Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các tỉnh miền trung làm gì để phát triển kinh tế biển? Bài 2: Tầm nhìn mới về phát triển kinh tế miền biển

Dự án nuôi cá Bớp ở Lao Mái Nhà, xã An Hải, huyện Tuy An (Phú Yên)
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 phản ánh một tư duy mới, một quyết tâm chính trị trong phát triển đất nước nói chung và các tỉnh miền trung nói riêng. Vấn đề xây dựng thương hiệu và phát triển các trung tâm kinh tế biển, đảo nhằm khai thác tiềm năng, bảo đảm thích ứng chiến lược trong lĩnh vực đầu tư, khai thác những lợi thế từ biển của các địa phương để phát triển kinh tế bền vững.

 Xu thế phát triển và sự thích ứng

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới Chu Ðức Dũng cho rằng: Phát triển kinh tế biển, cần nhấn mạnh vai trò của các trung tâm kinh tế biển, nơi tập trung các hoạt động kinh tế biển, với cơ sở  hạ tầng phát triển. Các doanh nghiệp biển đạt hiệu quả cao nhờ các ưu thế của trung tâm về công nghệ, kinh tế quy mô, liên kết ngành, tiếp cận các nguồn lực thông tin. Ðặc biệt, vùng ven biển miền trung có vị trí địa kinh tế nổi trội trong việc thực hiện bứt phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng hiện đại, trên cơ sở phát huy cao nhất những lợi thế từ biển và sự phát triển trung tâm kinh tế biển, đảo...

Các tỉnh ven biển miền trung đã xác định rõ mục tiêu phát triển mạnh khu kinh tế biển, khu công nghiệp tập trung, khai thác cao nhất những lợi thế về lĩnh vực dầu khí, cảng biển, du lịch, đô thị ven biển và nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đồng thời làm căn cứ xuất phát đủ mạnh để khai thác vùng biển khơi và bảo vệ an ninh vùng biển, đảo trong khu vực. Trước mắt, tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục phát huy lợi thế khu kinh tế Dung Quất, cụm cảng nước sâu Dung Quất I và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến giao thông ven biển. Ðây là cơ sở để phát triển thành phố công nghiệp theo hướng quy hoạch mới lên 45 nghìn ha và phát triển cảng biển nước sâu vịnh Mỹ Hàn, hình thành tổ hợp công nghiệp nặng Dung Quất II. Cụm cảng biển nước sâu vịnh Mỹ Hàn rộng 2.721 ha, có độ sâu từ 10 đến 24 m rất lợi thế cho tàu hàng trọng tải hơn 300 nghìn tấn ra vào; và tạo động lực mới  thu hút các dự án đầu tư lớn vào khu vực này. Ngoài vai trò đầu mối để phục vụ việc nhập nguyên, nhiên liệu sản xuất và xuất sản phẩm cho các nhà máy công nghiệp nặng, Cảng Mỹ Hàn còn có khả năng hoạt động tạo giá trị gia tăng cho khu vực. Các ngành công nghiệp phụ trợ, phục vụ công nghiệp nặng, các trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ hàng hải... cũng sớm được hình thành chung quanh hệ thống cảng mới này. Nhà máy lọc dầu Dung Quất vừa được Chính phủ đồng ý nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm cũng là tiền đề thuận lợi cho việc tiếp tục đầu tư xây dựng tổ hợp công nghiệp lọc hóa dầu thứ hai tại Cảng nước sâu Mỹ Hàn - Dung Quất. Từ những đề án này, Dung Quất sẽ sớm trở thành vai trò hạt nhân tăng trưởng cho khu vực miền trung theo đúng nội dung Nghị quyết 39/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi cho biết: Tỉnh Khánh Hòa đang chuẩn bị các bước để tiến hành mở con đường xen giữa Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và khu phi thuế quan; kéo lưới điện ra Ðầm Môn; chuẩn bị phương án tuyến đường sắt nối cảng với đường sắt bắc - nam và tuyến đường bộ nối Ðầm Môn với quốc lộ 1A. Song điều khó nhất hiện nay là nguồn vốn xây dựng cảng. Ðể đạt công suất 17 triệu TEUs/năm (tương đương cảng trung chuyển quốc tế Xin-ga-po hiện nay) vào năm 2020, lượng vốn đầu tư vào đây phải ở mức hơn 3,5 tỷ USD. Huy động vốn đầu tư cho Vân Phong hiện vẫn là một bài toán rất khó. Cho nên, bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa của nhiều bộ, ngành Trung ương; sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả hơn nữa của Chính phủ trong thu hút vốn từ nhiều thành phần kinh tế đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Chính sách và những giải pháp

Ðể khai thác lợi thế kinh tế biển một cách có hiệu quả, các tỉnh miền trung chú trọng các giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển vùng biển, ven biển theo một chiến lược tổng thể, đồng bộ. Việc quy hoạch lâu nay các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành, nhưng chưa đồng bộ trong khai thác, quản lý thực hiện quy hoạch. Ðiều quan tâm hiện nay là cần đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển với tầm nhìn lâu dài. Trước mắt cần rà soát và hoàn chỉnh hợp lý hệ thống cảng bao gồm biển quốc gia, xây dựng một số cảng lớn, cảng nước sâu ở các vùng ven biển miền trung đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tạo những cửa lớn liên thông với quốc tế; hoàn chỉnh quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn dải ven biển. Hệ thống này phải bảo đảm gắn kết hợp lý với hệ thống cảng, giao thông trên biển và ven biển; xây dựng và khai thác có hiệu quả hệ thống sân bay ven biển, tuyến đường bộ ven biển, kể cả đường cao tốc bắc - nam và đường trên các đảo. Tập trung phát triển nhanh, bền vững các ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch và hải sản; xây dựng khu kinh tế biển, hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp tập trung, hình thành các khu du lịch ven biển. Xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, cơ sở hậu cần nghề cá, điều tra cơ bản tạo đà cho sự phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành có lợi thế như chế biến thủy sản, lọc hóa dầu; đóng và sửa chữa tàu thuyền, điện năng, sản xuất nước sạch. Thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và các ngành công nghiệp phụ trợ. Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống ở các địa phương.

Ðẩy mạnh xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Kết hợp chặt chẽ giữa du lịch biển với du lịch núi và du lịch di tích, danh thắng. Xây dựng, tôn tạo các điểm du lịch tham quan trong đất liền và trên các đảo trong khu vực. Nhất là quan tâm đầu tư xây dựng và tu bổ, khai thác các danh lam thắng cảnh mang nét độc đáo của từng địa phương. Tập trung đầu tư các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch lớn gắn với bảo vệ môi trường biển. Phát triển các cảng biển gắn với hệ thống đường giao thông ven biển; có chính sách hỗ trợ tái định cư và giúp xây dựng nhà ở kiên cố cho nhân dân vùng ven biển và chính sách khuyến khích đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản trên biển, vận tải biển. Khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các tập đoàn kinh tế mạnh của Trung ương để tăng cường năng lực quản lý, tài chính và công nghệ đủ sức tham gia khai thác kinh tế biển. Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện tàu, thuyền đưa đón khách, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Phối hợp các tỉnh trong vùng hình thành mạng lưới không gian du lịch miền trung. Hình thành đồng bộ các loại hình dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, vận chuyển khách du lịch.

Phát triển toàn diện ngành thủy sản, mở rộng phạm vi khai thác biển xa hơn và sâu hơn, kết hợp bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển; xây dựng đội tàu công suất lớn cùng cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền. Ðưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào khai thác. Tập trung đẩy mạnh ngành nuôi trồng để tăng sản lượng thủy sản; sử dụng hiệu quả diện tích ổn định, bền vững vùng nuôi; hình thành các trung tâm sản xuất, cung cấp giống cá biển, giống các loại thủy sản, thực vật biển... Nâng cao năng lực chế biến thủy sản, chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có hệ thống nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển. Xây dựng và phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với phát triển kinh tế biển. Ðẩy mạnh phối hợp Bộ Ngoại giao trong các hoạt động đối ngoại; giáo dục cán bộ và nhân dân nắm chắc luật pháp và tập quán quốc tế về biển để thực hiện đúng và giải quyết kịp thời, có hiệu quả các tranh chấp trên biển; không để xảy ra các điểm nóng.

Ðẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học - công nghệ biển. Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đủ tin cậy, phục vụ việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển các lĩnh vực liên quan biển; chủ trương, giải pháp về khoa học - công nghệ phải được coi là giải pháp đi trước, mang tính đột phá nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng khoa học phục vụ phát triển kinh tế biển. Ðầu tư phát triển hệ thống dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai, giảm đến mức thấp nhất rủi ro cho các hoạt động trên biển, ven biển. Khuyến khích việc xây dựng một số cơ sở đào tạo ngành, nghề về biển (đại học, cao đẳng, dạy nghề thuộc các thành phần kinh tế). Ðồng thời với việc phát triển nhân lực biển, phải coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội ở vùng ven biển, chú ý đến đời sống và bảo đảm an toàn tính mạng của những người hoạt động trên biển, đảo và nhân dân ở những vùng thường bị thiên tai. Có giải pháp mạnh để sớm giải quyết tốt vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở các xã ven biển, vùng bãi ngang. Tăng cường hợp tác liên tỉnh, liên kết bảo đảm đồng bộ về các chính sách, chỉ đạo và điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển nhằm tăng thêm sức mạnh và tạo thị trường cho sản xuất của vùng biển, ven biển.

Nhà nước sớm xây dựng  và ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm có thương hiệu trong kinh tế biển. Trước hết cần tập trung đầu tư đúng mức để khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển trong khu vực. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chiều sâu, cải tiến đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống quản lý các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, bảo đảm đủ sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế trong môi trường lựa chọn, đầu tư phát triển kinh tế biển hiện nay.

Các tỉnh miền trung cần xây dựng  những chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp, cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, để đủ sức thu hút đầu tư, khai thác các lợi thế từ biển. Nói đến kinh tế biển là nói đến cảng nước sâu, khu kinh tế, xây dựng sân bay tại các thành phố biển hay đua nhau xây dựng resort, sân golt ven biển..., Vì vậy, khi đầu tư khai thác những lợi thế kinh tế biển cần lựa chọn đề án thích hợp, tránh sự chồng lấn, đầu tư manh mún, hiệu quả kinh tế thấp.

(Bài và ảnh: MINH TRÍ, PHONG NGUYÊN và TRÌNH KẾ // Nhandan Online)

  • Các tỉnh miền trung làm gì để phát triển kinh tế biển? Bài 1 Ðánh thức tiềm năng biển
  • Đưa TMĐT vào hoạt động sản xuất và kinh doanh
  • Có “vùng cấm” trong giám sát các tập đoàn?
  • Giải pháp mới góp phần bình ổn giá sữa
  • Sự thật sau cái bẫy!
  • Bỏ HĐND quận, huyện, phường: Lo “khoảng trống” dân chủ?
  • Kinh tế Việt Nam như con hổ tiến về phía trước!
  • Điểm tựa của doanh nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi