Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp tư nhân 10 năm phát triển: Chất không theo kịp lượng

tinkinhte.comKể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã có những bước phát triển ngoại mục. Thế nhưng, còn phải có rất nhiều nỗ lực và nhiều năm tháng nữa khi khu vực này mới có thể trở thành đầu tàu phát triển của Việt Nam.
 
Tăng trưởng ấn tượng về số lượng nhưng chất lượng chưa song hành là nhận định chung của các chuyên gia nghiên cứu trong bản báo cáo có chủ đề “ Đánh giá nhanh chất lượng khu vực kinh tế tư nhân trong 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp”. Báo cáo do nhóm nghiên cứu của ông Lê Duy Bình, chuyên gia Kinh tế của Economica Vietnam, và ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia Phân tích Chính sách của VCCI thực hiện, với sự tham gia của một số nghiên cứu viên khác thuộc tổ chức Economica Vietnam.

Tăng trưởng đặc biệt ấn tượng về số lượng

Theo nhóm nghiên cứu, nổi bật nhất là sự tăng trưởng ngoạn mục về số lượng của khu vực kinh tế tư nhân. Cho dù, nguồn số liệu từ các cơ quan như Cục Phát triển Doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê (đều thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đưa ra là khác nhau, nhưng tất cả đều cho thấy một sự tăng trưởng đột biến về số lượng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) sau 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp (Tham khảo bảng Số lượng doanh nghiệp đăng ký hàng năm).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với hơn 83 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2009, con số doanh nghiệp đã đăng ký khi cộng dồn lại đến tháng 12 năm 2009 ước đạt 460 ngàn doanh nghiệp. Từ số lượng khoảng 31.000 doanh nghiệp vào năm 2000, con số này nay đã tăng 15 lần chỉ vỏn vẹn trong 9 năm. Theo đánh giá chung của các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng này thể hiện sức sống mãnh liệt của tinh thần kinh doanh của người dân Việt Nam cũng như tác động lớn của những cải cách về môi trường kinh doanh đã được thực hiện, đặc biệt qua Luật Doanh nghiệp (1999 và 2005).

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 3 năm 2009, cả nước có 272.680 doanh nghiệp dân doanh trong tổng số 289.672 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Điều này cho thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lớn nhưng số doanh nghiệp tồn tại được trên thực tế ước chỉ xấp xỉ 50%. Ông Lê Duy Bình cho rằng, so với nhiều nước khác, tỉ lệ đó là hoàn toàn bình thường, không nên coi là một chỉ số phản ánh chất lượng thấp của các doanh nghiệp được đăng ký.

Những chỉ số ấn tượng về năng lực hoạt động

Theo ông Đậu Anh Tuấn, báo cáo nghiên cứu cũng đã tập trung sâu vào phân tích những chỉ số về năng lực hoạt động của các DNTN. Kết quả chung cho thấy, DNTN cải thiện nhanh chóng các chỉ số về năng lực hoạt động của mình. Cụ thể, tổng vốn chủ sở hữu của các DNTN đã tăng 17 lần từ khoảng 38,7 ngàn tỷ vào năm 2000 lên tới 657 ngàn tỷ vào năm 2008. Tính trung bình, vốn chủ sở hữu bình quân một DNTN hiện nay đạt 5,2 tỷ đồng, so với 1,2 tỷ đồng vào năm 2000 (Bảng: Một số chỉ số năng lực hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân).

Việc tăng quy mô vốn chủ sở hữu của các DNTN đã đi kèm với mức tăng rất ấn tượng về mức tăng doanh thu thuần (tăng gần 16 lần), lợi nhuận (tăng 27 lần), tổng tài sản (tăng 24 lần) trong giai đoạn 2000 - 2008. Đặc biệt, tốc độ tăng của tổng tài sản, lợi nhuận nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu, thể hiện việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư và các cổ đông trong DNTN. Về khả năng tạo lợi nhuận, tính trung bình một DNTN chỉ có thể tạo ra được khoảng 54 triệu đồng lợi nhuận/năm vào năm 2000 thì nay con số này đã tăng lên gấp năm lần, đạt 258 triệu đồng vào năm 2008. Một DNTN hiện nay cũng có mức tài sản trung bình là 14 tỷ đồng và mức doanh thu thuần trung bình là 17 tỷ đồng, tăng hơn rất nhiều so với những năm đầu thập kỷ.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu như vào năm 2000, với 100 đồng vốn chủ sở hữu, một DNTN chỉ có thể tạo ra 271 đồng tài sản và 4,4 đồng lợi nhuận thì đến năm 2008, với 100 đồng vốn chủ sở hữu, một DNTN tạo ra được tới 398 đồng tài sản và 7 đồng lợi nhuận. Một sự cải thiện hết sức đáng khích lệ.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, trong các doanh nghiệp có đăng ký chính thức thì các DNTN là khu vực tạo ra nhiều việc làm và với việc tăng nhanh về số lượng, đây cũng là khu vực có tốc độ tạo ra việc làm lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác. Sau 9 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2008, các DNTN đã tạo ra được 4,3 triệu việc làm, chiếm hơn 54% tổng số việc làm mà các doanh nghiệp chính thức tạo ra và gấp gần 4 lần tổng số việc làm mà các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương tạo ra. Như vậy, số lượng việc làm DNTN tạo ra trong giai đoạn này cũng đã tăng hơn 505%.

Đáng chú ý, mức thu nhập bình quân hàng năm của người lao động trong năm 2000 chỉ là 8,2 triệu đồng (gấp khoảng 1,4 lần GDP bình quân đầu người của năm, tính theo giá năm 2000). Con số này đã tăng lên 32 triệu đồng/người/năm vào năm 2008, gần gấp đôi mức thu nhập bình quân đầu người. Năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh cũng đã được cải thiện đáng kể. Trong vòng 9 năm, mức doanh thu trung bình do một người lao động trong các DNTN tạo ra đã tăng gấp 3, từ 225 triệu đồng vào năm 2000 lên tới 710 triệu đồng vào năm 2008.

Thiếu vắng doanh nghiệp lớn và vừa

Đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, số lượng những DNTN lớn còn quá ít ỏi và các doanh nghiệp quy mô vừa cũng vắng bóng. Trong báo cáo top 500 doanh nghiệp lớn nhất của VietNam Report và VietNamNet công bố, vào năm 2009 chỉ có 28,9% trong số các doanh nghiệp này là DNTN. Con số này có tăng so với mức 24% của năm 2008, nhưng phần lớn sự tăng trưởng này và cả tỷ trọng lớn trong số các DNTN lớn này là nhờ một số đáng kể là DNNN cổ phần hóa. Còn trong danh sách 200 doanh nghiệp lớn nhất do UNDP công bố thì chỉ có 17 DNTN, nhưng phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.

Những hạn chế của môi trường kinh doanh cũng như trình độ quản trị, điều hành, vốn, công nghệ… đã khiến cho các doanh nghiệp tư nhân khó có thể nhanh chóng lớn mạnh thành những đầu tàu cho nền kinh tế hoặc cho toàn bộ khu vực tư nhân.

Ngoài ra, mặc dù trình độ quản trị điều hành của các DNTN đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước năm 2000, Báo cáo cho rằng chất lượng của công tác quản trị công ty tại DNTN vẫn còn là một vấn đề lớn. Đặc biệt, một hạn chế cơ bản của các doanh nghiệp này là thiếu chiến lược dài hạn và niềm tin.

(Theo Quang Hà // Báo Doanh nhân)

  • PCI: nhìn từ vị trí số 1
  • Liên kết để phát triển
  • Thời hậu khủng hoảng: Ưu tiên ổn định vĩ mô
  • Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2010
  • Chỉ số tự do kinh tế 2010: Việt Nam giảm 1,2 điểm
  • Năm 2010 chi phí kinh doanh sẽ tăng
  • Lợi cả đôi đường
  • Doanh nghiệp - Doanh nhân - Nền kinh tế: Một số điểm yếu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi