Triển vọng năm 2010 theo góc nhìn từ giới phân tích kinh tế nhìn chung là tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến cho rằng sự khôi phục của kinh tế toàn cầu nói chung vẫn chậm.
Hãng đánh giá tín dụng Moody's dự báo thế giới sẽ trải giai đoạn phục hồi kinh tế chậm trong năm nay. Nói cách khác, theo Moody's, kinh tế toàn cầu sẽ không phục hồi mạnh mẽ trong năm 2010 và 2011 với tình trạng thất nghiệp và thâm hụt ngân sách vẫn dai dẳng.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích rằng, cuộc khủng hoảng đang định dạng lại cấu trúc thể chế của nền kinh tế thế giới. Nó làm cho các cường quốc kinh tế “đương quyền” (Tam cường: gồm Mỹ - EU - Nhật Bản hay mở rộng hơn - G7) bị chao đảo, suy sụp, không thể gánh vác nổi sứ mệnh trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại. G20 thay thế G8 nhờ sự trỗi dậy của một số nền kinh tế đang phát triển, trở thành “cường quốc kinh tế mới”.
Nhận định này hàm ý rằng, tình trạng thiếu các thể chế quản trị phát triển toàn cầu trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang được đẩy lên rất mạnh sẽ còn kéo dài; rằng xu hướng gia tăng mức độ cạnh tranh và tranh giành ảnh hưởng trong nền kinh tế thế giới chứa đựng nguy cơ gây bất ổn tiềm tàng.
Rõ ràng, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới trong giai đoạn tới về nguyên tắc là chắc chắn, song chứa đựng nhiều bất trắc và rủi ro. Ông Thiên phân tích, về tính chất, đó là những bất trắc và rủi ro của quá trình định hình một cấu trúc kinh tế mới hơn là do các hành vi hay chính sách “bất cẩn” gây ra.
Những rủi ro khó lường nói trên - chưa phải là tất cả - cấu thành một phần quan trọng của bức tranh kinh tế năm 2010. Mặc dù không che lấp, không phủ nhận được xu hướng chủ đạo là khôi phục tăng trưởng GDP và triển vọng cải thiện rõ rệt dòng thương mại và đầu tư quốc tế, song “phần tối” của bức tranh vẫn phải là vùng cần được tập trung chú ý hàng đầu đối một nền kinh tế bị tổn thương nghiêm trọng sau khủng hoảng và vẫn chưa phục hồi đáng kể.
Điều này càng là một lưu ý không thừa cho những nền kinh tế được coi là có nhiều yếu kém, có độ mở cửa rộng và dễ bị tổn thương như nền kinh tế Việt Nam.
Tại một dây chuyền sản xuất của hãng điện tử Canon - Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội.
Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào?
TS. Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia, đã đưa ra hai phương án dự báo cho Kinh tế Việt Nam năm 2010.
Phương án 1: Là phương án chú trọng nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng. Trong đòi hỏi đó chứa hàm ý về một mục tiêu tăng trưởng vừa phải hơn, để tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp... Trong phương án này, dự báo tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, tăng trưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 3,0-3,2%; công nghiệp và xây dựng 6,4-6,8%; dịch vụ 7,1-7,9%.
Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh gây xáo động lớn trong kinh tế và xã hội, phương án này đòi hỏi tính toán kỹ việc huy động và sử dụng nguồn lực phát triển trong nền kinh tế. Trong đó, vốn đầu tư toàn xã hội dừng ở mức 40% GDP, với cơ cấu nguồn vốn sẽ giảm đáng kể từ nguồn ngân sách, sắp xếp lại cơ cấu đầu tư theo hướng hiệu quả, huy động tốt hơn các nguồn vốn ngoài ngân sách. Tiếp tục có các biện pháp kiểm soát giá một cách chặt chẽ, giữ chỉ số giá tiêu dùng ở mức một con số, thâm hụt ngân sách khoảng 6,2% GDP.
Phương án 2: Là phương án theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, khoảng 7%. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ tương ứng là 3,2-3,4%; 6,8-7,4% và 7,9-8,5%.
Năm 2010 là năm mà nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam bước vào giai đoạn đầu của quá trình hồi phục, do đó xuất nhập khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như sức mua của người dân chưa thể tăng nhanh ngay được. Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao như vậy, sẽ vẫn phải chủ yếu dựa vào việc tăng đầu tư và chi tiêu của Chính phủ, trong đó đầu tư là chủ yếu. Theo phương án này tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên gần 835 nghìn tỷ đồng chiếm khoảng 42% GDP.
Việc tăng đầu tư và chi tiêu của Chính phủ sẽ làm mức thâm hụt ngân sách tăng cao khoảng 6,5% GDP. Bên cạnh đó việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng trong điều kiện hiệu quả đầu tư không cao như hiện nay, vấn đề lạm phát cần phải đặc biệt chú ý và có những biện pháp kiểm soát một cách chặt chẽ.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2010 từ 66,4 - 67,8 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ 77,5 - 80 tỷ USD, thâm hụt thương mại trên 12 tỷ USD.
Theo GS.TSKH Võ Đại Lược – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới: Kinh tế thế giới năm 2010 dù như đã có nhiều dự báo, vẫn có thể nói rằng, dung sai của các dự báo chắc chắn sẽ không nhỏ. Vấn đề là Việt Nam phải có trong tay một công cụ để có thể “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái công cụ này là gì? Công cụ này là “đổi mới”, mọi cái có thể luôn biến đổi, do vậy phải đổi mới, trên cơ sở “lợi ích phát triển của đất nước, sự giàu có của nhân dân, sự tiến bộ của xã hội”.
Trong thách thức có cơ hội
TS Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tư tưởng chủ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 là ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn cả về số lượng và chất lượng; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009 để tạo thêm điều kiện và nguồn lực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn.
Giới nghiên cứu cũng khuyến nghị: ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông nguồn lực đầu tư thông qua giải toả các điểm nghẽn, trước hết là điểm nghẽn thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển trong năm năm 2010.
Trong số các điểm nghẽn, hoàn chính thể chế kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng lao động sẽ tiếp tục là vấn đề lớn, đòi hỏi thời gian để cải thiện. Chính vì vậy, cơ hội của môi trường đầu tư-kinh doanh năm 2010 mà Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2010: Nhận diện cơ hội đầu tư – kinh doanh do Báo Đầu tư phối hợp với Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tổ chức trong sáng nay (14/1), tại Hà Nội, hướng nhiều tới kết quả của việc thực hiện giai đoạn 2 của Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, nếu 30% của gần 6.000 thủ tục hành chính hiện hành sẽ bị bãi bỏ như cam kết của Chính phủ, chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp trong thực hiện các kế hoạch kinh doanh sẽ giảm thiểu rất lớn.
Điều này sẽ bù lại những chi phí tăng thêm của doanh nghiệp trong năm 2010 khi hàng loạt những thay đổi chính sách về thuế, tiền lương, các gói kích thích kinh tế… sẽ đẩy chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng khá mạnh.Hơn thế, hiệu ứng lớn nhất từ cắt giảm thủ tục hành chính là việc tiếp cận với cơ hội kinh doanh vốn không phải dễ kiếm trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2010. “Khi thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng và minh bạch, nó sẽ khuyến khích các nhà đầu tư quyết định đầu tư nhanh hơn, lớn hơn và dài hạn hơn”, ông Cung nói.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong tham luận gửi tới hội thảo đã đưa ra những con số khá cụ thể từ kết quả của việc cắt giảm thủ tục hành chính. Theo đó, nếu Chính phủ thực hiện được cắt giảm 30% thủ tục hành chính, tỷ lệ tổng vốn đầu tư xã hội so với GDP có thể duy trì ở mức khoảng 40-41%, thấp hơn năm 2009 (42,3%) song vấn đạt được mục tiêu tăng GDP là 6,5%. “Qua đó tạo điều kiện giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước, giám bớt sức ép lên cân đối vĩ mô và nâng cao chất lượng tăng trưởng”, ông Ngoạn phân tích.
Tất nhiên, việc tận dụng thành công cơ hội từ môi trường đầu tư - kinh doanh thuộc về sự chủ động của doanh nghiệp. Lâu nay, chính sách đối phó với khủng hoảng của các doanh nghiệp chủ yếu là cắt giảm chi phí, cắt giảm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm… Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là các chiến lược thụ động và khó có thể phù hợp khi sự thay đổi thị trường, thay đổi của chính sách kinh tế và các độ trễ của các chính sách này sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
“Đối sách của doanh nghiệp nên theo hướng chủ động đón đầu với cơ hội, chủ động đổi mới đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất; đổi mới cách thức quản lý; thay đổi ngành, nghề sang công nghệ cao hơn…”, ông Cung khuyến nghị và nhắc tới các kế hoạch xâm nhập thị trường mới, hợp nhất, sáp nhập, thu hút vốn… mà các doanh nghiệp có thể áp dụng.
Có thể thấy, ở năm 2010, trong thách thức vẫn có cơ hội và các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu để có bước phát triển dài hạn khi nền kinh tế thực sự phục hồi.
(Theo Lan Hương/HNM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com