Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năm 2010, phấn đấu tăng GDP từ 6,5-7%

Để góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010), ngày 05/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 756/CT-TTg về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngành Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2010.     

8 yêu cầu

Một là, tổ chức đánh giá nghiêm túc tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2009 trên cơ sở đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2009.

Hai là, đánh giá khách quan, trung thực các kết quả đạt được trong năm 2009 so với mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2009 đã đề ra; đồng thời so sánh với mục tiêu, nhiệm vụ mà các cấp, các ngành đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 2006-2010 và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2001-2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.

Ba là, xác định mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 phải căn cứ mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010, tình hình thế giới và trong nước; đồng thời, phải căn cứ các yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Bốn là, xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 phải gắn kết với khả năng cân đối nguồn lực và khả năng thực hiện của các cấp, các ngành để bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

Năm là, về xây dựng dự toán NSNN năm 2010, phải thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN, Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN và các văn bản pháp luật liên quan.

Sáu là, dự toán NSNN năm 2010 phải thể hiện quan điểm tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.

Bảy là, việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2010 phải huy động và cớ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và các cấp, các ngành,các địa phương để bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả của kế hoạch.

Tám là, trong quá trình đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2009 và xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2010, các Bộ, ngành và địa phương cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nhà tài trợ, chuyên gia trong và ngoài nước... nhằm nâng cao tính khả thi của kế hoạch đề ra và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.

Nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010

Trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới và những hạn chế, khó khăn ở trong nước, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010 là phải tiếp tục khắc phục tối đa tác dụng của suy thoái kinh tế thế giới, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2006-2010.

Thứ nhất, về kinh tế

Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 6,5-7%.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm bình đẳng, công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh bảo đảm việc làm và đời sống cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội và điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của sản xuất công nghiệp. Tăng cường đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nhất là những mặt hàng thiết yếu và hàng xuất khẩu. Thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất, chế tạo sản phẩm công nghiệp đạt tiêu chuẩn thay thế hàng nhập khẩu.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thuỷ sản nhằm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ưu tiên các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân có tích luỹ từ sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ có tiềm năng, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế để tăng tỷ lệ khách du lịch đến với Việt Nam. Phát triển và nâng cao chất lượng vận tải, bảo đảm phục vụ tốt lưu thông hàng hoá và nhu cầu đi lại của nhân dân. Coi trọng công tác phát triển thị trường trong nước, thực hiện các chính sách để khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, chú trọng thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và thị trường mới có nhiều tiềm năng. Hạn chế xuất khẩu một số loại tài nguyên, khoáng sản. Điều chỉnh thuế suất linh hoạt trong khuôn khổ cam kết WTO, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất trong nước, kiềm chế nhập siêu.

Tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, chống gian lận thương mại, đầu cơ, buôn lậu, nâng giá, kiếm lời bất chính. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành, nhất là kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, liên kết độc quyền nhằm thao túng thị trường và giá cả.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Huy động tối đa các nguồn vốn để phục vụ cho đầu tư. Khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, thất thoát, lãng phí ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch và quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, ưu tiên huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án quan trọng sớm hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2010; đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn đã được cấp phép ở các khu kinh tế.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ở các làng nghề, doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân. Chú trọng các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiếp cận tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực công nghệ, xúc tiến mở rộng thị trường, tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ công, mặt bằng sản xuất, thông tin, tư vấn.

Khuyến khích việc thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng cao; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác; hỗ trợ hợp tác xã về xúc tiến thương mại, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của cộng đồng xã viên và tham gia chương trình phát triển KT-XH; hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Thứ hai, về phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội và các lĩnh vực khác

Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở trong nước, đi đôi với tăng cường chuyển giai công nghệ nước ngoài. ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới vào trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hạn chế ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khoẻ và đời sống tinh thần cho nhân dân. Tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động nguồn lực của xã hội hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá và thể dục thể thao.

Thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay ưu đãi để học tập và chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên ở các cơ sở đào tạo.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là công tác xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Tiếp tục kiểm tra thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo tại 61 huyện nghèo để góp phần xoá đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Tăng cường kiểm tra, giảm sát, đánh giá hiệu quả các chính sách đã ban hành để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của chính sách.

Thứ ba,về bảo vệ môi trường

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường; có các chế tài xử phạt hành chính, xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục giải quyết tình trạng suy thoái môi trường ở khu vực các nhà máy, các khu công nghiệp, các khu đông dân cư; cải tạo và xử lý môi trường trên các sông, hồ, ao, kênh, mương bị ô nhiễm nặng; chú trọng xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế; khảo sát, phát hiện, xử lý các loại chất độc hoá học, điôxin tồn lưu sau chiến tranh.

Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi đối với môi trường; ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả xấu do thiên tai gây ra.

Thứ tư, đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể về cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước.

ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước.

Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, bao gồm công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách khác.

Tăng cường công tác thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.

Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra các dự án sử dụng nguồn vốn NSNN nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham ô, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình, dự án. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ, việc vi phạm.

Thứ năm, nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong tình hình mới; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, chú trọng trang bị và các điều kiện bảo đảm khác. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, công tác thông tin tuyên truyền; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông tin, tuyên truyền với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là những biến động về tình hình kinh tế, tài chính thế giới. Chủ động xây dựng các phương án ứng phó với tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới tới kinh tế nước ta trong mọi tình huống.

Nhiệm vụ xây dựng dự toán NSNN năm 2010

Một, dự toán thu NSNN năm 2010 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ và trên cơ sở bám sát dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh năm 2010. Đối với các khoản thu NSNN năm 2009 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát sinh sau khi đã hết thời gian thực hiện giãn thuế; các khoản thu phát sinh năm 2009 được phép giãn chuyển sang nộp năm 2010; các khoản thu phát sinh từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi thuế, giao Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý, kể cả việc xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành.

Dự toán thu NSNN xây dựng với mức động viên phấn đấu đạt trên 21% GDP, trong đó thu thuế và phí trên 20% GDP. Dự toán thu nội địa của cả nước (không kể thu từ dầu thu, thu tiền sử dụng đất) tăng bình quân tối thiểu 16 - 18% so với đánh giá ước thực hiện năm 2009 (đã loại trừ các yếu tố tác động do thực hiện miễn, giảm, giãn thuế trong năm 2009). Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2009 (đã loại trừ các yếu tố tác động do thực hiện miễn, giảm, giãn thuế trong năm 2009).

Hai, Dự toán chi NSNN năm 2010 được xây dựng trên cơ sở các quy định pháp luật về chế độ, chính sách, định mức hiện hành và yêu cầu kinh phí thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo yêu cầu triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xây dựng dự toán. Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chủ động dự kiến đầy đủ các nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách chế độ, nhiệm vụ mới (nếu có); đảm bảo các chế độ, chính sách dự kiến ban hành thực hiện từ năm 2010 phải được cân đối đủ nguồn lực, không để xảy ra tình trạng thiếu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các chế độ, chính sách đã ban hành và các nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đối với ngân sách địa phương, năm 2010 vẫn là năm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2007 - 2010, nên dự toán chi cân đối được xây dựng trên cơ sở nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới (nếu có) được ổn định theo mức Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Nhân dân quyết định, Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân cấp trên giao năm 2007 (riêng Hà nội thực hiện theo nghị quyết số 705/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 19 tháng 11 năm 2008 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn khung kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2010 ngay trong tháng 6 này./.

( Theo Minh Quang // Báo Kinh tế và Dự báo )

Bài thuộc chuyên đề: Dự báo kinh tế Việt Nam 2010

  • Đà Nẵng, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
  • Điều kiện để tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng
  • Nghĩ về chiến lược phát triển đất nước
  • Tạo “bước đệm” cho nền kinh tế
  • Song hành cùng đô thị hóa
  • Đất Dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài: Chưa xây đã lo kích giá
  • Bưu chính: Cần có luật nhưng tránh độc quyền
  • Hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi