Đây là dự báo mới nhất về kinh tế Việt Nam trong năm 2009 được nhóm nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố ngày hôm nay, 8/5.
![]() |
Theo dự báo mới nhất, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2009 sẽ ở mức 4,7%. Ảnh minh họa : Tuổi Trẻ |
Theo các dự báo được đưa ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể đạt từ 4- 5%. Mặc dù, tốc độ tăng GDP được dự báo chậm lại nhưng theo đánh giá mới đây của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), năm 2009 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn được xếp cao nhất nhì khu vực châu Á.
Nhìn theo khía cạnh khác, TS Lê Đăng Doanh cũng như một số chuyên gia kinh tế khác lại cho rằng, tình hình kinh tế Việt Nam còn diễn biến phức tạp, Việt Nam cần cảnh giác với nguy cơ lạm phát có thể xảy ra vào cuối năm nay. Kinh tế Việt Nam năm nay nhiều khả năng sẽ vận động theo hình chữ U, nghĩa là tăng rồi suy giảm và sẽ tăng trở lại ít đột biến.
Cũng theo ông Doanh, Singapore, một quốc gia có nội lực khá mạnh trong khu vực, nhưng khi suy thoái, nước này nhận định năm 2009, tăng trưởng kinh tế sẽ âm 8% và mức độ trì trệ, khủng hoảng sẽ kéo dài 6 năm. Vì vậy, Việt Nam phải nghiêm túc đánh giá lại tiềm lực của nền kinh tế. Để vực dậy kinh tế theo mô hình chữ U, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều.
"Đây là lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng sự thật. Chưa một quốc gia nào trên thế giới dám khẳng định chắc nịch về sự hồi phục, mà chỉ nhận định còn diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam dự báo rất lạc quan”- Ông Doanh cho biết.
Kích cầu cần thận trọng
Liên quan đến 2 gói kích cầu mà Chính phủ đang triển khai, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR), ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng rất cần có sự thận trọng và linh hoạt trong việc tiếp tục phát huy hoặc ngừng triển khai trước diễn biến mới của tình hình trong nước và thế giới, cụ thể là những dấu hiệu phục hồi kinh tế”.
Theo nhận định của đại diện CEPR, việc mở rộng chính sách kích cầu ồ ạt như hiện nay (hỗ trợ lãi suất, khuyến khích tăng trưởng tín dụng, nới lỏng kiểm soát giá hàng thiết yếu: điện, xăng dầu, điều chỉnh tiền lương…) cần thiết với thời điểm hiện tại nhưng sự gia tăng cung tiền liên tục sẽ khiến lạm phát quay lại khi kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi. Đó là chưa tính đến việc các chính sách thu hút FDI và nhập khẩu công nghệ để tạo tăng trưởng hiện tại cũng chỉ tối ưu trong ngắn hạn.
Về dài hạn, cần phải có những nỗ lực xây dựng công nghệ nội địa, với hàng loạt chính sách hỗ trợ DN: khuyến khích DN đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh công nghiệp quốc gia.
Theo ông Thành, do lạm phát đang ở mức âm từ quý 4/2008 đến nay cho nên các chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay có tính chất "nới lỏng" với lạm phát. Điều này có thể thấy qua chính sách hỗ trợ lãi suất, khuyến khích tăng trưởng tín dụng, nới lỏng kiểm soát giá năng lượng và thiết yếu (điện, xăng dầu), điều chỉnh tiền lương và có thể gồm cả nỗ lực phát hành tiền mà không công bố chính thức.
"Những chính sách nới lỏng này là cần thiết trong thời kỳ kinh tế bị thu hẹp. Tuy nhiên, rất cần phải thận trọng và linh hoạt trong việc tiếp tục phát huy hoặc ngừng một chính sách vĩ mô trước diễn biến mới của tình hình trong nước và quốc tế"- Ông Thành nói.
TS Lê Đăng Doanh cũng lưu ý việc tăng giá xăng dầu theo quyết định mới lên 12.500 đồng/lít và việc tính điện giờ cao điểm như hiện nay là chưa hợp lý, sẽ kéo theo giá cả tiêu dùng tăng, đặt thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân và vô tình cản trở chính sách kích cầu của Chính phủ.
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR), 3 tháng đầu năm 2009, mặc dù kinh tế thế giới suy giảm song sản lượng một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh: gạo tăng hơn 76%, hạt tiêu hơn 15%, chè hơn 10%... so với cùng kỳ năm 2008. Nông nghiệp là lĩnh vực có mức tăng trưởng ổn định và cao nhất trong quý I/2009 |
(Theo Phạm Tuyên // Báo Tiền Phong)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com