Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Nói tư nhân không muốn làm là không sòng phẳng”

picture
“Không tiếp tục phân bổ vốn đầu tư mới vào các ngành mà khu vực tư nhân có khả năng...” là một nội dung trong đề án tái cơ cấu.

Như VnEconomy đã đưa tin, chiếm tới một nửa dung lượng của đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng là phần nói về 12 giải pháp chủ yếu.

Trong đó, ở nhiều hơn một giải pháp, không ít vấn đề liên quan đến doanh nghiệp đã được đề cập.

Như đổi mới cơ chế phân bố, quản lý và sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư nhà nước, tái cơ cấu nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước (giải pháp thứ ba).

Một trong nhiều nội dung cụ thể được nêu tại giải pháp này là “không tiếp tục phân bổ vốn đầu tư mới vào các ngành mà khu vực tư nhân có khả năng sẵn sàng đầu tư kinh doanh như dịch vụ thương mại, khách sạn, nhà hàng, kinh doanh bất động sản và một số ngành, lĩnh vực khác”.

Ngay sau đó, giải pháp tiếp theo cũng xác định tiếp tục cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng hơn, loại bỏ trên thực tế các ưu tiên, lợi thế do thể chế tạo ra đối với doanh nghiệp nhà nước so với các doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực: xây dựng, soạn thảo và tham vấn chính sách; tiếp cận thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, tiếp cận quyền sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tiếp cận vốn tín dụng, nhất là tín dụng đầu tư của nhà nước.

Hay, tiếp tục mở cửa thị trường các ngành, lĩnh vực kinh doanh độc quyền tự nhiên hoặc do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thống lĩnh hoặc giữ tỷ trọng chi phối. Hạn chế và tiến tới loại bỏ kiểm soát có hiệu quả vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực đó.

Có thể nói, ngay từ khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế mà một trong ba trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa trở thành trung tâm của dòng thời sự, thì việc thu hẹp “lãnh địa” của doanh nghiệp nhà nước cũng đã trở thành tâm điểm của nhiều diễn đàn và không ít phiên thảo luận tại nghị trường.

Một tuần trước, khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nội dung chính tại một diễn đàn kinh tế do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, không những chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình mà doanh nghiệp nhà nước còn chèn lấn cơ hội của các khu vực doanh nghiệp khác.

Một người khá dày công nghiên cứu về doanh nghiệp nhà nước, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra một hiện tượng trái chiều.

Đó là, một mặt, nhà nước cổ phần hóa các doanh nghiệp độc lập, có quy mô vừa và nhỏ trực thuộc các bộ ngành, địa phương, qua đó, giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước độc lập. Mặt khác, các tập đoàn, tổng công ty liên tục mở rộng quy mô kinh doanh đa ngành bằng cách thành lập, góp vốn cùng thành lập, thậm chí mua cổ phần, góp vốn vào hàng trăm doanh nghiệp khác, gồm cả các doanh nghiệp sở hữu tư nhân, chuyển chúng thành sở hữu hỗn hợp, phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước có liên quan.

So với hầu hết các nền kinh tế thị trường khác, doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam vẫn có quy mô và ảnh hướng rất lớn (về số lượng doanh nghiệp, tỷ trọng vốn, giá trị tài sản, đóng góp vào GDP…); hoạt động không chỉ trong các lĩnh vực độc quyền tự nhiên, các dịch vụ công ích, mà cả trong các ngành, lĩnh vực có thị trường cạnh tranh, gồm cả các ngành, lĩnh vực mà tư nhân có khả năng, sẵn sàng kinh doanh và đang kinh doanh tốt như nhà hàng, khách sạn, các khu nghĩ dưỡng, du lịch, xây dựng dân dụng, kinh doanh bất động sản…

Đặt vấn đề bản chất của khu vực doanh nghiệp nhà nước là được Nhà nước cấp vốn và các điều kiện khác để hoạt động trong những lĩnh vực mà các doanh nghiệp phi nhà nước không được, không thể hay không muốn tham gia, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, việc cấm các doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư ngoài ngành liên quan tới vai trò chức năng của khối này, chứ không phải là do doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, thua lỗ hay đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh, khi dùng vốn nhà nước và tài nguyên quốc gia thì nguyên tắc là doanh nghiệp nhà nước chỉ được làm những việc nhà nước cho phép, chứ không được tự do kinh doanh như thời gian qua.

Một vấn đề quan trọng trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo bà Lan là cần phải làm rõ, vậy những lĩnh vực nào tư nhân không được kinh doanh?

Luật hiện hành đã nói rõ một số lĩnh vực không được kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nhưng trên thực tế có rất nhiều quy định bất thành văn khác để tạo sân chơi riêng cho doanh nghiệp nhà nước, bà Lan nói.

Vị chuyên gia này cũng tỏ thái độ khá ngạc nhiên khi một người theo bà là “cấp tiến” như TS. Nguyễn Đình Cung mà vẫn nói là doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không được làm, không muốn làm hoặc không thể làm.

Theo bà, không được làm thì rõ, vì ở một số lĩnh vực luật pháp cấm hoặc đưa ra điều kiện mà doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng được.

“Còn không thể làm? Tại sao sau mười mấy năm cải cách, khi đã có khu vực tư nhân rất phát triển rồi mà vẫn quan niệm có những cái mà tư nhân không thể làm? Chúng ta đang ngồi trong cơ sở của ai (bà Lan phát biểu tại diễn đàn được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng - PV)? Liệu doanh nghiệp nhà nước có cơ sở thế này hay không? Tại sao cứ lấy lý do là tư nhân không thể làm được cái nọ cái kia?”, bà Lan đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Nói doanh nghiệp tư nhân không muốn làm, theo bà Lan lại càng vô lý khi mà không hề hỏi mà đã bảo là không muốn làm.

“Tôi cho là hiện nay rất nhiều lĩnh vực tư nhân chưa tham gia là do nhà nước dành đặc quyền cho doanh nghiệp nhà nước. Anh cứ dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước đủ các thứ ưu đãi rồi lại nói tư nhân không muốn làm thì tôi nghĩ điều đó là không sòng phẳng, là không đúng”, bà Lan nhấn mạnh.

(Theo Vneconomy)

  • Đề án tái cơ cấu kinh tế: Đâu là ưu tiên hàng đầu?
  • Bức tranh tổng thể nền kinh tế Việt Nam: Vẫn đầy lo âu
  • Thoát đình trệ - lạm phát: “Dung hoà” các giải pháp đối nghịch
  • Phân cấp: Tỉnh chủ động quá đà, quốc gia lãnh hậu quả
  • Bộ ngành cãi nhau: nông dân lãnh đủ
  • Những tồn tại kinh tế Việt Nam và đề xuất chính sách
  • Chiến lược và thủ đoạn
  • Các doanh nghiệp "khóc" gì khi "tất cả "cùng phá sản ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi