Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những vấn đề cần quan tâm khi cho vay trung và dài hạn với lãi suất thỏa thuận

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 07/2010/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn và có hiệu lực từ ngày 26-2-2010. Ðiều đó có nghĩa là ngân hàng có thể thỏa thuận với khách hàng để cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất trần cho các khoản vay trung và dài hạn.

Trước khi có thông tư này, các ngân hàng rất e ngại trong việc cho vay trung và dài hạn vì các khoản vay này được thực hiện trong thời gian dài, chi phí đầu vào cao mà lãi suất cũng không thể cao hơn lãi suất các khoản vay ngắn hạn, cao nhất chỉ bằng 150% lãi suất cơ bản. Do hạn chế về lãi suất đầu ra cho nên các ngân hàng hoặc là đã cộng thêm các loại phí để nâng lãi suất của các món vay trung dài hạn, hoặc là hạn chế cho vay. Với quyết định nêu trên có ý kiến cho rằng, đây được xem là dấu hiệu mở "nút thắt" về trần lãi suất cho vay, giúp đẩy vốn trung và dài hạn ra nền kinh tế.

Tuy nhiên, đại diện nhiều ngân hàng cho biết, quyết định này cũng không thể phát triển tín dụng trung và dài hạn mạnh ngay được vì tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào dự án vay có hiệu quả hay không. Trong khi đó nguồn huy động trung và dài hạn không có nhiều, chủ yếu là ngắn hạn. Trên thực tế, việc  NHNN  quyết định duy trì mức lãi suất cơ bản 8%/năm, huy động vốn sẽ khó hơn, cạnh tranh về huy động vốn cũng sẽ gay gắt hơn. Trần lãi suất huy động tiền gửi vẫn không thay đổi so với tháng trước, đứng ở mức 10,5%/năm. Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng khi tăng lãi suất đầu ra thì ngân hàng cũng phải tính đến tăng lãi suất đầu vào. Nhưng hiện nay các ngân hàng phần lớn cũng đã chạm trần lãi suất huy động đầu vào, chỉ còn giải pháp giảm lãi suất huy động của các kỳ hạn ngắn.

Có thể nói, việc nới lỏng lãi suất cho vay theo lãi suất thỏa thuận, mặt nào đó là liều thuốc cắt cơn sốt cho lãi suất đầu ra vốn một thời gian đẩy ngân hàng vào tình thế dễ dàng phạm luật. Ðó chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Về lâu dài, theo các chuyên gia, thị trường chỉ nên có một loại hình lãi suất thể hiện được cung cầu của thị trường. Việc duy trì hai chế độ lãi suất, cần hết sức minh bạch đối với các khoản vay, vì nếu không ngân hàng lại đứng trước sự rủi ro nữa về đạo đức của cán bộ ngân hàng.

Ngoài ra, đối tượng thực hiện lãi suất cho vay mở rộng thì việc kiểm soát mục đích các khoản vay phải hết sức nghiêm ngặt. Theo chuyên gia Thanh Hòa của Viện chiến lược ngân hàng, việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận dễ bị lợi dụng để đầu tư vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, đây cũng là một tác nhân đẩy lãi suất huy động lên cao, khiến cho lượng vốn cho vay sản xuất giảm đi. Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng với tư cách là giải pháp kích cầu tiêu dùng có khả năng kích thích nhu cầu trong nước, nhưng chưa hẳn đã tốt cho nền kinh tế nếu năng lực sản xuất trong nước không theo kịp với sự tăng lên của nhu cầu. Khi năng lực sản xuất tăng chậm hơn với nhu cầu, sự tăng lên về nhu cầu hàng hóa sẽ được bù đắp bằng hàng hóa nhập khẩu. Trong những năm gần đây, cán cân thương mại luôn thâm hụt không chỉ vì nhu cầu nguyên liệu máy móc cho sản xuất tăng lên mà khối lượng hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng tăng lên đáng kể.

Còn theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, hệ thống ngân hàng thương mại đang khó khăn trong việc huy động nguồn vốn trung hạn. Tâm lý lo lắng lạm phát của người gửi tiền và nhu cầu thanh khoản của một số ngân hàng thương mại, nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn. Do đó, không nên chờ đợi quá nhiều vào ngân hàng thương mại, mà cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể huy động vốn trực tiếp qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và tăng vốn qua thị trường chứng khoán. Như vậy, việc phát triển đồng bộ các công cụ của thị trường tài chính mới giải quyết căn nguyên các vấn đề tồn tại của lãi suất.

Theo Thông tư số 07/2010/TT-NHNN vừa ban hành, tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận đối với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Việc cho vay này bao gồm cho vay trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển; cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để trực tiếp phục vụ đời sống của cá nhân và hộ gia đình của khách hàng vay, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng gồm: cho vay để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng vay; cho vay để mua phương tiện đi lại; cho vay để chi phí học tập và chữa bệnh; cho vay để mua đồ dùng và trang thiết bị gia đình; cho vay để chi phí cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; cho vay theo phương thức thấu chi tài khoản cá nhân; cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

(Theo THÙY VÂN // Báo Nhân dân)

  • Nâng chất tăng trưởng
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Đề xuất chính sách kinh tế thời hậu khủng hoảng
  • Công bố nghiên cứu: Toàn cảnh cơ hội thương mại mới dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Châu Á
  • Giữ vững, mở rộng thị phần hàng Việt tại thị trường truyền thống
  • Việt Nam trong cạnh tranh toàn cầu
  • Nhức nhối nạn tảo hôn ở người dân tộc thiểu số
  • Tháng 3 sẽ tăng giá ở mức từ 0,5% đến 1%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi