Dệt may và thực phẩm đã từng là những lĩnh vực nhạy cảm và khó khăn trong các cuộc đảm phán về thương mại quốc tế của Việt Nam những năm qua |
Hoạch định chính sách, đàm phán và cam kết quốc tế vốn là công việc của Chính phủ. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và quá trình này không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân họ mà còn đóng góp tích cực vào công việc của các cơ quan đàm phán khi thực thi cam kết và tác động tích cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế.
Trong quá trình đàm phán, những chính sách về thương mại quốc tế chỉ xử lý những vấn đề lớn và mang tính nguyên tắc. Vì vậy, dựa trên cơ sở những thông tin về các lợi ích thương mại liên quan, đoàn đàm phán phải tự triển khai các mức đàm phán thích hợp, tính toán mức thương lượng cả gói hợp lý cho mình (có lợi đối với nền kinh tế nói chung và đối với các ngành sản xuất trong nước nói riêng) và chấp nhận được với đối tác đàm phán.
“Lợi ích” được đề cập ở đây về nguyên tắc được hiểu là những lợi ích chung của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thực tế ở tất cả các nước, bên cạnh những nhóm lợi ích công cộng (an ninh, môi trường…) vốn được xác định tương đối ổn định và lâu dài, “lợi ích” chung cần được xác định trong đàm phán thương mại quốc tế được hình thành chủ yếu từ các nhóm lợi ích riêng biệt theo ngành hàng, lĩnh vực cụ thể. Chính ở đây, vai trò của các ngành sản xuất (các nhóm doanh nghiệp theo ngành hàng, lĩnh vực) trong việc cung cấp thông tin liên quan được đánh giá là quan trọng, nếu không nói là cơ bản.
Ở cấp độ tiếp theo, xác định điểm cân bằng, chấp nhận được giữa lợi ích của các ngành, các nhóm trong đàm phán cả gói có thể coi là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong các đàm phán thương mại hiện nay, bởi nó đòi hỏi cơ quan đàm phán phải có sự thống nhất cao về mức mở cửa cả gói có thể chấp nhận được sau khi tính toán mức mở cửa của từng ngành sản xuất. Việc chấp nhận hy sinh lợi ích của ngành này vì lợi ích của ngành hay lĩnh vực khác không bao giờ là đơn giản.
Vì vậy, để xác định mức độ ưu tiên giữa các bài toán lợi ích phức tạp này, cơ quan đàm phán không chỉ cần thông tin đầy đủ về các nhóm lợi ích, các ngành, mà còn cần cả những lập luận, phản biện về các đề xuất về đối tượng ưu tiên, mức độ ưu tiên... Việc này sẽ không thể được thực hiện một cách hiệu quả nếu không có sự tham gia của chính các đối tượng có các quyền và lợi ích liên quan trực tiếp.
Với những điều nêu trên, rõ ràng việc cung cấp thông tin, lập luận, sáng kiến, phản biện của cộng đồng doanh nghiệp với các chính sách và quan điểm đàm phán thương mại quốc tế này trước hết là quyền lợi của doanh nghiệp (làm cho cơ quan đàm phán biết đến lợi ích của mình và các lập luận bảo vệ lợi ích này).
Tuy nhiên, xét một cách công bằng, bản thân các cơ quan đàm phán cũng có lợi về việc này, bởi họ được cung cấp những thông tin làm dữ liệu cần thiết cho việc đàm phán. Ngoài ra, một cam kết thương mại hợp lý, với những tính toán đầy đủ và khoa học về các lợi ích liên quan, bên cạnh việc mang lại những lợi ích kinh tế, còn có tác động mạnh mẽ đến việc phân bổ nguồn lợi hợp lý giữa các nhà sản xuất, người tiêu dùng, chính phủ và các loại hình phúc lợi xã hội.
Một điều kiện đảm bảo tính hiệu quả của quá trình thực thi
Đàm phán để đạt được các cam kết thương mại quốc tế là một quá trình khó khăn. Tuy nhiên, thực thi các cam kết đó còn là một thử thách khó khăn hơn, bởi nó liên quan đồng thời đến nhiều chủ thể và được thực hiện trong suốt một thời gian dài, với nhiều tác động tức thì hoặc lâu dài. Đối với các cơ quan Chính phủ, thực thi các cam kết là việc ban hành/không ban hành/rút lại các biện pháp (quy định hoặc thủ tục) phù hợp với những nghĩa vụ đã cam kết. Đối với các doanh nghiệp, thực thi cam kết là việc phải tiến hành các hoạt động kinh doanh và cạnh tranh trong các điều kiện của Chính phủ ban hành phù hợp với cam kết.
Nếu trong quá trình đàm phán trước đó doanh nghiệp đã được tham gia, đã biết về xu hướng đàm phán, họ có thể chuẩn bị trước các chiến lược kinh doanh theo cam kết mở cửa. Khi đó ở thị trường nội địa, tác động của mở cửa với doanh nghiệp được hy vọng sẽ giảm hoặc ít nhất cũng đã được dự liệu trước và có biện pháp khắc phục. Ở thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cũng có thể đã có sự chuẩn bị tốt hơn về sản xuất và trọng tâm kinh doanh để tận dụng mặt hàng được giảm thuế mạnh.
Như vậy, việc thực thi cam kết của Chính phủ sẽ suôn sẻ mà không cần phải thực hiện các hình thức cưỡng chế (điều có thể gây ra xáo trộn làm thiệt hại đến các lợi ích kinh tế - xã hội khác) hoặc điều chỉnh chính sách (việc mà trong nhiều trường hợp có thể dẫn tới vi phạm các nghĩa vụ theo cam kết hoặc khiến cho những nỗ lực đàm phán để bảo hộ có điều kiện một ngành trong khi phải nhân nhượng những ngành khác trở thành vô nghĩa). Ngoài ra, nếu doanh nghiệp được biết rõ về quá trình đàm phán, về những tính toán cân nhắc của Chính phủ, đây sẽ là điều kiện tốt để Chính phủ có được “sự thông cảm” từ phía cộng đồng doanh nghiệp cho các trường hợp đàm phán khó khăn, và từ đó tạo đồng thuận tương đối trong quá trình áp dụng.
Một sự tiên liệu tin cậy cho chiến lược kinh doanh
Trong một nền kinh tế hội nhập, hoạt động kinh doanh và tương lai phát triển của một doanh nghiệp không thể tách rời các cam kết thương mại quốc tế liên quan (dù họ nhận thức hay không nhận thức được việc này). Điều này được thể hiện trước hết ở những ràng buộc từ môi trường pháp lý mà doanh nghiệp hoạt động trong đó, một môi trường được thiết lập bởi các quy định pháp lý mà rất nhiều trong số đó được ban hành dưới sức ép của các cam kết quốc tế về thương mại. Tiếp theo, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ bị tác động không nhỏ từ việc thị trường trong nước được mở cửa ở mức độ nào và các yếu tố bảo hộ được giảm đi như thế nào. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, tác động của cam kết rõ ràng hơn, tùy thuộc vào mức độ mở cửa thị trường của các nước nhập khẩu theo cam kết của họ với Việt Nam, bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp rào cản (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, biện pháp kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ…).
Vì vậy, nếu doanh nghiệp được tham gia từ đầu vào việc đàm phán các cam kết quốc tế, họ có thể có được những tiên liệu thích hợp về sự thay đổi của môi trường kinh doanh cũng như những yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của họ khi cam kết được thông qua và thực hiện. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn của các doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là sự “tham gia để tuân thủ”.
Từ góc độ tích cực hơn, việc tham gia vào cơ chế đàm phán các cam kết thương mại quốc tế còn cho phép doanh nghiệp chủ động tác động đến kết quả của các đàm phán thương mại quốc tế, thông qua đó tự mình quyết định tương lai mở cửa thương mại và quyết định việc hình thành chính các quy định pháp lý (các biện pháp) ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình. Nói một cách ngắn gọn, đây là sự “tham gia để điều chỉnh”.
Như vậy có thể nói, dù quá trình hoạch định chính sách, đàm phán và thực thi các cam kết quốc tế là công việc đặc quyền và độc quyền của Chính phủ, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình này là rất cần thiết và hữu ích cả cho việc đàm phán của Chính phủ và hiệu quả kinh tế cuối cùng của doanh nghiệp và nền kinh tế. Thúc đẩy và thể chế hóa quá trình này là việc mà cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần làm, dù bây giờ cũng là tương đối muộn. Nhưng muộn còn hơn không!
* Nhiều người cho rằng, lợi ích của ngành là lợi ích của các doanh nghiệp trong ngành. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi lợi ích của doanh nghiệp cũng đồng thời bao gồm lợi ích của các nhóm chủ thể xã hội khác liên quan như người lao động, người phụ thuộc và những đối tượng được hưởng lợi từ sự phát triển của ngành... * Lợi ích của ngành cũng không phải là yếu tố thuần nhất, bởi trong mỗi ngành có thể có các nhóm lợi ích khác nhau (lợi ích nhóm nhập khẩu khác lợi ích nhóm sản xuất, nhóm lớn khác nhóm nhỏ, nhóm doanh nghiệp Nhà nước khác nhóm doanh nghiệp dân doanh…). Ngoài ra, ở mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh cụ thể, lợi ích của mỗi nhóm có thể thay đổi ở các mức độ khác nhau. Vì vậy không phải dễ dàng xác định được lợi ích hài hòa và tổng thể của cả ngành nếu không có sự tham vấn, thảo luận, trao đổi đầy đủ giữa các thành viên trong ngành. |
(Theo Thu Trang // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com