Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên 6 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp bị đình trệ, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, tốc độ giải ngân vốn xây dựng thấp…
Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có những ngành, những lĩnh vực đạt thành tích đáng khích lệ; hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ cảng phát triển vượt bậc. Từ số báo hôm nay, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu khởi đăng loạt bài về kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm và những dự báo trong thời gian tới.
Những chỉ số thống kê mới nhất cho thấy tình hình kinh tế của tỉnh đã khả quan hơn so với giai đoạn đầu năm 2009. Đối với ngành công nghiệp – ngành kinh tế chủ lực của địa phương – thì những tín hiệu lạc quan này đã tác động trực tiếp đến mức tăng GDP. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là điểm tựa thúc đẩy nền kinh tế vượt ra khỏi đáy chữ U của suy thoái.
DÙ Ở MỨC THẤP NHƯNG VẪN TĂNG
Cuối năm 2008 và đầu năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường bị thu hẹp, giá nguyên vật liệu đội lên cao… khiến hầu hết các doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, một số phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất. Giá trị toàn ngành công nghiệp trong quý 1-2009 chỉ đạt 13.460 tỷ đồng, đạt 19,4% kế hoạch năm, giảm 4,75% so với cùng kỳ năm trước và đây cũng là lần đầu tiên công nghiệp của tỉnh suy giảm. Chỉ có khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu công nghiệp) là có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, 2 khu vực kinh tế còn lại là đầu tư nước ngoài và công nghiệp quốc doanh đều giảm. Ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân tích: Khủng hoảng kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu và theo xu hướng chung công nghiệp là ngành bị ảnh hưởng mạnh. Đây lại chính là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Sự sụt giảm của ngành công nghiệp không chỉ tác động trực tiếp đến giá trị kinh tế chung mà còn tác động đến tốc độ tăng trưởng của những ngành kinh tế khác như dịch vụ thương mại, xây dựng, nông, ngư nghiệp…
Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng, cuối tháng 6-2009, đã có những tín hiệu khả quan cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Sự phát triển của các ngành thương mại dịch vụ, du lịch, đặc biệt là cảng biển đã tác động trở lại ngành công nghiệp, khiến ngành này có thêm sức bật. Tuy chưa đạt kế hoạch (chỉ đạt 42,4% kế hoạch năm) nhưng công nghiệp 6 tháng đầu năm nay đã tăng 8,53% so với cùng kỳ. Đã có 12 trong tổng số 23 sản phẩm chính của địa phương tăng và nhiều sản phẩm đạt được mức tăng khá cao như: đá xây dựng tăng 72,46%, da thuộc tăng 23,67%, tháp gió tăng 39,1%. Riêng với nhóm sản phẩm công nghiệp xuất khẩu như da thuộc, may mặc, hải sản đã có sự khởi sắc trở lại, gia tăng về kim ngạch xuất khẩu, sản xuất ổn định dần.
Tuy vậy, khó khăn vẫn đang bao trùm một số ngành, đặc biệt là những ngành công nghiệp nặng. Một số ngành sụt giảm mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong số này có những ngành có tỷ trọng giá trị kinh tế cao như: thép giảm 57,1%, phân NPK giảm 72,69%, thùng phuy giảm 52,7%. Đáng ngại là một số ngành vẫn tiếp tục suy giảm so với 3 tháng đầu năm, như thép, gạch men…
Nhóm sản xuất công nghiệp xuất khẩu tuy giảm bớt khó khăn, nhưng lại đang đứng trước những nguy cơ mới, đó là chưa ký được những hợp đồng gối đầu cho những năm tiếp theo, đặc biệt là một số doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp. Trong số này, sản phẩm tháp gió là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực (chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tỉnh năm 2008) vẫn chưa ký hợp đồng cho năm tới. Điều đó bộc lộ yếu tố tăng trưởng không bền vững. Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh đã có 34 doanh nghiệp ngừng sản xuất và thu hẹp sản xuất. Liệu rằng có còn doanh nghiệp nào phải đóng cửa ngay cả khi tình hình suy giảm kinh tế đã chựng lại?
TÍNH ĐẾN NHỮNG BIỆN PHÁP ĐẦU TƯ “HẬU SUY GIẢM”
Làm thế nào để các doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn hiện tại, có sự bứt phá trong tương lai là mục tiêu của ngành công nghiệp trong giai đoạn cuối năm 2009.
Sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế trong thời gian gần đây có một phần nguyên nhân từ việc triển khai các gói kích cầu của Chính phủ. Các chính sách cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi, miễn giảm thuế… đã giúp một bộ phận doanh nghiệp duy trì sản xuất và vượt qua khó khăn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh và các ngành chức năng sẽ tiếp tục triển khai mạnh các biện pháp kích cầu theo 3 hướng: Kích cầu sản xuất, tiêu dùng và đầu tư. Với sự hỗ trợ của các gói kích cầu, sự quyết tâm của các doanh nghiệp khả năng, sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới khả quan.
Thời điểm này, ngành công nghiệp cũng cần tính tới hướng đầu tư sau khủng hoảng. Theo báo cáo của Sở Công thương, trong thời gian tới, sở sẽ tăng cường công tác thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng ngành công nghiệp đã cấp phép hoặc có chủ trương đầu tư. Các ngành sản xuất hiện tại cũng đang có sự chuẩn bị về nhân lực, phương tiện để gia tăng sản xuất sau khủng hoảng. Một số nhà máy thép, mặc dù hàng còn tồn kho nhưng vẫn tập trung vốn để nhập nguyên liệu, sản xuất hết công suất, nhằm chuẩn bị một lượng hàng hóa cho thị trường ngay sau khi cơn khủng hoảng qua đi.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chỉnh đốn lại sản xuất, tiết kiệm chi phí để tối đa hóa lợi nhuận trên vốn. Cuộc khủng hoảng cũng sàng lọc, đào thải những doanh nghiệp có năng lực yếu kém trong quản lý kinh doanh và điều hành. Nếu biết nắm bắt cơ hội, đây chính là giai đoạn tốt nhất để các doanh nghiệp chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới.
Ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
ĐẦU TƯ NHIỀU HƠN VÀO HẠ TẦNG KỸ THUẬT
Nhiều tín hiệu trong giai đoạn hiện nay cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam nói riêng và trong tỉnh nói chung đã chạm đáy chữ U và đang có chiều hướng đi lên. Tuy nhiên, tốc độ đi lên trong hành trình chữ U này nhanh hay chậm là tùy thuộc vào sự điều hành của chính quyền và sự nỗ lực của doanh nghiệp. Với chính quyền, bên cạnh việc triển khai mạnh hơn các chương trình kích cầu, cần có chính sách đầu tư nhiều hơn về hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo sau khủng hoảng. Các doanh nghiệp cũng cần coi đây là cơ hội đổi mới doanh nghiệp, chuẩn bị cho chu trình phát triển mới.
Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương:
HỖ TRỢ TỐI ĐA CHO CÁC DỰ ÁN CÔNG NGHIỆP ĐÃ CẤP PHÉP
Trong giai đoạn này, bên cạnh việc nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngành công thương phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ tối đa cho các dự án công nghiệp đã được cấp phép để các dự án triển khai nhanh nhất. Nếu thực hiện theo đúng tiến độ, các dự án này sẽ cho sản phẩm trong 1, 2 năm tới, đúng vào thời điểm khủng hoảng đi qua. Nhờ đó, ngành công nghiệp sẽ có thêm nhiều sản phẩm, gia tăng về giá trị, tạo đà phát triển mạnh hơn.
Bà Lê Kim Hương, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư:
KHÔNG GIẢM CHỈ TIÊU TĂNG TRƯỞNG
Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong số ít tỉnh trong khu vực phía Nam quyết tâm không hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, dẫu biết rằng để thực hiện các chỉ tiêu này, đặc biệt là chỉ tiêu công nghiệp, là rất khó khăn. Nếu hoàn thành được kế hoạch năm 2009 với mức cao nhất và không giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP thì sẽ tạo ra động lực phấn đấu cho mọi ngành, mọi cấp. Trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh và các ngành chức năng sẽ có những biện pháp điều hành quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho từng lĩnh vực cụ thể, tiếp tục hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp phát triển.
(Theo Hồng Nhung // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com