Giữ vững được đà cải cách qua giai đoạn khó khăn này là rất quan trọng để Việt Nam có được một vị thế tốt khi thế giới thoát khỏi sự suy yếu toàn cầu hiện nay.

Có sự khác biệt trong các dự báo của Chính phủ Việt Nam và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 của Việt Nam. Trong khi Chính phủ Việt Nam hy vọng có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2009, sau khi vẫn tăng trưởng 6,5 - 6,7% trong năm 2008, thì IMF lại cho rằng, Việt Nam chỉ có thể đạt mức tăng GDP 6,25% trong năm 2008 và giảm xuống còn 5% trong năm 2009.
Tuy vậy, theo một thông cáo được phát đi vào cuối tuần trước của IMF, thì sau hơn nửa tháng (từ ngày 3 đến 18/12/2008) thảo luận về các vấn đề liên quan đến triển vọng kinh tế và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam, cả hai bên đã đi đến nhất trí chung rằng, cán cân rủi ro hiện đã chuyển từ lạm phát sang tăng trưởng và rằng, điều này đưa đến việc Chính phủ đã đối phó bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa.
Đây là một thực tế, bởi nếu như vào thời điểm tháng 3, tháng 4 năm 2008, Chính phủ Việt Nam phải quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó chủ đạo là chính sách thắt chặt tiền tệ, thì đến cuối năm, Việt Nam lại phải gồng mình để chống suy giảm kinh tế.
Chính sách tiền tệ và tài khóa được áp dụng ngày một linh hoạt hơn, với liên tục các đợt giảm lãi suất cơ bản, qua đó, giảm lãi suất huy động và cho vay, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Hơn thế, Chính phủ cũng đã thông qua Nghị quyết số 30/2008/NQ - CP về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, gói giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trong khi các chuyên gia kinh tế vẫn đang tích cực hiến kế cho Chính phủ để thực hiện hiệu quả gói giải pháp này, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lên kế hoạch cụ thể cho gói kích cầu để trình Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 12 tới, thì IMF cũng đã đưa ra khuyến nghị rằng, việc kích cầu cần được tính toán kỹ và đưa ra những ưu tiên để bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương.
Nhóm dễ bị tổn thương, theo phái đoàn của IMF, chính là ngân hàng và doanh nghiệp. Hai nhóm đối tượng này có thể sẽ chịu nhiều tổn thương hơn khi kinh tế tiếp tục suy giảm. “Những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng đã tăng lên trong năm 2008 và có thể sẽ tăng hơn nữa trong năm 2009 do hoạt động kinh tế chậm lại.
Trong khi vốn và trích lập dự phòng được tăng trong hai năm qua đã tạo ra một chỗ đệm đáng kể, đặc biệt là với những ngân hàng cổ phần lớn, thì vị thế tài chính của các ngân hàng rất có thể sẽ yếu đi trong năm 2009. Vì vậy, các nhà chức trách phải chuẩn bị đối phó với những điểm dễ bị tổn thương đang gia tăng”, thông cáo của IMF viết.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên IMF đề cập việc phải nâng cao năng lực cho hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp. Gần đây nhất, tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, tổ chức hồi đầu tháng 12/2008, khi đưa ra các khuyến nghị chính sách, IMF cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục phải xử lý các vấn đề về sự bất ổn định trong hệ thống doanh nghiệp và ngân hàng, nảy sinh từ những bất ổn của nền kinh tế.
Ghi nhận những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng, song IMF lại bày tỏ sự lo ngại trong việc quản lý, giám sát đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước lớn.
Theo quan điểm của IMF, gần đây Việt Nam đã bắt đầu gặp phải ảnh hưởng xấu từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đang giảm, kiều hối và đầu tư nước ngoài cũng đang giảm xuống từ mức cao. Phái đoàn của IMF cho rằng, những thách thức bên ngoài này kết hợp với những thách thức bên trong bắt nguồn từ thâm hụt lớn của cán cân vãng lai, cũng như những điểm yếu trong lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp sẽ làm tình hình khó khăn hơn.
Tình hình khó khăn hơn, theo dự báo của IMF, chính là tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 sẽ chỉ đạt 5%. Tuy vậy, lạm phát chung được dự báo là sẽ giảm xuống mức một con số vào cuối năm 2009. Thâm hụt cán cân vãng lai đối ngoại dự kiến sẽ giảm, với việc nhập khẩu giảm nhiều hơn so với giảm xuất khẩu và kiều hối, song vẫn ở mức cao (9% GDP) trong năm 2009.
Mặc dù vậy, về trung hạn, theo dự báo của IMF, triển vọng của Việt Nam vẫn có thuận lợi, miễn là Chính phủ vẫn duy trì các chính sách lành mạnh và tiếp tục cải cách để tăng tính cạnh tranh của Việt Nam. “Giữ vững được đà cải cách qua giai đoạn khó khăn này là rất quan trọng để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và đảm bảo Việt Nam được đặt vào một vị thế tốt khi thế giới thoát khỏi sự suy yếu toàn cầu hiện nay”, ông Benedict Bingham, Đại diện Thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam nhấn mạnh.