Những năm qua, lượng người nhập cư (NNC) vào Hà Nội mỗi năm một tăng. Sự tăng cơ học về dân số đã tạo ra những phức tạp về quản lý hành chính và trật tự xã hội. Nhà trường, bệnh viện và các công trình công ích đều rơi vào tình trạng quá tải; hệ thống giao thông bị ách tắc, đặc biệt NNC đông cũng làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp... đó là thực trạng cần sớm có biện pháp quản lý.
Những con số biết nói
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với các mạng lưới dịch vụ thuận tiện, hiện đại, có nhiều cơ hội thuận lợi trong đào tạo, nghề nghiệp... nên đã tạo sức hút lớn dân cư từ các nơi về định cư. Tỷ lệ nhập cư về Hà Nội có xu hướng ngày càng tăng, năm 1999 là 21,2‰, năm 2004 là 29,6‰ và năm 2005 là 35,6‰… và tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra.
Theo ngành chức năng, các tiêu chuẩn về mức sống, chất lượng sống của NNC kém người bản địa. Cụ thể, NNC vào Hà Nội tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động, trong đó nhóm tuổi từ 20 đến 29 chiếm hơn 50%, 30-34 tuổi chiếm 14% và 35-39 tuổi chiếm hơn 6%. Có hơn 80% NNC khẳng định tình trạng công việc cũng như thu nhập của họ tốt hơn nhiều so với khi ở quê, nhưng ít có điều kiện tích lũy, khiến họ dễ gặp khó khăn khi có đột biến về KT-XH. NNC và nhóm người khác có sự khác nhau trong cơ cấu nghề nghiệp. NNC chiếm 24,2% với các nghề thủ công có kỹ thuật, 11% trong nhóm ''thợ kỹ thuật vận hành, lắp ráp máy móc thiết bị (cao hơn so với người bản địa, tương ứng là 17,5% và 8,9%). Hiện, NNC là lao động cơ bản của nhiều ngành công nghiệp ở Hà Nội, nhất là các ngành dệt may, sản xuất hàng gia dụng, bán hàng, thợ cơ khí, thực phẩm chế biến, dịch vụ vận tải. Đặc biệt, hơn 82% số NNC cho biết, họ là những người làm việc được trả lương, đã nhận được phụ cấp từ nơi làm việc. Nhà ở là lĩnh vực NNC còn khó khăn, vì có tới 49% ở nhà thuê hoặc nhà trọ, trong khi nhà ở của bản thân chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, NNC ở nhà của bố mẹ 13,4%, ở nhờ người thân hoặc họ hàng 5,6%.
Không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới hiện tượng người dân di cư từ khu vực nông thôn ra thành phố đã diễn ra từ lâu và ở Việt Nam cũng vậy. Đây là một xu thế tất yếu của cuộc sống, rất khó kiểm soát triệt để bằng những biện pháp hành chính, quy định pháp lý thuần túy…
Kinh nghiệm quản lý ở một phường
Hà Nội luôn quan tâm đến NNC, giúp họ giải quyết những vấn đề liên quan nhằm ổn định đời sống, việc làm, an sinh xã hội. Hà Nội cũng có những cơ chế "thoáng" để nhận sinh viên đỗ thủ khoa ở các trường đại học về làm việc tại các cơ quan công quyền, doanh nghiệp lớn... Phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) là một trong những phường tập trung đông NNC, thường có 1.000 - 3.000 người đến sinh sống tại hơn 200 nhà trọ. Từ đặc thù này, UBND phường đã soạn thảo và triển khai đề án "Tăng cường quản lý nhà trọ trên địa bàn phường Phúc Tân". Từ đó, phường yêu cầu các nhà trọ và NNC ký cam kết bảo đảm an ninh, trật tự, khai báo tạm trú, tạm vắng, giữ vệ sinh môi trường và phòng chống ma túy. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND phường cho biết, vấn đề NNC đã diễn ra từ nhiều năm nay và là khó khăn của phường, nhưng qua đó địa phương cũng rút ra một số kinh nghiệm trong quản lý. Trước hết, phường thực hiện nghiêm các quy định pháp lý về NNC, như cho phép nhập hộ khẩu, làm "sổ đỏ" với NNC đã sinh sống ổn định, có nhà ở hợp pháp trên địa bàn từ 6 tháng trở lên. Từ 1-7-2007 đến nay, Phúc Tân thực hiện các nội dung quy định tại Luật Cư trú để tạo điều kiện cho công dân được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ… Tuy nhiên, do cấp phường là đơn vị hành chính nhỏ nhất, phải giải quyết nhiều việc liên quan đến vấn đề này, nên đã bộc lộ một số bất cập. Ông Vĩnh kiến nghị, muốn quản lý tốt cần quy định rõ, chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn với NNC. Việc dễ dàng cho phép NNC nhập hộ khẩu sẽ gián tiếp thúc đẩy họ ra Hà Nội. Khi NNC đến, đi bất thường, không khai báo, sẽ khiến cán bộ phường bị động trong quản lý, đó là chưa kể có trường hợp NNC đã nhập hộ khẩu Hà Nội, nhưng chưa tách hẳn với hộ khẩu gốc hoặc ngược lại.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết tận gốc vấn đề NNC, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền. Cụ thể, các cấp chính quyền khu vực nông thôn cần lập kế hoạch thay đổi cơ cấu kinh tế, "gọi" đầu tư trong, ngoài nước để phát triển KT-XH, trên cơ sở đó từng bước thay đổi cơ cấu lao động. Mỗi huyện, xã cần hợp tác có hiệu quả trong đào tạo nghề. Một số địa phương đã giải quyết khá hiệu quả vấn đề "việc làm tại chỗ" như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh… từ đó chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ trong GDP. Một biện pháp khác được nhiều chuyên gia nhất trí là mỗi địa phương cần tập trung hướng dẫn người dân áp dụng khoa học nông nghiệp, đưa cây - con giống mới vào thâm canh để nâng cao giá trị kinh tế, phát huy tiềm năng làng nghề và lao động tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Từ đó giúp dân bảo đảm cuộc sống theo phương châm "ly nông, không ly hương".
Trước những điều kiện trở thành "người Hà Nội" ngày càng mở, một số nhà quản lý nhấn mạnh, cần nghiên cứu, áp dụng việc cấp "thẻ tạm cư" cho NNC để chủ động quản lý, hỗ trợ và đáp ứng những vấn đề liên quan đến họ một cách khoa học. Hy vọng, kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở mới đây sẽ là nguồn dữ liệu để Chính phủ, các địa phương, cơ quan quản lý, hoạch định chính sách nghiên cứu, xác định rõ hơn hướng giải quyết vấn đề NNC.
(Theo HNM)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com