![]() |
Vinamit là một trong những doanh nghiệp tư nhân khá thành công trong lĩnh vực chế biến hàng nông sản. Ảnh: Lê Toàn. |
Nhiều năm qua, tỷ lệ vốn của khu vực dân doanh thường chiếm tỷ lệ thấp trong tổng vốn đầu tư phát triển và việc tham gia đầu tư cũng như kinh doanh không những không được khuyến khích, mà còn gặp nhiều trở ngại.
Đi lên từ một nước nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh nhiều năm tàn phá, việc tập trung sức cho đầu tư phát triển là điều hết sức cần thiết. Số liệu thống kê cho thấy: ở nước ta, trong nhiều năm qua, tổng vốn đầu tư thường chiếm tỷ lệ khoảng từ 35-42% GDP, năm cao nhất (2007) là 46,5%. Đây là một tỷ lệ khá lớn, nếu so với nhiều nước ở cùng thời điểm như nước ta. Tuy vậy vấn đề lớn là hiệu quả kinh tế của đầu tư, tức là một đồng vốn bỏ ra tạo được bao nhiêu giá trị mới. Nếu lấy hệ số ICOR được sử dụng phổ biến hiện nay, có thể thấy nếu năm 2005 hệ số này là 4,75; năm 2006 là 5,04; đến năm 2007 đã là 5,38; và năm 2009 lên đến 8. So với các nước trong khu vực, hệ số này cao hơn khá nhiều, cũng tức là hiệu quả kinh tế thấp hơn họ khá nhiều (mức được coi là hiệu quả trong điều kiện như Việt Nam là 3-4). Gần đây, tác giả Phạm Lê Hoa đã đưa ra những tính toán mới về hệ số ICOR nếu tính theo giá so sánh, thì thời kỳ 2001-2006, hệ số này là 7,24; thời kỳ 2002-2007 là 7,58; thời kỳ 2003-2008 là 8,36; nếu tính riêng từng năm thì năm 2007 là 8,59; năm 2008 là 11,44; năm 2009 là 14,22 (*) . Nếu đúng như vậy, thì tình hình thực sự rất đáng lo ngại. Cũng cần nói thêm, tuy tăng trưởng của nước ta mấy năm qua đạt mức cao (nếu năm 2010 đạt mục tiêu 6,5% thì bình quân thời kỳ 2006-2010 đạt 6,96%/năm và tính chung thời kỳ 2001-2010 đạt 7,24%/năm), song tăng trưởng chưa bền vững. Lý do là tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố tăng vốn (đóng góp khoảng 57,5%), tăng số lượng lao động (đóng góp khoảng 20%), còn năng suất các yếu tố tổng hợp (hiệu quả đầu tư, năng suất lao động...) lại thấp và chỉ đóng góp khoảng 22,5%. Đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp Đáng quan tâm nhất là đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước - thường gọi là đầu tư công, bao gồm đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn ODA, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, vốn trái phiếu và các loại vốn vay khác trong nước và ngoài nước. Nguồn vốn này những năm trước thường chiếm đến trên dưới 50% tổng vốn đầu tư, mấy năm gần đây tuy có giảm song vẫn còn chiếm khoảng 30%. Nguồn vốn đầu tư công này nhằm xây dựng những công trình có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển (như điện, than, giao thông), nhưng lại rất kém về chất lượng và hiệu quả. Tình trạng chậm tiến độ đã được coi là “bệnh kinh niên” của đầu tư công: theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu như năm 2006, số dự án đầu tư công chậm tiến độ chỉ chiếm tỷ lệ 13,1%, thì năm 2007 đã chiếm tới 14,8%, năm 2008 là 16,6% và năm 2009 là 16,9% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Công trình chậm đưa vào sử dụng và chất lượng kém tất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội... trong đó sự chậm trễ tiến độ trong xây dựng các công trình ngành điện đang gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đối với phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Nguyên nhân kém hiệu quả của đầu tư công đã được chỉ ra rất rõ, đó là: có những chủ trương đầu tư không được tính toán, bố trí không hợp lý gây ra chồng chéo, dàn trải; quá trình xây dựng kéo dài, chậm tiến độ, chất lượng xây dựng kém và vốn đầu tư bị thất thoát, lãng phí. Cũng không ít trường hợp, dự án đầu tư được vẽ ra rất hoành tráng, cường điệu về “hiệu quả xã hội” (khi hiệu quả kinh tế có phần kém thuyết phục), nhấn mạnh tác động tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế (dựa theo ý muốn của cấp trên), sau đó “chạy” các cửa để được thông qua, ghi vào danh mục đầu tư, rồi sau đó kéo dài, yêu cầu tăng vốn, cuối cùng rất khó quyết toán công khai và cũng không thể quy trách nhiệm cá nhân về quyết định chủ trương và thực hiện dự án đó. Rõ ràng việc kiểm tra, giám sát đầu tư công, từ chủ trương cho đến thực hiện cần được chặt chẽ hơn nữa. Tình trạng đầu tư của Vinashin (doanh nghiệp nhà nước) dàn trải, kém hiệu quả rồi Chính phủ phải ra tay giải cứu là một bài học quá đắt giá. Phát huy nguồn vốn của dân Trong khi đó, nguồn vốn của dân và doanh nghiệp đang còn rất dồi dào, phong phú nhưng vẫn chưa được khai thác và phát huy. Nhiều năm qua, tỷ lệ vốn của khu vực dân doanh thường chiếm tỷ lệ thấp trong tổng vốn đầu tư phát triển và việc tham gia đầu tư cũng như kinh doanh không những không được khuyến khích, mà còn gặp nhiều trở ngại. Để phát huy nguồn vốn này, cần xóa bỏ tâm lý kỳ thị kinh tế tư nhân và bổ sung, hoàn thiện chính sách, cơ chế theo hướng khuyến khích đầu tư trong nhân dân. Trước hết, cần xóa bỏ tâm lý kỳ thị kinh tế tư nhân, vì đây là nguồn gốc sâu xa của nhiều chủ trương, chính sách và thủ tục hành chính bất cập làm cho kinh tế tư nhân không tiếp cận được các nguồn lực của quốc gia, không được tham gia vào đầu tư phát triển đất nước đúng với tiềm năng. Tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế (Nghị quyết số 14) do Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức ngày 6-4-2010, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, đã nói: “Nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân có nơi, có lúc vẫn chưa được đầy đủ và còn thiếu nhất quán. So với yêu cầu đặt ra, việc đổi mới cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế” (**) . Trong thực tế, mấy năm gần đây, để góp phần chống lạm phát, đầu tư công đang bị cắt giảm hoặc đình hoãn, việc phát huy vốn đầu tư của xã hội (trong thống kê thường gọi là khu vực kinh tế ngoài nhà nước) vào đầu tư phát triển lại càng cấp bách. Năm 2008, vốn đầu tư từ khu vực nhà nước chỉ còn 184.400 tỉ đồng, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước là 263.000 tỉ đồng; tỷ lệ giữa vốn đầu tư nhà nước trên vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước là khoảng 7/10. Năm 2010, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến khoảng 791.000 tỉ đồng (bằng 41% GDP) trong đó mức vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước chiếm khoảng 15,9%; vốn trái phiếu chính phủ chiếm 7,1%; vốn tín dụng đầu tư nhà nước chiếm 7%; các nguồn vốn khác từ xã hội chiếm khoảng 70%. Thực tế đã cho thấy đầu tư của xã hội trong đó chủ yếu là khu vực kinh tế tư nhân thường đem lại hiệu quả kinh tế cao, tránh được lãng phí, thất thoát. Cũng có ý kiến cho rằng kinh tế tư nhân ở ta hiện nay trình độ còn thấp, quy mô nhỏ, manh mún... chưa đủ sức đầu tư vào những công trình lớn. Đó là thực trạng của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân chậm lớn so với tiềm năng, một phần chủ yếu do cơ chế, chính sách chưa đủ khuyến khích, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển và mạnh dạn đầu tư; mặt khác, do tâm lý muốn dành phần đầu tư cho khu vực kinh tế nhà nước cho nên kinh tế tư nhân khó chen chân vào những dự án quy mô lớn. Nhiều ngân hàng thương mại còn ngại ngần và gặp khó khăn trong việc cho khu vực kinh tế tư nhân vay vốn để đầu tư xây dựng cơ bản. Trong khi vốn đầu tư vào xây dựng cơ bản chưa được khuyến khích đúng mức, một nguồn vốn khá lớn của xã hội đang dồn vào kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán đã cho thấy nguồn vốn trong xã hội còn rất dồi dào. Về mặt cơ chế, chính sách, rất cần bổ sung, hoàn chỉnh các quy định trong Luật Đầu tư và các văn bản liên quan, bảo đảm bình đẳng trong đầu tư, xây dựng, xóa bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết gây chậm trễ, tốn kém trong quá trình đầu tư, xây dựng. Cũng cần khuyến khích thật mạnh các hình thức đầu tư, như BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao); BT (xây dựng - chuyển giao); PPP (hợp tác nhà nước - tư nhân). Thực tế cho thấy, kinh tế tư nhân có đầy đủ khả năng tham gia đầu tư qua các hình thức nói trên, kể cả trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế (đường sá, cầu cống, công trình điện, nước, đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp), cụm doanh nghiệp làng nghề, cũng như kết cấu hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học...). Các ngành, địa phương cần rà soát lại các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, có những chính sách khuyến khích đầu tư vào những công trình cần thiết. Đặc biệt quan trọng là việc xây dựng các công trình cần được công bố công khai, minh bạch, tiến hành đấu thầu rộng rãi, tránh tác động của những nhóm lợi ích làm méo mó các chính sách đúng đắn, gây mất lòng tin với nhà đầu tư tư nhân. _____________________ (*) Trong một bài đăng báo Sài Gòn Tiếp thị (**) Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam.
(Theo Vũ Quốc Tuấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com