Kích cầu kinh tế – kích cầu nội địa cùng với người Việt hàng Việt là một đề bài kép khá hấp dẫn và thách thức cho cả hai lĩnh vực kinh tế vĩ mô và vi mô… Kích cầu nội địa, ngắn hạn bên này; người Việt hàng Việt, dài hạn bên kia. Làm thế nào để đưa cái ngắn hạn của vĩ mô thành cái dài hạn của vi mô? Phải có một cây cầu!
![]() |
Bây giờ người ta hay dùng tên của cuốn tiểu thuyết “cây cầu quá xa” để nói đến những kế hoạch bất khả thi hoặc có những yếu tố hiển nhiên cấu thành sự bất khả thi. Đó là tiểu thuyết lịch sử về thế chiến thứ 2, nói về chiến dịch Market Garden chiếm giữ năm cây cầu trong đó Arnhem là cây cầu cuối cùng bắc ngang hạ lưu sông Rhine để quân đồng minh đi qua Hà Lan tiến thẳng vào Đức mong sớm kết thúc chiến tranh. Nhưng chiến dịch đã thảm bại. Arnhem đã không chiếm được. Tư lệnh phó chiến dịch đã nhận định với thống chế tư lệnh chiến dịch: “... tôi nghĩ rất có thể chúng ta sắp chọn một cây cầu quá xa”.
Dường như kế hoạch và chương trình kích cầu kinh tế – kích cầu nội địa 2008 – 2009 và mong kéo theo được khuynh hướng người Việt hàng Việt đang được một số nhà kinh tế độc lập và cựu quan chức đặt vấn đề có khả năng là “một cây cầu quá xa”.
“Cây cầu quá xa” 1998 và cầu dang dở hôm nay
Kích cầu nội địa áp dụng lần đầu năm 1998 khá sơ sài và rời rạc sau khủng hoảng tài chính tại Á châu. Kết quả đến nay vẫn không được thông báo chính thức nhưng chưa phải thành công. Kích cầu trong khủng hoảng kinh tế cũng gần giống cứu trợ thiên tai, là giải pháp tình thế và ngắn hạn. Nhưng chúng ta đã bị rơi nhanh và sâu vào trong cơn mê “phong trào” để trở thành kích cầu trung, dài hạn. Hệ quả: mất ba năm Việt Nam mới phục hồi tăng trưởng trong khi Thái Lan gây mầm bệnh và bệnh nặng nhất nhưng phục hồi chỉ sau một năm. Kích cầu nội địa 1998 là trải nghiệm của “một cây cầu quá xa”.
Kích cầu lần hai bắt đầu quý 4/2008 cho đến nay. Đã có bài học thất bại năm 1998 kéo dài đến 2001 và nội lực hiện nay khá hơn nhiều lần nhưng dường như vẫn chưa thấy những cơ sở đậm nét nào chứng tỏ tính hiệu quả ngắn hạn nhưng liên kết bền mạnh đủ để chuyển tiếp thành tiềm năng trung hạn – mục tiêu của kích cầu – sau khủng hoảng. Theo những con số thống kê chính thức và bán chính thức trong năm tháng qua về những giá trị đầu ra (chi tiêu và phân bổ ngân sách nhà nước) đã và sẽ đưa vào kế hoạch kích cầu và những giá trị đầu vào (công ăn việc làm, sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ, giáo dục – đào tạo…) có thể tạm cho rằng kích cầu 2008 thể hiện những tiềm năng cấu thành “một cây cầu quá xa.”
Đề bài kép này, nhất là với vế kích cầu nội địa và tính hiệu quả, đang được nhiều nhà kinh tế độc lập nghi ngờ vì những yếu tố “vướng” mang tính hệ thống: (1) vướng vào cái vòng chậm và trễ cố hữu và triền miên của hệ thống dự báo kinh tế xã hội yếu kém và quan liêu; (2) vướng vào cái bệnh lệch vừa chủ quan vừa quán tính cho nên thường lệch luôn những lãnh vực (địa chỉ) ưu tiên cần phải kích; và (3) vướng vào cái vùng xam xám của những phương pháp tiếp cận thiếu đồng bộ và các công cụ đòn bẩy rời rạc đã kiềm hãm sự lan toả rộng rãi và sâu trong mọi ngóc ngách đời sống kinh tế và xã hội. Gần đây cựu bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư, Trần Xuân Giá, một trong những người lãnh đạo lèo lái chương trình kích cầu của năm 1998, cũng đã có những nhận xét như vậy và ông cho đó là những yếu tố cấu thành sự thất bại của chương trình kích cầu đó.
Và những cái rối
Rối vĩ mô: Thứ nhất, chỉ số lạm phát hai con số của năm 2008 vẫn còn lảng vảng. Thứ hai, chỉ tiêu tăng trưởng GDP vẫn phải cố tăng ở mức khá cao mặc dù xuất khẩu chưa có gì sáng sủa. Thứ ba, thâm hụt kép là vấn đề lớn. Cán cân thanh toán vẫn mất cân đối. Bội chi ngân sách hiện tại và trong nhiều năm nữa.
Thứ tư, chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước và chính sách tài khoá của bộ Tài chính vẫn tiếp tục bị các cân đối về lạm phát, tốc độ tăng trưởng, thâm hụt làm rối thêm cùng với các bất cập của vấn đề tỷ giá USD, vàng. Đợt phát hành trái phiếu chính phủ trong năm nay muốn bán được sẽ phải bị áp lực điều chỉnh lãi suất cao hơn và như vậy thị trường lãi suất sẽ bấp bênh hơn…
Như vậy cái rối thứ nhất với “con ma” lạm phát hiện về lại là điều đáng sợ.
Rối vi mô: thứ nhất, hệ thống chuyển tải tín dụng tiêu dùng và thông tin tín dụng (các định chế tài chính) vừa nhỏ vừa hẹp để đáp ứng cho đối tượng cần phải được cung cấp – 13,7 triệu hộ nông thôn. Thứ hai, lơ là và thiếu chính sách bật lên ngay sau thời kích cầu 1998 cho nên ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo vẫn còn bị rời rạc và yếu khiến hầu hết các loại hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng trung bình và cao của Việt Nam, có khả năng thay thế một phần nhập khẩu, vẫn không có tỷ lệ đáng kể trong thị trường nội địa...
Những cái rối vĩ mô thường tạo ra và làm lệch những cái rối vi mô.
Để cây cầu 2008 – 2009 không còn xa!
Người Việt hàng Việt đã mười năm chờ đợi và cần một cây cầu chiến lược. Người Việt Nam có đủ khả năng tự thiết kế và xây dựng cây cầu này. Một cây cầu vững và đẹp mà người tiêu dùng Việt Nam qua lại trên đó có thêm cơ hội so sánh, công nhận và mua sắm hàng Việt Nam như hàng nơi khác. Kế hoạch và chương trình kích cầu kinh tế – kích cầu nội địa 2008 – 2009 (tuy đã hơi trễ và trễ) chính là cơ hội tốt (cũng có thể là tốt nhất) để Việt Nam có được cây cầu này. Cây cầu rất gần!
Kích cầu 2008 – 2009 sẽ là một cây cầu không quá xa nếu và nếu những ai đó ở những nơi đó chỉ cần thật sự quan tâm và công tâm đến sức sống sức mua của 13,7 triệu hộ nông thôn, chi phí học phí của trên 18 triệu học sinh sinh viên, chương trình tạo dựng nơi ăn chốn ở của họ… Có một cây cầu rất gần!
( Theo Lê Trọng Nhi // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com