Trao đổi với báo giới, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, các kết quả dự báo từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô cho thấy, các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều cao hơn chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.
Cụ thể, theo kịch bản cơ bản, trong điều kiện bình thường, phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế thế giới và tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt tới 6,54%, xuất khẩu tăng 18,5%. CPI năm nay có thể tăng ở mức 8,54%, tuy cao hơn chỉ tiêu nhưng thấp hơn nhiều dự báo được đưa ra vào hồi đầu năm. Thậm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách vẫn lớn, tương ứng là 9,3% GDP và 6,1% GDP.
Tuy nhiên, theo ông Thành, vấn đề phải đặt ra lúc này, ngay khi các chỉ số kinh tế vĩ mô khá đẹp, vẫn phải kiên trì lựa chọn chính sách linh hoạt và thận trọng để ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng chính là giả định chính sách được sử dụng trong kịch bản cơ bản.
Lý do là, đang có quan điểm cho rằng, tăng trưởng GDP có thể cao hơn mức 6,5%. Cùng với đó, hàng tồn kho đang tăng mạnh; lạm phát có xu hướng giảm; cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư; kinh tế thế giới phục hồi dù có thể yếu ớt; tổng phương tiện thanh toán tăng gần 13%; cung tín dụng 7 tháng đầu năm cũng tăng khoảng 13% so với mục tiêu 25% cả năm... đang tạo dư địa nới lỏng cho chính sách tiền tệ và phần nào đấy là chính sách tài khoá.
Nếu như ưu tiên chính sách chuyển sang tập trung cho tăng trưởng theo các quan điểm này, kịch bản cao theo mô hình của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có thể xảy ra. Kịch bản này cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2010 có thể đạt tới 6,87%, thậm chí là 7%. Trong kịch bản này, đầu tư từ ngân sách và từ cung tiền sẽ tăng cao hơn kịch bản cơ bản tương ứng là 12% và 25%; thâm hụt thương mại và ngân sách nhà nước tăng mạnh (10,6% GDP và 6,6% GDP), dẫn tới lạm phát 9,7%.
Tuy nhiên, có thể thấy ngay rủi ro kinh tế vĩ mô ở kịch bản cao. Không những thế, trong các kịch bản cao, cơ bản và cả kịch bản thấp, lạm phát đều được dự báo ở trong khoảng 8,1% -9%, đều cao hơn mức chỉ tiêu của Quốc hội.
Thêm nữa, cũng phải nhắc tới việc Fitch hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+. "Các chuyên gia xếp hạng đủ thông tin để thấy rằng, chỉ số kinh tế vĩ mô 7 tháng của Việt Nam được cải thiện, song họ hạ điểm Việt Nam vì sự không nhất quán trong thông điệp chính sách", ông Thành phân tích.
Đây là một phần lý do mà ông Thành, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác lựa chọn sự thận trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, việc phối hợp với chính sách tài khóa tiếp tục được quan tâm hơn cả, nhất là khi quan hệ các khoản nợ của các tập đoàn với ngân hàng đang nổi lên nhiều vấn đề cần được đánh giá cẩn trọng. Cho tới thời điểm này, vai trò của chính sách tài khoá vẫn chưa được tận dụng, trong khi gánh nặng quá lớn vẫn tiếp tục đè lên chính sách tiền tệ.
Cũng phải nhắc tới lấn cấn trong thực hiện Thông tư 13/TT- NHNN của Ngân hàng nhà nước về việc nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9%. Rủi ro của hệ thống ngân hàng vẫn còn, khiến các cơ chế tăng cường hạn chế rủi ro được áp dụng. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, việc áp đặt thời điểm ngày 1/10/2010 hơi cúng và có vẻ chưa phù hợp. "Chúng ta trả giá quá nhiều cho bất ổn vĩ mô và giật cục của chính sách. Thị trường hiện cần một thông điệp rõ ràng. Chính sách điều hành cũng cần một dư địa để linh hoạt hơn", ông Thành khuyến nghị.
(Theo Khánh An // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com