Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm gì để "đối mặt" với suy giảm kinh tế? - Bài 2: Quay về thị trường nội địa - Không phải là nhất thời

Với hơn 83 triệu dân, nền kinh tế luôn có tốc độ tăng trưởng cao và sức tiêu dùng gia tăng mạnh, thị trường Việt Nam đã trở nên hấp dẫn, kể cả đối với nhà kinh doanh nước ngoài. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua thị trường nội địa đã dành phần lớn sân chơi cho hàng ngoại, do các nhà sản xuất Việt Nam "mải mê" với gia công hoặc sản xuất hàng xuất khẩu. Quay về thị trường nội địa khi nền kinh tế chung đang suy giảm là rất khó, song như nhiều doanh nghiệp khẳng định, điều này "không bao giờ là muộn".

* Khó "cua gấp" về thị trường nội địa

 Theo số liệu Sở Công thương Đồng Nai, 7 tháng đầu năm 2009 xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt hơn 3.240 triệu USD, bằng 45% kế hoạch năm, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương 7 tháng qua đều bị giảm sút, như: cà phê giảm 25%, hàng mộc giảm 16%, may mặc giảm 3%, gốm giảm 20%... Trong khi đó, tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm nay trên địa bàn Đồng Nai ước đạt trên 22 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2008. Như vậy, sức tiêu dùng của người dân trong tỉnh vẫn tăng, dù năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 cả nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Điều này có thể khẳng định, thị trường nội địa luôn hấp dẫn, nhất là khi xuất khẩu gặp khó khăn.

 Ông Lê Hữu Tịnh, Phó tổng giám đốc Công ty Tín Nghĩa, cho biết doanh thu từ xuất khẩu đang giảm, Tín Nghĩa đã chuyển hướng kinh doanh vào thị trường nội địa với các mặt hàng nông sản chế biến, phương tiện vận tải, phân bón, sắt thép... Tổng giám đốc Donafoods Nguyễn Thái Học, một doanh nghiệp xuất khẩu mỗi năm lên đến vài chục triệu USD, thừa nhận trong lúc xuất khẩu rất khó khăn thì thị trường nội địa là lối thoát của công ty. Donafoods đã đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm ăn liền theo công nghệ nước ngoài để tiếp cận các siêu thị ở Việt Nam. Donafoods xem đây là định hướng phát triển lâu dài. Nhiều doanh nghiệp chế biến hàng mộc xuất khẩu ở Đồng Nai cũng cho rằng nhiều năm qua chỉ  chăm bẵm vào xuất khẩu, trong khi thị trường nội địa cũng rất lớn. Nay gặp khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái thì họ đã "tỉnh ngộ" về điều này.

Hàng nội địa yếu ở khâu phân phối

Những năm gần đây, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị đang lớn dần. Hiện tại, hàng Việt đang chiếm ít nhất 90% tổng lượng hàng hóa tại các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Coop Mart, Vinatex... Điều này cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng tin vào chất lượng của hàng Việt. Tuy nhiên, đối với các cơ sở kinh doanh, bán lẻ khác ngoài hệ thống siêu thị, hàng Việt Nam vẫn không đọ nổi với hàng Trung Quốc, Thái Lan... ngay trên sân nhà. Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai nhận định: "Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp Việt Nam không chiếm lĩnh được thị trường nội địa là do hầu hết doanh nghiệp không có hệ thống phân phối của riêng mình; không có cách tiếp thị lành nghề dẫn đến việc không nắm được thị trường và rất khó bán hàng trong nước. Đây là lỗi mang tính hệ thống và để sửa chữa nó, chúng ta cần một quá trình dài học hỏi, ứng dụng".

 Song, đối với nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, việc tạo chỗ đứng trên sân nhà là một hành trình khó khăn, đòi hỏi một sự đầu tư dài hơi và rất khó "cua gấp" trong thời điểm kinh tế đang khủng hoảng. Ông Vũ Ngọc Thuần, Tổng giám đốc Công ty CP may Đồng Tiến, nhận định: "Để đứng được trên thị trường nội địa không phải dễ. Các nhãn hiệu may mặc có chỗ đứng trên thị trường như Việt Tiến, An Phước, Nino Maxx, Việt Thy... đã phải mất 10 năm, 20 năm mới xây dựng nên được thương hiệu, trong đó Việt Tiến đã phải chi hàng trăm tỷ đồng mà cho đến nay, lợi tức chia cho cổ đông hiện vẫn còn khiêm tốn". Ông Trần Dục Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP giày dép cao su màu, phân tích: "Có vị trí tốt trên thị trường nội địa luôn là mong ước của mọi doanh nghiệp. Chúng ta đã "say sưa" với xuất khẩu, với gia công và cho người ngoài cơ hội chiếm lĩnh sân nhà. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu nhiều điều căn cơ để quay về chiếm lĩnh thị trường nội địa. Đó là những yếu tố: trình độ tiếp thị; khả năng tài chính; hệ thống phân phối tiêu chuẩn...".

