Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thách thức để lại

Năm 2011, việc ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục niềm tin của người dân vào đồng tiền và chính sách tiền tệ phải là ưu tiên hàng đầu chứ không phải tăng trưởng tốc độ cao hơn.

Những “di sản” của năm 2010

Trong thông điệp đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã làm dấy lên hy vọng khi đặt nhiệm vụ “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” lên vị trí số 1, trước nhiệm vụ “tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế”.

Kết thúc năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,7% trong bối cảnh lạm phát lên đến 11,75%. Xuất khẩu vượt kế hoạch, tăng 25,5% so với chỉ tiêu đề ra là 6%, song nhập siêu vẫn ở mức cao khoảng 12,37 tỉ đô la Mỹ, thâm hụt cán cân thanh toán tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao, bội chi ngân sách, nợ chính phủ tiếp tục tăng. Nền kinh tế không chỉ “thâm hụt kép”, thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại mà còn thâm hụt cán cân thanh toán, tỷ giá biến động và lạm phát cao.

Trong năm 2010, hiệu quả đầu tư kém đã bộc lộ rõ rệt, không chỉ qua chỉ số ICOR quá cao và tiếp tục tăng lên mà còn qua vụ Vinashin, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải tăng vốn đầu tư lên gấp ba lần, nhiều công trình vừa khánh thành đã hư hỏng nặng. Phương án giải cứu Vinashin với nhiều lời hứa khác nhau, thay đổi nhiều lần lãnh đạo tập đoàn trong một thời gian ngắn đã để lại nhiều câu hỏi hơn là lời giải đáp. Niềm tin của người dân vào đồng tiền bị thử thách, giá vàng, giá đô la Mỹ vẫn tiếp tục biến động mặc dù đã có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng và ngoại tệ. Chính phủ hứa sẽ ổn định tỷ giá đến hết năm 2010, song câu hỏi sẽ là sau đó, năm 2011 tỷ giá sẽ như thế nào và được quản lý theo cơ chế nào?

Hiện nay, tỷ giá trên thị trường tự do đã là 21.080 (ngày 26-12) đồng/đô la Mỹ, đó là tỷ giá mà các doanh nghiệp phải chấp nhận trên thực tế để có được ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, vậy thì tỷ giá trong năm 2011 sẽ là bao nhiêu là câu hỏi mà các nhà kinh doanh đang đặt ra.

Kinh tế năm 2011 sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng theo mô thức cũ. Tốc độ tăng trưởng không phải dễ dàng nâng lên cao hơn mà các mất cân đối vĩ mô, lạm phát có thể còn trầm trọng hơn, ô nhiễm môi trường có thể còn tăng lên.

Lãi suất ngân hàng cao quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không ít doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng. Chính sách tín dụng, tỷ giá thay đổi mạnh, đột ngột, không có dự báo trước đã làm cho việc tính toán, đầu tư vào khu vực công nghiệp chế tác và xuất khẩu khó khăn hơn trong khi hoạt động khai thác tài nguyên như khai mỏ, đốn gỗ tăng lên.

Giá đất và nhà tiếp tục tăng cao, một quan chức Bộ Xây dựng đã không ngần ngại tuyên bố với mức lương hành chính thì không thể mua nhà ở Hà Nội, để ngỏ vấn đề nhà ở cho hàng triệu người sống ở các khu đô thị.

Điện thiếu trầm trọng đã ảnh hưởng đến sản xuất đời sống, du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài. Khả năng cải thiện tình hình vẫn chưa rõ ràng.

Có thể kết luận rằng việc hoán đổi nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô lên vị trí số 1 để đạt tốc độ tăng trưởng cao đã không thành công bởi trong năm 2010, vẫn nhiều lúc tốc độ tăng trưởng cao vẫn được ưu tiên. Mục tiêu đích thực của phát triển kinh tế là tăng thêm phúc lợi cho toàn dân, từng bước cải thiện đời sống người dân. Việc đạt tốc độ tăng trưởng cao không thể là mục đích tự thân của phát triển kinh tế. Lạm phát cao, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, bão lũ tăng lên một phần do thiên tai và một phần do nhân tai (thủy điện ở miền Trung và đô thị hóa ồ ạt ở các thành phố lớn), quá tải tại các bệnh viện, chi phí giáo dục tăng lên, kẹt xe, tắc đường... đã không làm cho đời sống người dân được cải thiện theo tốc độ tăng GDP như được công bố.

Chất lượng giáo dục - đào tạo chưa được cải thiện, lợi thế lao động trẻ, dồi dào ở các khu công nghiệp trước đây đã bị thay thế bằng tình trạng căng thẳng và thiếu hụt lao động được đào tạo. Nếu như trong tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có khoảng 6% là ăn vào môi trường như Ngân hàng Thế giới đã ước tính, tỷ lệ đó ở Việt Nam chắc sẽ không thấp hơn nhiều.

Nền kinh tế chưa được tái cấu trúc để có hiệu quả hơn ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Sau gần bốn năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, thực tế cho thấy Việt Nam vẫn chủ yếu là một nền kinh tế “hội nhập thụ động” (passive integrationist) (*) , xuất khẩu khoáng sản, nông sản thô và các sản phẩm công nghệ thấp như dệt may, da giày. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục giảm sút, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động có biểu hiện chuyển giá, báo lỗ nhiều năm trên diện rộng và gần đây, một số doanh nghiệp điện tử như Sony đã giảm hoạt động lắp ráp trong nước, chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước khác để bán kiếm lời, làm tăng thêm thâm hụt thương mại.

Áp lực cạnh tranh tăng lên khi nước ta đã cùng với ASEAN ký sáu hiệp định thương mại tự do với các đối tác, đương nhiên cơ hội cũng được mở ra nếu các doanh nghiệp biết tận dụng. Nhập siêu với Trung Quốc vẫn rất cao và ngày 1-1-2015 càng đến gần khi nước ta phải thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN. Khi đó, mức thuế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 0-5%. Trong năm 2010 chưa thấy có bước chuẩn bị nào cho thách thức quá lớn này.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một nhiệm vụ then chốt, song năm 2010 chưa cho thấy những tín hiệu khả quan: việc cổ phần hóa đã chậm lại hẳn, việc chuyển các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 mang nặng tính hình thức. Hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, khung pháp lý, trách nhiệm giải trình chưa có bước cải thiện về thực chất và chưa ai dám chắc sẽ không còn những “Vinashin” khác.

Việc cải cách thủ tục hành chính đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc kiểm kê những thủ tục cần loại bỏ, song việc xóa bỏ các thủ tục hành chính trong thực tế chỉ đạt khoảng 20% so với mục tiêu đề ra. Việc phân cấp quản lý, điều hòa phối hợp giữa các bộ, ngành và các tỉnh đã bộc lộ những thiếu sót và yếu kém rõ rệt cần phải chấn chỉnh ngay (như trong cấp phép đầu tư thép và nhu cầu tiêu thụ điện...).

Hướng ra của năm 2011

Năm 2011 sẽ không thể là một năm tiếp tục tăng trưởng theo mô thức cũ. Tốc độ tăng trưởng không phải dễ dàng nâng lên cao hơn mà - với các di sản của năm 2010 để lại - các mất cân đối vĩ mô, lạm phát có thể còn trầm trọng hơn, ô nhiễm môi trường có thể còn tăng lên. Giá điện, giá xăng dầu bị kìm nén đến Tết Tân Mão chắc chắn sẽ phải tăng trong năm 2011. Không thể tiếp tục tăng vốn đầu tư qua vay nợ nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng thấp để đạt tốc độ tăng trưởng cao như trước đây. Nguồn vốn trong dân với ước đoán có thể lên đến hàng trăm tấn vàng và hàng chục tỉ đô la Mỹ (ngoại tệ) nếu được huy động vào đầu tư kinh doanh sẽ là nguồn lực to lớn thúc đẩy tăng trưởng mà không cần vay nước ngoài. Ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục niềm tin của người dân vào đồng tiền và chính sách tiền tệ phải là ưu tiên hàng đầu chứ không phải tăng trưởng tốc độ cao hơn.

Nâng cấp kết cấu hạ tầng, giải quyết một bước nạn thiếu điện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có các biện pháp thiết thực để cải thiện đời sống cho người dân là những nhiệm vụ cấp bách để tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống. Bảo vệ môi trường phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động nhà nước, đoàn thể và mỗi người dân.

Chìa khóa để giải quyết tất cả các vấn đề chính là cải cách thể chế, nâng cao tính chuyên nghiệp, chế độ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm giải trình của toàn thể bộ máy. Nếu không có tiến bộ trên những vấn đề then chốt này, sẽ khó có thể đạt được tiến bộ về chất mà toàn xã hội đang mong đợi.

_________________________________________

(*) Theo Alice Amsden, một nền kinh tế hội nhập thụ động là nền kinh tế thu hút FDI thông qua ưu đãi về thuế, đất đai, lao động lương thấp, xuất khẩu sản phẩm thô.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • 7 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011
  • “Thách thức nằm trong nội tại nền kinh tế”
  • Ba trụ cột phát triển bền vững
  • Vốn rẻ cho người nghèo và giải pháp công nghệ cao
  • Việt Nam “về đích” trong lạc quan phục hồi kinh tế
  • Nguy cơ động đất - sập đổ nhà cao tầng: Có thể chủ động phòng chống
  • Tái cơ cấu đầu tư công: Đột phá từ đâu?
  • Kinh tế vĩ mô: “Năm 2010 đã có một cơ hội để ổn định”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi