Xu hướng phục hồi nền kinh tế nước ta ngày càng trở nên rõ nét khi tốc độ tăng trưởng GDP tăng dần qua các quý. Năm 2009, nếu như quý 1, GDP chỉ đạt 3,14% thì đến quý 2 con số này là 4,46% và quý 3 là 5,76%, ước tính quý 4 là 6,8% và cả năm đạt 5,2%. Năm 2010, chúng ta sẽ làm gì để tiếp tục thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh hơn, vững chắc hơn, nhằm đạt GDP 6,5% như nghị quyết của Quốc hội đề ra ?
Vấn đề trọng tâm của thời kỳ “hậu suy giảm” là thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế với một lộ trình phù hợp, có mục tiêu định lượng cụ thể và theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất tăng, đời sống nhân dân được nâng cao thúc đẩy dịch vụ phát triển, vì dịch vụ phục vụ cho sản xuất và đời sống. Phát triển doanh nghiệp trong nước đi đôi với sắp xếp lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, làm cho khu vực này hoạt động thực sự có hiệu quả trên cơ sở tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế, đồng thời coi trọng đầu tư nước ngoài trên cơ sở điều chỉnh những ưu tiên thu hút đầu tư gắn với tái cấu trúc các ngành sản xuất. Nội dung tái cấu trúc các ngành sản xuất là chuyển từ công nghiệp gia công, lắp ráp sang sản xuất các sản phẩm có giá trị tăng cao, có lợi nhuận lớn. Đây thực chất là một cuộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng (tăng trưởng chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động rẻ, khai thác tài nguyên thô và gia công hàng xuất khẩu) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu (tăng trưởng chủ yếu do tăng mức đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp). Từ đó, cơ chế thu hút đầu tư, kể cả đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất thiết phải hướng vào các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, phát triển công nghiệp phụ trợ và kinh tế tri thức. Mặt khác, khẩn trương tiến hành điều chỉnh chiến lược thị trường. Đồng thời với việc thực hiện phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ta cần tập trung phát triển thị trường nội địa, hạn chế những biến động tiêu cực của thị trường nước ngoài. Những nền kinh tế nào phục hồi nhanh trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay đều khai thác có hiệu quả thị trường nội địa của họ. Trong nhận thức cũng như trong hành động, các doanh nghiệp phải coi thị trường nội địa là cơ sở, thị trường nước ngoài là quan trọng.
Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2009, Việt Nam đã tụt năm bậc từ 70 xuống 75. Đây là năm thứ ba liên tiếp nước ta tụt hạng. Ngoài yếu tố chất lượng hàng hóa, cạnh tranh về giá là cạnh tranh quyết liệt nhất. Các doanh nghiệp rà soát lại các công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh, kiên quyết loại bỏ các chi phí bất hợp lý; chăm lo đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý hiện đại; đổi mới công nghệ và thiết bị, hiện đại hóa quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Về bản chất, đây cũng là một nội dung chủ yếu của tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế một cách phù hợp, các chính sách kinh tế - tài chính linh hoạt hướng trọng tâm vào việc thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế. Nếu cắt đột ngột các giải pháp kích thích kinh tế sẽ tạo ra cú “sốc” cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây ảnh hưởng đến những thành quả đã đạt được trong năm 2009, làm tăng nguy cơ mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp, các hộ nông dân, kéo theo làm tăng số dư nợ xấu của các ngân hàng... Các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất nên thu hẹp theo lộ trình thích hợp, với quy mô có thể nhỏ dần và điều kiện thắt chặt hơn.
Các dự án thuộc danh mục được kích cầu nên tập trung hướng vào các dự án sắp hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các dự án thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, các dự án phát triển nhà ở xã hội, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội nông thôn, các dự án công nghiệp chế biến nông sản và các ngành công nghiệp phụ trợ, nhất là các dự án có ý nghĩa tổng hợp cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, cần đầu tư đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm khơi thông thị trường vốn và thị trường tiêu thụ nước ngoài mới cho các doanh nghiệp trong nước.
Chương trình “bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp” nên được nghiêm túc đánh giá lại và chỉ tiếp tục bảo lãnh các doanh nghiệp có khả năng nâng cao được hiệu quả, sức cạnh tranh, chống xu hướng bảo lãnh tràn lan, làm rối loạn môi trường tín dụng. Mặt khác, giảm tối đa các tác động trái chiều của các gói kích cầu, công khai hóa các tiêu thức, đơn giản hóa các thủ tục giải ngân...
Ổn định kinh tế - tài chính vĩ mô là tiền đề để kinh tế ra khỏi suy giảm, phát triển nhanh và bền vững. Không cho lạm phát cao trở lại, giữ lạm phát ở mức 5%, là chìa khóa cho phép giải quyết những vấn đề nan giải của nền tài chính quốc gia. Hoàn thiện thể chế giám sát hệ thống tài chính là yêu cầu cực kỳ bức bách bảo đảm an ninh tài chính của đất nước.
Thế giới, trong đó có Việt Nam, sau cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu nói chung và tài chính nói riêng này, sẽ rút ra nhiều bài học, từ đó, điều chỉnh chính sách, phương thức điều hành, hoạt động và đặc biệt là tái cấu trúc nền kinh tế, tạo ra sự bứt phá mới trên con đường phát triển của đất nước mình.
(Theo NGUYỄN XUYẾN// Báo Hậu Giang)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com