![]() |
Khi hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, tất cả các nhà máy thuộc EVN cũng phải chào giá, công khai thông tin |
Việc hình thành và đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh nhằm tạo ra “sân chơi” cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị phát điện, khuyến khích tiết kiệm chi phí trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện để có được giá điện hợp lý, minh bạch tới người tiêu dùng, đồng thời tạo tín hiệu tốt để thu hút các nguồn đầu tư vào phát triển điện.
Ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết, hạ tầng công nghệ sẽ là điều kiện tiên quyết để xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh tại VN. Dự kiến quý 3 năm 2011, EVN có thể xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để vận hành thị trường này.
Theo lộ trình, thị trường điện cạnh tranh sẽ có 3 cấp độ. Năm 2006 - 2014 là giai đoạn hình thành mô hình thị trường phát điện cạnh tranh. Năm 2015-2022 hình thành thị trường bán buôn cạnh tranh và sau năm 2022 là mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Với thị trường phát điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện sẽ tham gia chào giá cạnh tranh và ký hợp đồng bán buôn điện có thời hạn cho công ty mua bán điện. Công ty này sẽ ký hợp đồng bán buôn cho các công ty bán lẻ điện. Các công ty bán lẻ điện thực hiện bán lẻ đến khách hàng. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh là thị trường có nhiều người bán và nhiều người mua. Bên cạnh các công ty phát điện, có nhiều công ty bán buôn điện và bán lẻ điện. Với thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, các khách hàng được quyền lựa chọn nhà cung ứng điện cho mình. Để hình thành thị trường điện thì việc hình thành Công ty mua bán điện là điều cần thiết.
Hiện nay chỉ có một công ty mua bán điện duy nhất thuộc EVN. Tuy nhiên, nếu thành lập nhiều công ty mua bán điện sẽ dẫn tới cạnh tranh rất mạnh giữa các nhà máy phát điện, điện càng có giá thấp trong khi sức mua càng cao sẽ dẫn tới khả năng bị quá tải các trạm biến áp, đường dây truyền tải điện. Ông Hưng cũng cho rằng, mô hình công ty mua bán điện hiện nay thuộc EVN vẫn bị mang tiếng độc quyền, hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Công ty này nên để Nhà nước quản lý để mọi vấn đề được khách quan minh bạch và xã hội đồng thuận.
Hiện các quy định liên quan đến thị trường phát điện cạnh tranh cũng đã được Bộ Công thương ban hành, trong đó có quy định các nhà máy điện có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện, có công suất đặt lớn hơn 30 MW đấu nối vào hệ thống điện quốc gia phải tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, trừ nhà máy điện BOT, nhà máy điện gió và nhà máy điện địa nhiệt. Khi hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, tất cả các nhà máy thuộc EVN cũng phải chào giá, công khai thông tin - Ông Hưng khẳng định.
Tính đến 12/7, EVN lỗ 5.400 tỷ đồng do việc huy động các nguồn điện giá cao trong lúc thiếu nguồn thủy điện. Với khâu phát điện, hiện EVN chiếm 47% tổng công suất trên toàn hệ thống điện quốc gia. Nếu cuối năm 2010, Công ty nhiệt điện Phú Mỹ cổ phần hóa thành công thì EVN sẽ chỉ còn chiếm 40% tổng công suất nguồn. Đến năm 2015, dự kiến EVN sẽ chỉ còn chiếm 37,5% công suất nguồn.
(Theo Hoàng Oanh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com