Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quyết định muộn màng!

Bộ Tài chính dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra 2.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từng báo cáo lỗ trong năm 2010, nhằm phát hiện và ngăn chặn tình trạng báo lỗ giả để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Hoạt động hành chính này, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, có khả năng thu hồi cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế. Đầu năm nay, Bộ Tài chính quyết định kiểm tra 82 doanh nghiệp FDI thường xuyên báo cáo lỗ. Ngay sau khi danh sách được công bố, nhiều doanh nghiệp đã báo cáo có lãi.

Trong làm ăn, kinh doanh, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, vì vậy việc có những năm phải gánh chịu lỗ lã là điều khó tránh khỏi. Nhưng việc có đến 40-60% doanh nghiệp FDI liên tục báo cáo thua lỗ trong nhiều năm, thì lại không bình thường chút nào.

Điều bất thường ở đây là dù liên tục báo cáo bị thua lỗ, thậm chí lỗ rất nặng, nhưng quy mô sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp lại được mở rộng không ngừng và tình trạng này không chỉ diễn ra trong một vài năm, mà kéo dài liên tiếp đến hơn một chục năm.

Câu chuyện về 17 doanh nghiệp FDI chế biến trà tại tỉnh Lâm Đồng là một ví dụ. Trong suốt hơn 10 năm, giá xuất khẩu trà thành phẩm thể hiện trên các hóa đơn, chứng từ chỉ bằng từ một nửa đến một phần ba giá thành, dẫn đến tổng số lỗ lũy kế hơn 300 tỉ đồng. Chỉ đến khi Cục thuế Lâm Đồng kiểm tra và đấu tranh quyết liệt, nhiều doanh nghiệp mới thừa nhận giá xuất khẩu cao hơn giá thành và sau đó 14 doanh nghiệp đã chấp nhận nộp thuế.

Cho đến nay, việc kiểm tra 2.600 doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ chỉ mới là ý định của Bộ Tài chính. Nhưng ngay cả khi ý định này trở thành quyết định chính thức thì cũng là quá muộn. Hơn ai hết, chính ngành thuế, cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, là những người đã phát hiện ra hiện tượng bất thường trong các báo cáo về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI và đã phát hiện khá sớm.

Gần 10 năm trước, một lãnh đạo của Cục thuế TPHCM đã tỏ ra nghi ngờ có sự gian lận, khi đến gần một nửa doanh nghiệp FDI ở địa bàn thành phố công bố bị thua lỗ. Sự nghi ngờ này càng được củng cố, khi một số ngành hầu như tất cả doanh nghiệp trong nước đều có lãi, thậm chí lãi rất lớn, nhưng một số doanh nghiệp FDI vẫn lỗ. Đồng thời, thống kê của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, trong suốt năm năm, tính từ năm 1998, số doanh nghiệp FDI trên cả nước báo cáo lỗ luôn chiếm đến 40-50%. Nhưng Bộ Tài chính và ngành thuế đã không hành động, ngoại trừ một số cuộc kiểm tra tiến hành với số lượng nhỏ doanh nghiệp bị nghi ngờ.

Việc tìm ra các chiêu thức mà nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng để biến lãi thành lỗ, nhằm trốn thuế, không khó. Ngay từ đầu, quan chức Cục Thuế TPHCM cùng một số chuyên viên kinh tế đã cho rằng, những cách thức được áp dụng là khai khống chi phí đầu tư ban đầu, giá nguyên liệu và vật tư nhập khẩu và khai thấp giá xuất khẩu để chuyển giá ra nước ngoài. Có rất nhiều ví dụ về các dự án công nghiệp, dù có cùng công suất thiết kế, trang thiết bị và công nghệ thì chủ yếu nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng lại có chi phí đầu tư cao gấp đôi so với các dự án của doanh nghiệp trong nước với thiết bị và công nghệ mua của Nhật Bản, châu Âu.

Nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, dù có pháp nhân độc lập, nhưng thực chất hoạt động như một xưởng sản xuất của công ty mẹ ở Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc... Từ mối quan hệ này, doanh nghiệp FDI ở Việt Nam có thể dễ dàng khai khống giá vật tư, nguyên liệu mua từ công ty mẹ và hạ thấp giá thành phẩm xuất khẩu qua công ty mẹ là trung gian để chuyển lợi nhuận bất hợp pháp ra nước ngoài.

Tình trạng trên không chỉ làm cho Việt Nam bị thất thu khoản thuế lớn, mà còn có thể gây ra nhiều hậu quả rất tai hại đối với nền kinh tế.

Đối với những doanh nghiệp FDI không trung thực, sự hiện diện của họ chẳng những không đóng góp được gì nhiều cho nền kinh tế Việt Nam, mà còn góp phần tạo ra những số liệu ảo về nhập siêu, làm méo mó số liệu thống kê. Từ đó, có thể dẫn đến việc ban hành những chủ trương, chính sách điều hành ở cấp vĩ mô không phù hợp, thậm chí có hại cho sức phát triển của một ngành hoặc cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình trạng gian dối này khiến cho doanh nghiệp trong nước và những doanh nghiệp FDI trung thực khác, giảm khả năng cạnh tranh và mất dần thị phần.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI lỗ giả cho thấy lỗ hổng về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu Bộ Tài chính tỏ ra quyết liệt với vấn nạn này ngay từ đầu, dù không giải quyết được triệt để, nhưng cũng có thể giảm đáng kể sự gian dối. Thực tế đã cho kết quả như vậy.

Hồi đầu năm nay, dù Bộ Tài chính mới quyết định thanh tra có 82 doanh nghiệp FDI, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo cáo kết quả kinh doanh năm 2010 lỗ đã giảm hẳn, xuống còn hơn 30%. Đồng thời, số tiền thuế thu được từ khối doanh nghiệp FDI năm tháng đầu năm nay tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả bất thường, nếu xét đến những khó khăn chồng chất mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang phải chịu đựng từ đầu năm đến nay.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Tổng cục Thống kê nói về hiệu quả đầu tư công
  • Kinh tế 6 tháng cuối năm: Lạc quan và lo ngại
  • Cắt giảm đầu tư công: Nhiều nơi vừa làm vừa... đợi
  • Cải cách hành chính: Cần thêm những bước đột phá
  • Nghịch lý kinh tế và giao thông Việt Nam
  • Chính phủ: Từng bước giảm dần lãi suất
  • Cắt giảm đầu tư công: Con số và …thực tế
  • 'VN là điểm nóng tăng trưởng của thế giới'
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi