Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sản xuất nông nghiệp năm 2010: Rủi ro còn ở phía trước

Tiến sĩ Holger Matthey, chuyên gia kinh tế của Ban thương mại và thị trường, Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) đang dự báo thị trường nông sản thế giới trung hạn-Ảnh: Hồng Văn

“Chừng nào nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý còn tìm cách khống chế giá nông sản, không trả nó về đúng bản chất thị trường thì chừng đó nhà nông và doanh nghiệp nông nghiệp sẽ còn gặp nhiều rủi ro”, tiến sĩ Nguyễn Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói.

Ông Thành khẳng định như trên trong phần kết thúc bài tham luận của mình tại hội thảo “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2010 (Vietnam Agricultural Outlook Conference)” do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức hàng năm kể từ năm 2007, diễn ra ngày 12-5 tại TPHCM.

Kích cầu chưa với tới nhà nông

Theo ông Thành, cánh kéo giá nông sản hiện nay cũng là một rủi ro cho nông dân. Trao đổi ông cho rằng khi cơ quan quản lý khống chế xuất khẩu nông sản bằng mệnh lệnh hành chính hoặc e ngại giá nông sản tăng sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng tăng nên tìm cách hạn chế tăng giá nông sản là một rủi ro lớn cho nhà nông. Thực tế ở Việt Nam đã từng xảy ra đối với lúa gạo.

Năm ngoái, Việt Nam tung ra gói kích thích kinh tế, được ông Thành cho là lớn nhất trên thế giới nếu so sánh với GDP. Gói kích thích kinh tế của Việt Nam trị giá 8 tỉ đô la Mỹ, bao gồm kích cầu bằng vay vốn có hỗ trợ lãi suất, các chính sách an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng… nhưng đến với nhà nông dân lại rất ít.

“Gói kích thích kinh tế của Việt Nam tính ra bằng 9% GDP, xem như lớn nhất trên thế giới trong năm ngoái nhưng phần hỗ trợ cho nhà nông thì tạm xem như phá sản”, ông nói. Ông minh họa trường hợp Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng với số vốn vay lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng thì hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua sắm máy móc nông nghiệp có dư nợ chỉ vài ngàn tỉ đồng thì xem như là thất bại, khi mà ràng buộc đi kèm là phải mua máy móc sản xuất trong nước nhưng 90% máy móc thông thường của nhà nông hiện nay là nhập khẩu.

Do vậy năm nay, thay vì hỗ trợ nông dân, Chính phủ đã thay đổi bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất máy móc thiết bị nông nghiệp trong nước nhưng phải chờ một thời gian thì chính sách này mới phát huy tác dụng.

Đã khó càng khó thêm

Cây ca cao mới phát triển vài năm gần đây và diện tích tăng nhanh nhưng không ai đứng ra dự báo hay khuyến cáo cho nông dân- Ảnh: TL.

Theo ông Thành, chính ngành nông nghiệp đã phần nào giúp Việt Nam ít chịu ảnh hưởng xấu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. “Việt Nam xuất siêu nông sản mà khủng hoảng kinh tế tác động mạnh lên các ngành công nghệ, máy móc thiết bị, còn nông sản thì ít hơn. Nhờ vậy Việt Nam dễ dàng vượt qua khó khăn tuy xuất khẩu chung có giảm chút đỉnh”, ông nói.

Thế nhưng, tình hình năm nay vẫn chưa có gì sáng sủa. Theo ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông lâm thủy sản Việt Nam xuất nhiều vào thị trường EU nhưng do khủng hoảng hiện nay ở Hy Lạp nên có thể trong tương lai sẽ ảnh hưởng không tốt tới nông sản Việt Nam. Ngoài ra, biến đổi khí hậu gây nên hạn hán, lũ lụt cũng đang đe dọa trực tiếp tới tình hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam, cụ thể hạn hán hiện nay ở Tây Nguyên và mặn xâm nhập mạnh ở ĐBSCL.

“Điều làm nhà nông và doanh nghiệp nông nghiệp lo lắng chính là Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại lẫn kỹ thuật của các nước nhập khẩu, trong khi phải mở cửa ngày một cao cho nông sản nước ngoài vào thị trường trong nước, cạnh tranh quyết liệt với nông sản nội địa”, ông Phương lo ngại. Ông cũng không quên nhắc hai vụ kiện chống bán phá giá tôm, cá tra ở thị trường Mỹ mà ông xem là bất công với nhà nông Việt Nam, là điển hình của hàng rào mà nước nhập khẩu dựng nên, tạo thêm rủi ro, khó khăn cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tham dự hội thảo có nhiều tổ chức quốc tế nên ông Phương với vai trò là nhà quản lý, đã cảm ơn Cộng đồng châu Âu, Canada, Đan Mạch, Na Uy… đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam rất nhiều trong việc kiểm soát chất luợng và vệ sinh an toàn thực phẩm. “Bây giờ doanh nghiệp chúng tôi có thể vượt qua mọi rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, các nhà máy thực phẩm của chúng tôi đều áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của EU, Mỹ”, ông Phương cho hay.

Theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), năm nay được dự báo là một năm tiếp tục có nhiều biến động trên thị trường nông sản thế giới, do bị tác động bởi các giao dịch trên thị trường tài chính và thay đổi tỷ giá hối đoái của các nước. Ở trong nước, tăng trưởng tín dụng cao tạo sức ép lên lạm phát và tạo ra những nguy cơ giảm giá tiền đồng. Điều này dẫn tới những nguy cơ bất ổn cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam năm 2010.

Ngoài ra, ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, thiên tai ngày một nhiều có khả năng làm giảm sản lượng lương thực, gây nguy cơ thiếu đói cục bộ tại một số vùng khó khăn. Các cam kết hội nhập của Việt Nam, tự do hóa thương mại nông sản mức độ ngày một cao cũng tạo nên môi trường cạnh tranh khốc liệt cho nông sản trong nước và hàng nhập khẩu.

Còn tiến sĩ Holger Matthey, chuyên gia kinh tế của Ban thương mại và thị trường, Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) thì cho rằng thị trường gạo tiếp tục tăng trưởng nhưng chậm trong trung hạn, từ nay tới năm 2019, do có nhiều nước đang tiếp tục đầu tư vào sản xuất lúa gạo như Campuchia, Myanmar và Việt Nam mỗi năm xuất khẩu chừng 5 triệu tấn gạo kéo dài cho tới năm 2019.

Yếu ở khâu dự báo

Theo Ipsard, năm 2008 nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng 4,1%, nhưng năm ngoái chỉ còn 1,8%. Nông sản Việt Nam là ngành xuất khẩu chủ lực và là nhóm hàng duy nhất có thặng dư xuất khẩu nhưng năm ngoái, xuất khẩu nông sản đối mặt với nhiều khó khăn, kim ngạch suy giảm bất chấp gia tăng sản lượng.

Cái yếu kém và dễ gặp rủi ro của nhà nông, doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay bắt nguồn từ quy mô sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn. Sản xuất nhỏ lẻ đã ăn sâu vào tiềm thức nhà nông từ bao đời nay, thể hiện rõ là không có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất, trong cộng đồng. Để vượt qua tư duy cá thể nhỏ lẻ này, theo ông Phương không phải là chuyện dễ dàng trong ngày một ngày hai.

Cũng do sản xuất nhỏ lẻ mà chất lượng nông sản không đồng đều, như trái thì ai cũng biết Việt Nam có nhiều trái cây đặc sản và ngon nhưng để có sản lượng lớn cho xuất khẩu thì lại khó khăn. “Bưởi da xanh ở Bến Tre ngon nổi tiếng nhưng mua gom cho có sản lượng lớn, chất lượng đồng đều để xuất khẩu thì gần như chưa ai làm được”, ông Phương nói.

Tuy nhiên, yếu nhất của ngành nông nghiệp hiện nay mà cả ông Phương lẫn nhiều nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu tại hội thảo đều có điểm chung, đó là khâu dự báo, thông tin thị trường.

Theo ông Sơn, khâu dự báo nông sản ở Việt Nam gần như mới khởi đầu từ việc Ipsard bắt đầu tổ chức hội thảo ngành hàng nông nghiệp hàng năm từ năm 2007 tới nay, trong khi trên thế giới nhiều nước đã hình thành các tổ chức phân tích, dự báo chuyên nghiệp từ hàng chục năm nay.

“Chúng ta còn thiếu phương tiện và tài chính trong dự báo”, ông Sơn nói nhưng theo ông Phương, một cái thiếu khác khá quan trọng trong dự báo là sự chia sẻ thông tin, dữ liệu của các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học hiện nay gần như chưa có, chưa hình thành cơ chế chia sẻ thông tin khá hay như nhiều nước xung quanh...

(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sau 3 năm gia nhập WTO: Nhiều cơ hội, lắm thách thức
  • Câu hỏi đằng sau con số thống kê
  • Chuyển biến về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực
  • Đã đến lúc giảm giá xăng dầu
  • Ưu tiên hàng đầu: Ổn định kinh tế vĩ mô
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Một số bất ổn vĩ mô đến từ khu vực II
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi