Diễn đàn Kinh tế thế giới về Ðông Á (WEF Ðông Á) 2010 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Ðây là lần đầu tiên WEF Ðông Á được tổ chức tại Việt Nam, một nước đang phát triển, thay vì các nền kinh tế mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po. Với Chủ đề "Nâng cao vai trò của Ðông Á", diễn đàn lần thứ 19 này đã đưa ra các định hướng chiến lược, phương hướng hợp tác để các nền kinh tế Ðông Á phát triển nhanh, cân bằng bền vững thời kỳ hậu khủng hoảng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 ở Ðông Á, các nền kinh tế gặp không ít khó khăn, nhưng bước đầu đã đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng.
Ðược cho là khu vực có tốc độ phục hồi nhanh nhất, trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, tăng trưởng kinh tế chung của Ðông Á là 7%, trong khi tăng trưởng của thế giới chỉ 3,2%. Khu vực này cũng đang trở thành một trong những đầu tàu tăng trưởng kinh tế của thế giới qua việc thu hút 53 tỷ USD vốn đầu tư chảy vào các quỹ chứng khoán mà các nước Ðông Á được hưởng thụ nhiều nhất. Trong giai đoạn hậu khủng hoảng toàn cầu, các ngân hàng tầm trung bình tại châu Á đã chứng tỏ được sức chống đỡ tốt hơn so với các ngân hàng phương Tây. Tuy nhiên hệ thống ngân hàng ở châu Á cần nâng cao tính thanh khoản cũng như nhanh chóng chuyển dịch lượng tiền tiết kiệm sang đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp.
Riêng với Việt Nam, hạ tầng cơ sở có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực của một chính phủ, một quốc gia trong điều kiện kinh tế còn thấp thì rất khó có điều kiện phát triển hạ tầng. Việt Nam có thu nhập đầu người hiện nay hơn 1.000 USD, huy động ngân sách qua thuế, phí chỉ đạt 20% tổng GDP quốc gia, lại phải lo chi cho nhiều nhu cầu khác nhau nên không thể dành nhiều nguồn lực cho đầu tư hạ tầng. Ðiều này đòi hỏi Việt Nam phải huy động đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước (theo cơ chế PPP), nguồn tài trợ của các tập đoàn, quốc gia các định chế tài chính quốc tế, viện trợ ODA mới có khả năng phát triển nhanh hạ tầng.
Xu thế tất yếu nền kinh tế hiện nay là thị trường toàn cầu hóa. Mỗi quốc gia tùy điều kiện cụ thể mà lựa chọn lợi thế của mình vừa hướng về xuất khẩu để phát huy lợi thế và mở rộng thị trường trong nước nhằm phát triển bền vững một cách hiệu quả. Việt Nam có 87 triệu dân, mỗi năm tăng thêm 1,1 triệu người, tương lai không xa sẽ đạt 100 triệu dân. Ðể tăng nhu cầu sức mua nội địa, mở rộng thị trường trong nước, điều quan trọng là phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Năm 2010,
kinh tế Việt Nam dự kiến tăng 6,5 đến 7%, từ năm 2011 đến năm 2020 tăng trưởng sẽ là 7 đến 8 %. Ðây là yếu tố quyết định để Việt Nam mở rộng thị trường. Tăng trưởng kinh tế cao, đời sống người dân được cải thiện thì thị trường trong nước mới mở rộng.
Cùng với việc đánh giá cao vai trò của Ðông Á, các nhà lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới còn có chung nhận định riêng về Việt Nam.
Ngài W. Mun-lơ, thành viên HÐQT, Tập đoàn Metro (Ðức): Ðông Á sẽ là đối tác và là động lực kinh tế với sự tăng trưởng dân số, kéo theo tăng trưởng về tiêu dùng nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Khả năng tái sản xuất của châu Á cũng lớn hơn nhiều, đồng thời sẽ là khu vực quyết định tăng trưởng của thế giới. Trụ sở chính của Metro hiện ở Ðức và chúng tôi đã có mặt ở Việt Nam để kinh doanh từ hàng chục năm nay. Ở khu vực đại bản doanh, việc kinh doanh vẫn chưa đạt như ý muốn, trong khi ở châu Á, năm 2009 tăng trưởng đạt hai con số. Riêng tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng 5%/năm của Metro sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư với tổng vốn ban đầu 120 triệu USD. Hiện Metro đã có chín siêu thị tại Việt Nam, sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư thêm bốn siêu thị nữa. Tôi cho rằng, châu Á sẽ quyết định tăng trưởng của Metro trong thời gian tới.
Ngài An-đrây Kô-xtin, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Ngân hàng VTB Bank (Nga): Nếu như mươi, mười hai năm trước châu Á chỉ chuyên nhập khẩu và gia công là chính thì nay đã thành nhà xuất khẩu tư bản ra bên ngoài. Sự phản ứng của các quốc gia ở khu vực châu Á sau khủng hoảng cũng hết sức tích cực. Ngoài đồng USD và EUR dùng trong thanh toán thương mại, châu Á nên chăng có một dòng tiền chung để dự trữ và thanh toán. Tuy nhiên đây là công việc không dễ dàng vì còn dựa vào sự hội nhập, quan hệ song phương, nhất là nghiệp vụ ngân hàng tài chính ở các nước châu Á đã hội nhập chuyên ngành trên thương trường quốc tế hay chưa? Hội nhập của các quốc gia châu Á có nhiều việc phải làm hơn khu vực châu Âu, bởi các quốc gia châu Á phát triển chưa đồng đều, nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp với yêu cầu thanh toán quốc tế. Tôi cũng cho rằng nhiều thành phố ở châu Á sẽ trở thành trung tâm tài chính của thế giới và một Việt Nam thân thiện, năng động có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển, chính phủ hợp tác và cởi mở sẽ góp phần tích cực trong việc trao đổi, nêu chủ đề cũng như đề xuất cách giải quyết các chính sách hậu WEF nói chung, trong đó TP Hồ Chí Minh - một trong những địa điểm hấp dẫn nhà đầu tư - đã góp phần cho Diễn đàn WEF thành công trên cả dự kiến.
Ngài M. Nê-ru-ka, Tổng Giám đốc Tập đoàn TATA Steel (Ấn Ðộ): Là một quốc gia châu Á, Ấn Ðộ cũng đang hợp tác với nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Riêng với tập đoàn TATA, chúng tôi rất muốn đầu tư vào Việt Nam. Dự án trước mắt của TATA là đầu tư 5 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất thép ở Hà Tĩnh. Chúng tôi cũng tính tới thành lập một nhà máy sản xuất ô-tô và một dự án đầu tư xây dựng một đô thị hiện đại. Hiện nhà máy thép chưa thể triển khai do các chính sách chưa nhất quán từ phía địa phương, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì chờ đợi.
Ngài A-lanh Ca-my, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam: Kinh tế của Việt Nam 10 năm qua là những con số đầy ấn tượng với tiềm năng to lớn. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế ổn định và bền vững, Chính phủ Việt Nam phải lựa chọn và nhanh chóng đưa ra những quyết định hợp lý. Việt Nam phải quyết liệt hơn trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thí dụ ngành viễn thông, dù đang phát triển tốt, nhưng đây là lĩnh vực phát triển nhanh về công nghệ nếu chần chừ trong việc cổ phần hóa sẽ làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Việt Nam cần thay đổi chiến lược thu hút FDI. Cụ thể là trong báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thấy nhiều bằng chứng về tác dụng lan tỏa của FDI đối với phần còn lại của nền kinh tế trong việc nâng cao năng suất và trình độ công nghệ. Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu nhờ yếu tố chi phí nhân công thấp...
Ðể tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, chính phủ cần cam kết tiếp tục thực hiện lộ trình WTO. Ðiều quan trọng là không chỉ tận dụng giá lao động cạnh tranh mà phải có chính sách hợp lý để phát triển chuỗi cung ứng nội địa nhằm tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm Việt Nam đồng thời có chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cũng như ổn định chính sách kinh tế - xã hội.
Ðiều đó có nghĩa là Việt Nam cần một chiến lược kinh tế tổng thể, toàn diện để vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vừa tăng cường năng lực vi mô của nền kinh tế. Có như vậy mới thu hút và tạo điều kiện giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư.