Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Phát triển xanh" cần phải là một hướng ưu tiên

"Phát triển xanh" cần là hướng ưu tiên trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế châu Á và thế giới. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Ngày 20/5, phát biểu tại Diễn đàn Tương lai châu Á lần thứ 16 ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định "phát triển xanh" cần và phải là một hướng ưu tiên trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế của các nước châu Á và trên thế giới.

Tại phiên họp đầu tiên với chủ đề “Nền kinh tế châu Á: Các con đường dẫn tới tăng trưởng bền vững,” Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các nền kinh tế châu Á “cần phải xây dựng một mô hình đảm bảo được sự phát triển bền vững hơn, xanh hơn, cân bằng hơn.”

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang trong quá trình từng bước tái cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần các doanh nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và thay thế bằng các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả năng lượng, công nghệ thân thiện với môi trường, với chi phí hợp lý, đồng thời với việc tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch, năng lượng tiết kiệm chi phí, và năng lượng tái chế, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, đây không phải là con đường dễ dàng và bằng phẳng đối với mọi quốc gia và nguy cơ "khoảng cách xanh" là không thể loại trừ.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hỗ trợ về kinh nghiệm cũng như công nghệ của các quốc gia đi trước trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Nhật Bản nghiên cứu xây dựng Trung tâm xúc tiến phát triển công nghệ xanh ASEAN-Nhật Bản.

Theo Phó Thủ tướng, Nhật Bản có thể giới thiệu với các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học và các nhà quản lý doanh nghiệp ASEAN về các công nghệ xanh mà Nhật Bản đã áp dụng thành công. Từ đó, Nhật Bản có thể hỗ trợ các nước xây dựng chính sách công nghệ xanh, đồng thời hỗ trợ lãnh đạo các doanh nghiệp phát triển chính sách doanh nghiệp trên cơ sở công nghệ xanh. Sau đó, các nước ASEAN có thể cùng những nước phát triển như Nhật Bản xây dựng trung tâm phát triển xanh tại các quốc gia kém phát triển hơn ở khu vực châu Á nhằm hỗ trợ và khuyến khích những doanh nghiệp sở tại áp dụng công nghệ xanh một cách hiệu quả.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng thảo luận với Nhật Bản hoặc Hàn Quốc về việc xây dựng những trung tâm công nghệ xanh như vậy tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc ở Hà Nội và các thành phố khác ở Việt Nam.”

Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập tới sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên ASEAN. Phó Thủ tướng cho rằng trình độ phát triển giữa các nước ASEAN và nhiều nước trong khu vực châu Á vẫn chưa thực sự cân xứng. Tuy nhiên, việc đồng bộ hóa các quy định và cam kết vẫn là vấn đề cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế khu vực châu Á trong hiện tại và tương lai. Trước mắt, các quốc gia có thể đi từ dễ đến khó, xây dựng khung hợp tác đồng bộ và từng bước tiến tới các vấn đề cụ thể hơn.

Về ý tưởng xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực châu Á, Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm của Việt Nam dưới góc độ của một nước thành viên ASEAN, cho rằng cho dù được xây dựng với hình thức và quy mô nào thì quan hệ đối tác kinh tế khu vực châu Á nên đảm bảo được các tiêu chí nhất định như phải dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và không gây tác động tiêu cực đối với bên thứ ba, cần phải có sự đồng bộ và hài hòa.

Khác với năm ngoái, diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tiếp tục đà phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự kiến ở hầu hết các khu vực. Phó Thủ tướng cho rằng trong bức tranh sáng sủa hơn của nền kinh tế thế giới, châu Á đang dẫn đầu quá trình phục hồi.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, sự phục hồi này không đồng đều và chưa bền vững. Kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn như tỷ lệ nợ công cao chưa từng có, thâm hụt ngân sách, nguy cơ lạm phát, thất nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhắc lại các đề xuất mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra tại Diễn đàn Tương lai châu Á năm 2009 nhằm giúp các nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, trong đó có việc tăng cường, mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước ASEAN, tăng tỷ trọng giao thương và đầu tư với các nền kinh tế châu Á khác.

Về Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2010 sẽ là năm "bản lề" để ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN và hoạt động thực sự trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã đề ra chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2010 là: “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động.”

Về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Phó Thủ tướng khẳng định Nhật Bản luôn là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới và khu vực, Nhật Bản vẫn luôn dành sự hỗ trợ lớn cho Việt Nam. Đó là sự giúp đỡ vô cùng quý báu mà nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng. Phó Thủ tướng bày tỏ hy vọng chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Cũng tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực giỏi tiếng Nhật ở Việt Nam, “phát triển xanh,” quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Nhật./. 

(TTXVN)

  • 'Việt Nam - lựa chọn mới ở châu Á'
  • 3 năm gia nhập WTO: Gấp rút tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam cần tìm đường riêng, không để các lực đẩy dẫn đi
  • Doanh nghiệp CNTT: "Định nghĩa về dịch vụ CNTT còn ôm đồm"
  • Doanh nghiệp CNTT còn thiếu "giấy thông hành quốc tế"
  • Nguồn nhân lực: Doanh nghiệp không thể phó mặc cho xã hội
  • Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5% cho năm 2011
  • Doanh nghiệp khổ vì chính sách thuế bất nhất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi