TS Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI và ông Ataou Soufiano, Chủ tịch PTM và CN Benin ký thoả thuận hợp tác |
DĐDN VN – Châu Phi do VCCI tổ chức bên cạnh hội nghị quốc tế VN - Châu Phi lần 2 đã thu hút gần 200 DN VN và Châu Phi tham dự. Đặc biệt vấn đề khó khăn trong thanh toán ở các thương vụ làm ăn giữa hai cộng đồng DN được các DN “mổ xẻ” và tìm những giải pháp tháo gỡ.
Nhận định về tiềm năng hợp tác giữa VN và Châu Phi, TS Đoàn Duy Khương -Phó Chủ tịch VCCI cho rằng hai bên có tiềm năng hợp tác rất lớn, nếu biết phát huy sẽ tạo cơ hội lớn cho cộng đồng DN hai bên. Hiện VCCI đã thành lập cổng thông tin điện tử VN, Châu Phi, với nhiều hoạt động và cung cấp thông tin cho DN hai bên. Ông Issa Ouedraogo - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Burkina Faso cho rằng, hiện nay cộng đồng DN VN và Châu Phi đang rất thiếu hụt thông tin về thị trường của nhau. Vì vậy, theo ông cần có một đầu mối thông tin để các DN có thể tham khảo, chẳng hạn khi ký thoả thuận giữa các Phòng Thương mại Châu Phi với VN, cần thống nhất cổng thông tin DN, đặc biệt danh bạ DN cần có sự kiểm chứng của các cơ quan có thẩm quyền hai bên.
Khó khăn về thanh toán
Đại diện của TCty Lương thực miền Bắc, DN có nhiều thương vụ XK gạo sang thị trường Châu Phi phàn nàn điều khoản thanh toán là khó khăn chung của việc thực hiện hợp đồng bán gạo và hàng hoá đi Châu Phi. Thông thường các DN lần đầu giao dịch với Vinafood 1 không sẵn sàng chấp nhận điều kiện thanh toán L/C có xác nhận trong khi đây lại là thông lệ thanh toán quốc tế đối với các giao dịch lần đầu. Người mua hàng Châu Phi thường đề nghị các phương thức thanh toán ngoài L/C như nhờ thu hoặc chuyển tiền hoặc ứng trước 30% trị giá hàng, 70% còn lại thanh toán sau khi giao hàng hoặc khi hàng tới cảng dỡ... Theo vị đại diện này, tất cả những phương thức thanh toán này đều khó dẫn tới sự chấp nhận trừ phương thức L/C có xác nhận.
Trong khi đó vị đại diện Hiệp hội Điều cũng thừa nhận, trong quá trình giao dịch mua bán điều trực tiếp với các đối tác Châu Phi, các DN đã gặp nhiều vướng mắc không chỉ trong khâu thanh toán, mà cả với vận chuyển, giao hàng, chất lượng hàng giao... Thậm chí, trong năm 2008 – 2009 Hiệp hội đã phải phát đi nhiều cảnh báo đến các DN XK điều thô kém uy tín của Châu Phi để các DN này nghiêm chỉnh thực hiện các hợp đồng đã ký.
Ông Trần Ngọc Trung - TGĐ Cty Cổ phần đầu tư Vĩnh Phát còn cho biết, hiện Cty này đang kinh doanh XK gạo sang Algeria và Nam Phi, nhu cầu của Châu Phi nhập khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là gạo khá cao, riêng bản thân Vĩnh Phát mỗi năm XK khoảng 100 ngàn tấn sang khu vực này. Tuy nhiên, điều khó nhất hiện nay với Vĩnh Phát là không làm việc trực tiếp được với các DN Châu Phi do khó khăn trong khâu thanh toán. Giải pháp hiện nay là XK gạo sang thị trường này thông qua trung gian, qua một nước khác.
Ông Ataou Soufiano - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Benin cho rằng, đang có sự không tin tưởng giữa các đối tác. Nhiều DN Châu Phi và VN khi ký thoả thuận hợp tác đều đòi hỏi phải có sự kiểm chứng của một ngân hàng Châu Âu. Sự không tin tưởng có từ hai phía, có thể coi đây là rào cản lớn nhất hiện nay trong quan hệ thương mại giữa hai cộng đồng DN.
Trong khi đó, ông Alphonse Ngolo - Giám đốc Cty Ets Chandrel (Congo), Cty chuyên về XNK nông sản cho rằng, sở dĩ có sự khó khăn trong thanh toán, ngoài sự không tin tưởng lẫn nhau còn có một thói quen của các DN Châu Phi là khi làm ăn với các DN Châu Á nhất thiết các thư tín dụng của các ngân hàng Châu Á đều phải có sự kiểm chứng của một ngân hàng Châu Âu. Bên cạnh đó, các ngân hàng Châu Phi chủ yếu làm việc với các ngân hàng Châu Âu và thanh toán bằng Eur. Theo ông Alphonse Ngolo, vấn đề ở đây là rào cản niềm tin. Ví dụ hai bên có thể đưa ra hai ngân hàng đại diện để thoả thuận hợp tác, từ đó hai ngân hàng này có thể chứng nhận cho những ngân hàng khác. “Cần phải phá bỏ hàng rào này thì mới mong khởi sắc trong hợp tác đầu tư giữa các DN VN và Châu Phi” - ông Alphonse Ngolo khẳng định.
Đẩy mạnh hợp tác giữa các ngân hàng
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết: Chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng và hoàn thiện một lộ trình tổng thể thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng phát triển với Châu Phi trong giai đoạn 10 năm tới. |
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước thừa nhận hiện nay do nhiều lý do khách quan, quan hệ hợp tác VN - Châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng còn hạn chế. Hiện nay mới có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN và Ngân hàng Phát triển và Tín dụng Nông nghiệp Ai Cập ký bản thoả thuận về hợp tác kỹ thuật và quan hệ đối tác vào tháng 1/2010.
Trong năm 2009, lĩnh vực quan hệ thanh toán XNK chỉ có Ngân hàng Ngoại thương quan hệ với thị trường Nam Phi với tổng khối lượng giao dịch thanh toán XK khoảng 4,4 triệu USD và XK đạt trên 10 triệu USD... Còn Ngân hàng Công Thương chỉ thực hiện 17 giao dịch L/C nhập khẩu với tổng giá trị đạt trên 8,5 triệu USD và 23 giao dịch XK tổng giá trị đạt trên 1,5 triệu USD. Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông thực hiện 10 giao dịch L/C XK với tổng giá trị đạt gần 1 triệu USD và 9 giao dịch L/C nhập khẩu trị giá trên 500 ngàn USD.
Theo ông Bình, để hợp tác thương mại VN - Châu Phi đẩy mạnh, Chính phủ VN và Châu Phi cần nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ tín dụng cho các DN XNK nhằm thúc đẩy doanh số XNK giữa hai bên. Tạo điều kiện cho các DN tiếp cận trực tiếp với thị trường , thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng và phi ngân hàng cho các ngân hàng thương mại VN.
Về phía Ngân hàng nhà nước thời gian tới sẽ phối hợp với các ngân hàng trung ương các nước Châu Phi đàm phán, ký thoả thuận hợp tác ngân hàng. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế thanh toán phù hợp cho các DN VN có quan hệ buôn bán với Châu Phi cũng như phối hợp với các ngân hàng thương mại VN nghiên cứu thiết lập các hình thức hiện diện thương mại tại thị trường này.
Ông Ataou Soufiano cho rằng, để giải quyết vấn đề này, các DN cho rằng hai bên cần ngồi vào đàm phán, trao đổi để có thể ký kết một thoả thuận về hợp tác ngân hàng. Sắp tới, vào tháng 3/2011 hai bên sẽ tổ chức hội nghị giữa các ngân hàng của VN, Campuchia, Lào với các DN Châu Phi để tìm ra những hợp tác cụ thể, tạo niềm tin cho DN khi làm ăn.
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com