 Ông Nguyễn Văn Vũ, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên động cơ và máy nông nghiệp miền Nam (Vikyno & Vinappro), chia sẻ: "Để chiếm được 25% thị phần ngay trên sân nhà - một đất nước có khoảng 80% dân sinh sống ở nông thôn và làm nông nghiệp, Vikyno & Vinappro đã tốn công sức cho cả chục năm trời. Phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái Lan và hàng cũ nhập từ Nhật hay Mỹ để thiết lập hệ thống phân phối, hệ thống hậu mãi cho mình là rất khó khăn, khi mà cách đây 10 năm, hơn 95% thị phần máy nông nghiệp ở Việt Nam là ngoại nhập. Song, khó - không có nghĩa là không làm được, doanh nghiệp muốn thành công trên sân nhà lâu dài, bắt buộc phải chấp nhận đi lên từ cái khó".

 * Không mang tính đối phó

 Việt Nam chính thức gia nhập WTO, vấn đề làm sao để chiếm lĩnh thị trường nội địa đã trở thành một vấn đề "nóng". Và khi xuất khẩu bị chao đảo do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một lần nữa, thị trường nội địa lại được đặt ra nhiều hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp đều thống nhất rằng, cuộc khủng hoảng đã đặt ra cho họ nhiều điều suy ngẫm, trong đó có vấn đề làm thế nào để quay lại thị trường nội địa một cách vững chắc. Lẽ dĩ nhiên, doanh nghiệp không thể ngay lập tức sản xuất hàng loạt và mang bán trong nước khi có khủng hoảng như một hình thức đối phó đầy may rủi. Song, tư duy chiến lược lâu dài về vấn đề này đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

 Ông Vũ  Ngọc Thuần cho biết, mặc dù doanh thu từ xuất khẩu hiện vẫn khá cao, đơn đặt hàng của năm 2009 đã ổn, nhưng thị trường nội địa vẫn là mục tiêu lâu dài mà may Đồng Tiến đang xây dựng kế hoạch thực hiện. Ông Phan Hồ Nhựt, Giám đốc DNTN gốm sứ Đồng Tâm, dè dặt cho rằng tuy người tiêu dùng bình dân trong nước chưa có thói quen và mức thu nhập chưa cao để phát triển thị trường gốm nội địa một cách đại trà, nhưng những năm qua nhu cầu gốm trang trí ở các cơ quan, công ty, các resort, khách sạn... đang ngày một nhiều lên và Đồng Tâm sắp tới cũng sẽ có kế hoạch đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường này. Còn ông Trần Dục Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP giày dép cao su màu, nói: "Khủng hoảng kinh tế và sự suy giảm về xuất khẩu đã khiến chúng tôi tư duy lại quan điểm của mình về phát triển thị trường nội địa. Khi làm ăn bình thường, vấn đề này có được suy nghĩ đến nhưng không quyết liệt, còn bây giờ phải bắt đầu từ những bước đầu tiên một cách rất quyết tâm. Trong năm 2010, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc bán hàng ở thị trường nội địa, bắt đầu bằng việc sản xuất giày dép đem ký gửi các cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh. Bước đầu là thăm dò phản ứng khách hàng, qua đó chúng tôi sẽ xây dựng một chiến lược phát triển, trong đó quan trọng nhất là về phân phối, tiếp thị".

Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai, khá quyết liệt khi cho rằng khủng hoảng kinh tế là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại mình, thấy được những điểm yếu khi quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, lãng quên thị trường trong nước. Ông Bình ví von: "Vạn sự khởi đầu nan, doanh nghiệp phải khó nhọc "trồng cây" thì mới có ngày hái quả ở thị trường non trẻ này. Nhưng không bao giờ là muộn để bắt đầu. Nếu chỉ nghĩ, mình lo làm "chuyện lớn" với hàng hóa tính bằng container và doanh thu tính bằng triệu USD, trong khi bán hàng trong nước rất khó khăn và chỉ thu bạc lẻ, thì 10 năm hay 20 năm sau, "sân nhà" với hơn 80 triệu dân vẫn sẽ là của người khác".

(Theo Xuân Phú - Kim Ngân // Báo Đồng Nai)

  • Phân bón dỏm tràn lan, vì sao ?
  • Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều lực cản trong thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài
  • Báo Bà Rịa – Vũng Tàu: Ngành công nghiệp - Suy giảm đã chạm đáy
  • Xuất khẩu và thu ngân sách gặp nhiều khó khăn
  • Công nghiệp 8 tháng: Trái chiều hai nửa “nặng”, “nhẹ”
  • Tương lai kinh tế Việt Nam gắn liền với cảng biển
  • Năm 2010, phấn đấu tăng GDP từ 6,5-7%
  • Đà Nẵng, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi