Đã có nhiều quan ngại CPI tháng 9 có thể còn cao hơn mức 0,23% của tháng 8 do giá một số mặt hàng thiết yếu đã bắt đầu “chuyển động”.
“Giá cả nhiều mặt hàng quan trọng đã có nhúc nhích”, một nguồn tin từ Cục Thống kê Hà Nội cho biết. Theo vị này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tại Hà Nội có thể tăng hơn mức 0,15% và phá vỡ xu hướng giảm tốc đã đạt được trong tháng 8 (CPI tháng 7 của Hà Nội tăng 0,25%).
Trong báo cáo tình hình giá cả thị trường 15 ngày đầu tháng 8, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo, trong thời gian tới giá lúa, gạo tiếp tục tăng; giá một số thực phẩm thay thế thịt lợn tăng nhẹ; giá thép thành phẩm đến cuối tháng 8 tăng nhẹ do tác động của giá phôi thép thế giới tăng; giá LPG trong nước dự kiến cũng tăng từ thời điểm đầu tháng 9/2010; giá thuốc sản xuất trong nước có thể biến động nhẹ phụ thuộc giá nguyên liệu nhập khẩu và sự thay đổi tỷ giá giữa VNĐ và các ngoại tệ mạnh…
Trong khi đó, giá bán xăng dầu điều chỉnh tăng từ 190-410 đồng/lít tuỳ loại kể từ ngày 9/8 được cho là sẽ tác động mạnh hơn trong tháng 9, so với ảnh hưởng của nó đến CPI tháng 8, do thời điểm điều chỉnh vào gần cuối kỳ chốt số liệu của tháng 8.
Lo ngại trên cũng được Tp.HCM chia sẻ. Sau 2 tháng liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng giảm tại đầu tầu kinh tế phía Nam, nhiều khả năng trong tháng tới CPI tại Tp.HCM sẽ tăng.
“Việc tăng tỷ giá vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng, bao gồm cả lương thực và thực phẩm. Chắc chắn lạm phát sẽ tăng hơn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Lâm Khôi, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM nói với lãnh đạo bộ chủ quản trong cuộc họp gần đây.
Lo ngại của vị này cũng xuất phát từ thực tế. Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá VND/USD liên ngân hàng theo hướng giảm giá đồng nội tệ 2,09%, nhiều hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã nhanh chóng được điều chỉnh lại giá bán.
Giá gas đã tăng 4-5 nghìn đồng/bình 12kg chỉ sau 1 ngày tỷ giá liên ngân hàng được áp mức giá mới. Trong khi, thông tin mới nhất cho biết, giá thép đã được nhiều doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh tăng thêm 500 nghìn đồng/tấn trong vài ngày gần đây.
Nhóm hàng tiêu dùng dường như nhạy cảm nhất với tỷ giá. Một số mặt hàng công nghệ đã bắt đầu tăng giá nhẹ, cùng với diễn biến này là các loại nước uống giải khát, hàng may mặc...
Nhiều nhận định cho rằng, sau điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng VND/USD thì việc tăng giá chỉ là vấn đề sớm hay muộn.
Thông tin trong buổi họp giao ban sản xuất tháng 8 vừa qua, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Bùi Hà cho rằng, với mức tăng 5,08% của chỉ số giá tiêu dùng đến hết tháng 8/2010, so với tháng cuối năm 2009, nếu CPI của 4 tháng còn lại tăng ở mức bình quân 0,5%/tháng thì có khả năng lạm phát năm nay chỉ tăng khoảng 7%.
Nhưng cũng theo ông Hà, trong cuộc họp mới nhất của các thành viên Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, bình quân mức tăng của CPI các tháng cuối năm có thể sẽ cao hơn.
Báo cáo tháng 8 của Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng chia sẻ quan ngại này. Trong khi diễn biến kinh tế thế giới còn bất định với sự phục hồi chậm của nhiều nền kinh tế lớn, Việt Nam sẽ còn gặp thêm những khó khăn nội tại từ tình hình dịch bệnh có nguy cơ lan rộng và gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp.
Sự thay đổi khí hậu dẫn tới các diễn biến thời tiết bất thường như lũ lụt, mưa to, bão lớn… làm tăng thêm ảnh hưởng đối với nuôi trồng và chăn nuôi, cũng như cản trở sản xuất công nghiệp và dịch vụ. “Đó sẽ là những nguy cơ gây bất ổn trong quan hệ cung - cầu - giá cả trên thị trường”, báo cáo của cơ quan này khẳng định.
(NDHMoney)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com