Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển doanh nghiệp Vừa và Nhỏ (Kỳ 1)

Xuất phát phần lớn từ kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã, các DN vừa và nhỏ (DNV&N) đã trải qua một chặng đường chuyển mình đầy gian nan, thử thách với không ít thất bại nhưng cũng có nhiều thành công.
 
Sự phát triển vượt bậc về số lượng các DNV&N đã khẳng định sức sống mãnh liệt của khu vực kinh tế được đánh giá là năng động và hiệu quả nhất hiện nay. Những đóng góp của họ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước rất đáng kể, trong đó có vai trò "bà đỡ" của Nhà nước cũng như sự nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp (DN).

Tăng trưởng ấn tượng

Nằm tại khu công nghiệp Ðồng Văn (Hà Nam), Nhà máy chế biến thực phẩm Ðồng Văn của Công ty Trung Thành (Hà Nội) là nơi sản xuất, chế biến hơn 100 loại sản phẩm mang thương hiệu Trung Thành, một thương hiệu Việt khá quen thuộc với không ít chị em nội trợ. Từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ ở Mai Ðộng (Hà Nội) chuyên bán nước mắm, đến năm 1995, Công ty Trung Thành chính thức thành lập với chức năng chế biến và kinh doanh gia vị thực phẩm. Sau gần 15 năm hoạt động, Trung Thành đã xây dựng được một nhà máy chế biến và mở hai chi nhánh tại Hà Nam và TP Hồ Chí Minh. Từ sản phẩm ban đầu là nước mắm, Trung Thành bắt đầu mở rộng ra nhiều dòng sản phẩm khác như tương ớt, dấm, nước tương, rau quả đóng lọ và đến nay, sản phẩm mang thương hiệu Trung Thành đã được phân phối tại hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sang một số nước như Trung Quốc, Anh, Mỹ, Nga, khu vực Ðông Âu...  

Trung Thành chỉ là một trong hơn

400 nghìn DNV&N trên cả nước đang có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), đến hết năm 2009, cả nước có khoảng 420 nghìn DN đăng ký kinh doanh, trong đó DNV&N chiếm 97%. Giai đoạn 2000-2009 chứng kiến tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng về số lượng DN đăng ký kinh doanh, trong đó chủ yếu là các DNV&N. Nếu như năm 2000, số lượng DN đăng ký kinh doanh là hơn 14 nghìn DN thì chỉ sau chín năm, con số này đã tăng gấp 29 lần. Ðiều đặc biệt là số lượng DN đăng ký kinh doanh mới luôn có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, thậm chí, trong hai năm 2008 và 2009 vừa qua, mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động bất lợi, nhưng số lượng DN đăng ký kinh doanh mới vẫn tiếp tục gia tăng. Năm 2008 tăng 12,2% so với năm 2007 và năm 2009 tăng 29,4% so với năm 2008. Một tính toán mới đây của các chuyên gia kinh tế cho thấy, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ 5 DN/1.000 dân và đang tiếp cận dần tới mức trung bình là 9-10 DN/1.000 dân của nhiều nước khác trong khu vực. Không chỉ gia tăng về số lượng  mà quy mô vốn của các DN cũng tăng dần theo thời gian, tính chung giai đoạn 2000-2008, quy mô vốn đăng ký trung bình của một DN tăng gấp chín lần. 

Mặc dù chưa có một kết quả điều tra chính thức, toàn diện về việc tăng quy mô vốn chủ sở hữu, doanh thu thuần, lợi nhuận, tổng tài sản... của khu vực DNV&N những năm gần đây nhưng thực tế cho thấy những chỉ tiêu này của DNV&N đều tăng khá nhanh. Công ty TNHH Tiên Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa), từ một DN tư nhân nhỏ, sau gần 10 năm hoạt động đã phát triển thành một DN lớn mạnh, có số vốn sở hữu hàng trăm tỷ đồng, từ ngành nghề kinh doanh chính là làm sản phẩm sơn mài mỹ nghệ xuất khẩu nay đã mở rộng phát triển thêm nghề may gia công xuất khẩu, sử dụng 1.400 lao động.

Tại huyện Nam Trực (Nam Ðịnh), Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Châu Thành tiếp nhận từ một DN nhà nước về cơ khí nông nghiệp cổ phần hóa, vốn âm hơn 500 triệu đồng, nhưng nhờ biết bố trí sử dụng, xử lý hiệu quả tài sản, thiết bị, năng động, sáng tạo trong điều hành tài chính, quản trị DN, từ năm 2003 đến năm 2006, công ty đã trả hết nợ. Ðến nay, công ty có tổng tài sản hơn 10 tỷ đồng, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại...

Công ty cổ phần Ðăng Hải (TP Ðà Nẵng) chuyên sản xuất bê-tông thương phẩm với số vốn đầu tư ban đầu chỉ năm tỷ đồng, sau ba năm hoạt động, đã có vốn sở hữu hơn 30 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 10 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương...

Có thể thấy, các DNV&N có vốn đầu tư ban đầu tuy không lớn nhưng được hình thành và phát triển rộng khắp ở cả thành thị và nông thôn, ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, lấp vào khoảng trống thiếu vắng của các DN lớn, tạo điều kiện cho nền kinh tế quốc dân khai thác mọi tiềm năng, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Sự phát triển tích cực của khu vực DN này đã góp phần cơ bản tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Môi trường kinh doanh được cải thiện

Theo Cục trưởng Phát triển DN Hồ Sỹ Hùng, nhân tố chính góp phần vào sự gia tăng nhanh chóng số lượng DN chính là nhờ môi trường kinh doanh tích cực được cải thiện. Hoạt động đăng ký kinh doanh của DN được cải cách mạnh mẽ, từ chỗ DN xin phép được kinh doanh sang đăng ký với chính quyền về sự tồn tại của pháp nhân DN. Các nhà đầu tư có toàn quyền thành lập DN và tiến hành đăng ký kinh doanh trong tất cả các ngành nghề pháp luật không cấm. Hiện tại, các DNV&N khởi sự kinh doanh dễ dàng hơn nhiều so với một vài năm trước đây. Hầu hết các địa phương đã hình thành cơ chế một cửa liên thông trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với DN. Nhờ đó, thủ tục, thời gian và chi phí liên quan thành lập DN đã thật sự được cắt giảm. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của DNV&N cũng ngày càng được hoàn thiện. Năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định về trợ giúp phát triển DNV&N (Nghị định số 90/2001/NÐ-CP). Ðây là văn bản pháp lý đầu tiên khẳng định nhất quán chính sách trợ giúp phát triển DNV&N, là cơ sở pháp lý và định hướng quan trọng để các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai chính sách trợ giúp DNV&N. Ðến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 236/2006/QÐ-TTg về kế hoạch phát triển DNV&N giai đoạn 2006-2010, xác định rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các mục tiêu và phát triển DNV&N, các nhiệm vụ chủ yếu và các nhóm giải pháp... Trên cơ sở Nghị định số 90/2001/NÐ-CP và kế hoạch phát triển DNV&N năm năm (2006-2010), một loạt các chính sách trợ giúp DNV&N đã được triển khai, bước đầu đi vào cuộc sống và có những tác động tích cực tới sự phát triển của cộng đồng DNV&N. Ðiển hình như Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNV&N, sau hơn bốn năm thực hiện, đã tổ chức được hơn ba nghìn lớp đào tạo cho DNV&N. Số học viên tham gia các khóa học tăng trung bình 70%/năm và nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương tăng trung bình hơn 46%/năm, thể hiện sự quan tâm ngày càng cao của các cấp chính quyền địa phương trong việc trợ giúp phát triển DNV&N. Tỉnh Ninh Bình, hằng năm dành từ 500 triệu đến một tỷ đồng ngân sách địa phương hỗ trợ khu vực DNV&N thông qua các chương trình như truyền nghề, nhân cấy nghề, tham gia hội chợ, triển lãm... Ðặc biệt, từ năm 2002 đến 2008, tỉnh đã đầu tư 1.314 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp: Ninh Phúc, Gián Khẩu và hạ tầng các nhà máy xi-măng, tạo môi trường thu hút các DN đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Ninh Bình, Hà Quang Ðiệp cho biết, thực hiện chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, Chương trình khuyến công quốc gia, trung tâm đã trợ giúp DNV&N bằng việc đào tạo nghề cho người lao động; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực quản trị DN cho doanh nhân; quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp, làng nghề; xây dựng, quản trị trang thông tin điện tử, giúp DN giới thiệu sản phẩm, giao dịch với khách hàng trong nước và quốc tế... Nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho DNV&N tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Nam Ðịnh là một trong những địa phương tiến hành quy hoạch, đầu tư xây dựng 20 cụm công nghiệp với tổng diện tích 338,9 ha, tổng mức đầu tư 562,1 tỷ đồng.

Năm 2009, DNV&N là khu vực DN bị tác động rõ nhất từ cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất và miễn, giảm, giãn thuế cho DNV&N. Hai chính sách này đã có tác động tích cực và thiết thực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt đã giúp nhiều DNV&N vượt qua được giai đoạn khó khăn, duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong nhiều năm qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực DNV&N. Nhưng trước hết là sự nỗ lực, năng động, sáng tạo, không ngừng vươn lên của các DNV&N, yếu tố quyết định sự phát triển vượt bậc của các DNV&N. Ðến Bến Lức (Long An) không ai không biết đến tên DN Thịnh Phát chuyên kinh doanh chế biến gạo. Với cơ ngơi ba kho gạo có sức chứa khoảng 80 nghìn tấn, hai dây chuyền tải gạo cho sà-lan ăn gạo ở bến sông, khó có thể hình dung mới hơn chục năm trước hai anh em nhà Thịnh Phát còn truân chuyên buôn bán đủ nghề. Sự phát triển nhanh chóng vượt bậc có tính chất bản lề của DN Thịnh Phát đó là nhờ sự đầu tư đúng đắn khi nhập các thiết bị phù hợp năng lực tài chính cũng như khả năng quản lý của họ. Nhờ có việc đầu tư băng chuyền, DN giải phóng từ 70 đến 80% lao động bốc dỡ thủ công, từ đó, việc quản lý chất lượng hàng hóa, quản lý nhân sự trở nên hiệu quả hơn, chưa kể chi phí sản xuất giảm đáng kể. Bên cạnh đó, khả năng phán đoán, tài chính, kinh nghiệm và sự tôi luyện trong nghề đã khiến DN đạt được những thành quả như hiện nay.

Chúng tôi đến DN tư nhân Cỏ May chuyên chế biến, kinh doanh lương thực, thức ăn thủy sản tại khu Công nghiệp Sa Ðéc (Ðồng Tháp). Giám đốc Phạm Văn Bền cho biết, tiền thân của DN là hợp tác xã Cỏ May chuyên sản xuất xà-phòng nhãn hiệu Cỏ May từ những năm 80 thế kỷ trước. Cỏ May đã từng trải qua những bước thăng trầm như Giám đốc Bền ví von là người sống sót sau khi máy bay rơi. Ðó là thời điểm  năm 1989 khi lạm phát phi mã, DN điêu đứng trước những khoản nợ ngân hàng, khi đó lãi suất lên đến 12%/tháng. Ðứng trước nguy cơ mất khả năng chi trả đối với ngân hàng, nhiều DN tìm cách giấu giếm, nhưng bên cạnh những nỗ lực cứu vớt DN của mình, ông đã thẳng thắn gặp gỡ ngân hàng nêu những khó khăn của mình đề nghị ngân hàng cùng chung tay giúp đỡ. Kết quả DN của ông đã vượt qua được sự phá sản và gây dựng được một niềm tin bền vững với ngân hàng. Cỏ May không quảng cáo, tiếp thị ồn ào, triết lý của ông Bền là làm những sản phẩm mà đem lại lợi ích cho người sử dụng. Làm một gói mỳ hỏng có thể quẳng gói mỳ đi nhưng làm một bao sản phẩm thức ăn cho cá hỏng, người nuôi trồng thủy sản có thể mất đi hàng tỷ đồng cá giống. Chính vì vậy, ông luôn coi trọng chất lượng và không cần bất kỳ sự đánh bóng nào. Vượt qua được mọi sự xét nét của khách hàng, đó là  thành công của người sản xuất, người tiêu dùng chính là người quảng cáo sản phẩm cho Cỏ May. Ðiều này được minh chứng khi thị trường cá tra, cá ba sa gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, diện tích nuôi trồng giảm 40%, nhưng DN Cỏ May vẫn không đủ hàng để bán. Với triết lý của người Á Ðông "hữu xạ tự nhiên hương", ông Bền dùng chính chất lượng sản phẩm của mình để thu hút khách hàng như chính khẩu hiệu được căng tại xưởng "Chất lượng thay lời nói".

 

(Theo nhandan)

  • Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ - Kỳ 2: Để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững
  • Tạo thuận lợi hơn cho Công ty chứng khoán đi vào hoạt động
  • Việt Nam cần một bộ chỉ số để đánh giá tham nhũng
  • Bao giờ giảm giá xăng dầu?
  • Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) : Đà Nẵng cầu thị
  • Việt Nam, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
  • Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2010: Gỡ khó, cán đích
  • Bình ổn giá cả cuối năm: Cần có đối sách hợp lý
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi