Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tỉnh táo trước khó khăn khăn

Chính phủ nhiều nước kể cả những nước công nghiệp hàng đầu thế giới coi việc chống suy thoái kinh tế như nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2009, bằng các giải pháp chính sách đồng bộ để cứu thị trường tài chính trong nước, kích thích tiêu dùng và đầu tư vào những ngành kinh tế có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kích thích xuất khẩu là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn suy giảm kinh tế - Ảnh:Đức Thanh

 

Kỳ II: Làm gì để ngăn chặn suy giảm kinh tế?
Ngân hàng trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách tiền tệ có hiệu quả để loại trừ nhân tố gây ra khủng hoảng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng đầu tư.

Trong phiên họp đầu tháng 12, Chính phủ Việt Nam đã đề ra 5 nhóm giải pháp để thực hiện 3 mục tiêu của năm 2009: ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội bằng hệ thống các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, miễn, giảm, hoãn thu, nộp thuế đối với các doanh nghiệp, dành ưu tiên cho doanh nghiêp nhỏ và vừa, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ tỷ giá hợp lý, hạ lãi suất và nới lỏng.

Chính phủ sử dụng 1 tỷ USD để kích cầu (theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc đối thoại ngày 14/12 trong khung khổ Đại hội các doanh nghiệp trẻ Việt Nam lần thứ II thì gói kích cầu sẽ lên đến 100.000 tỷ đồng, khoảng 6 tỷ USD) thông qua các dự án đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, trường học, bệnh viện, nhà ở, đào tạo nghề nghiệp, xóa đói giảm nghèo…
Dưới đây xin được trình bày một số kiến nghị:

1) Với kinh nghiệm đã thu được trong điều hành kinh tế vĩ mô bằng 8 nhóm giải pháp đã đối phó khá thành công với tình trạng lạm phát cao và nhập siêu lớn trong năm 2008, người dân đặt niềm tin vào gói 5 nhóm giải pháp mới của Chính phủ đã được đề ra từ đầu tháng 12. Tuy các giải pháp đó rất đồng bộ nhưng mới dừng lại ở định hướng, đòi hỏi các cơ quan chức năng của Chính phủ phải tính toán cụ thể từng giải pháp, đưa ra được định lượng cho từng cấu phần của mỗi giải pháp và dự báo mỗi cấu phần sẽ tác động đến trạng thái kinh tế như thế nào và có gây tác động trái chiều ngoài ý muốn không.

Ví dụ Bộ Tài chính cần tính toán các giải pháp có liên quan đến giảm, miễn, hoãn thu và nộp thuế đối với từng ngành sản xuất, sản phẩm xuất khẩu, loại hình doanh nghiệp để lượng hóa được tác động tích cực của nó đến ngăn chặn suy giảm được bao nhiêu % và kích thích xuất khẩu thêm những mặt hàng nào; mặt khác việc đó sẽ làm giảm thu ngân sách của cả trung ương và địa phương, cần được xử lý như thế nào (?). Có như vậy Chính phủ mới có thể lượng hóa được cả 5 nhóm giải pháp sẽ tác động đến 3 mục tiêu: ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

2)Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ có gói kích cầu 1 tỷ USD như ban đầu là quá ít, 6 tỷ USD như dự kiến thì đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế đất nước. Vấn đề đặt ra là trong đó đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước bao nhiêu là hợp lý, đủ kích thích được đầu tư xã hội, bởi vì nguồn vốn trong dân - tiền tiết kiệm, vàng, ngoại tệ còn khá nhiều.

Chính phủ Trung Quốc đề ra gói kích cầu trong nước 4.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 580 tỷ USD, trong đó đầu tư của Chính phủ là 1.180 tỷ NDT, xấp xỉ 30% (quý IV/2008 đã chi 100 tỷ NDT, năm 2009 chi 500 tỷ NDT và năm 2010 chi 580 tỷ NDT) và 2820 tỷ NDT là vốn đầu tư xã hội. Tỷ lệ 30% vốn nhà nước là của Trung Quốc, ở nước ta là bao nhiêu % thì cần giải bài toán kinh tế để có thể đưa ra quyết định hợp lý. Người dân cũng quan tâm đến những thông tin được đăng tải trên các cơ quan truyền thông về việc đã bắt đầu có tình trạng "chạy dự án kích cầu" và lo ngại liệu có phòng tránh được lãng phí, tham nhũng với tỷ lệ không nhỏ khi thực hiện dự án bằng vốn ngân sách nhà nước như từng đã xảy ra ở nước ta.

Trong điều kiện bình thường thì lãng phí, tham nhũng là một tội ác, khi đất nước đang gặp khó khăn càng không được để xảy ra tình trạng đó, mà phải có cơ chế phòng, chống một cách hữu hiệu. Chính phủ Trung Quốc quyết định, việc thực hiện gói kích cầu bằng ngân sách nhà nước sẽ bảo đảm công khai, minh bạch và được kiểm soát chặt chẽ. Chính phủ đã lập 24 đoàn kiểm soát gồm các chuyên gia giỏi của nhiều cơ quan trung ương để ngay từ khi giao tiền cho các chủ đầu tư, các chuyên gia kiểm soát có mặt tại hiện trường theo giõi, phát hiện và xử lý kịp thời lãng phí, tham nhũng.

3) Trong tình trạng kinh tế thế giới suy thoái, nước ta cần tạo ra và phát huy lợi thế so sánh của đất nước để tranh thủ mọi thời cơ vượt qua thách thức. Nhìn sang Thái Lan để suy nghĩ về cách mà một quốc gia có thể biến khó khăn thành cơ hội. Các cuộc biểu tình, bãi công, phong tỏa tòa nhà Chính phủ, hai sân bay lớn tại Bangkok đã làm cho nền kinh tế nước này lâm vào tình trạng suy thoái, du lịch - một ngành kinh tế quan trọng bị tác động mạnh.

Nhưng chỉ mười ngày sau khi giải tỏa được hai sân bay lớn, Thái Lan đã công bố Chương trình khuyến mãi chưa từng có về du lịch vào nước này với 100.000 vé máy bay không thu cước phí từ các nước khác để đón khách quốc tế đến "miền đất của những nụ cười", giảm giá tour, phòng khách sạn từ 50 - 80% tại Phukhet, Pattaya, với khẩu hiệu "Thái Lan sorry".

Trong khi đó mặc dù là nước có điều kiện thuận lợi hơn, đáng lẽ cơ quan quản lý du lịch Việt Nam phải nhạy bén, chủ động đề ra chiến lược mới để thu hút khách quốc tế trong điều kiện một số nước khác gặp khó khăn, nhưng có vẻ vẫn rất lúng túng trong điều phối ở tầm kinh tế vĩ mô, chưa có giải pháp về chính sách, cơ chế, tổ chức để khắc phục nhược điểm cố hữu, kinh doanh "ăn xổi", giá tour đắt, giá thuê phòng khá cao, lại xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, do vậy hàng năm số lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng không nhiều, thu ngoại tệ qua du lịch - xuất khẩu tại chổ còn rất khiêm tốn.

Những lợi thế lớn nhất của đất nước là an ninh chính trị và an toàn xã hội, sự thân thiện và lòng hiếu khách của người dân, bờ biển dài và cảnh quan thiên nhiên đẹp, thị trường đầy tiềm năng đối với nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế, Chính phủ đang làm mọi việc để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cần được quảng bá bằng nhiều kênh thông tin, những đánh giá khách quan của các chuyên gia, nhà kinh doanh quốc tế để các nhà đầu tư, người nước ngoài hiểu được đất nước và con người Việt Nam. Chắc chắn chi phí cho Chiến lược mới về du lịch của Thái Lan lần này là hàng chục triệu USD, nhưng họ sẽ thu lợi lớn hơn nhiều, không chỉ là ngoại tệ, mà quan trọng hơn là tạo lập niềm tin đối với khách quốc tế.

4) Trong điều kiện kinh tế gặp khó khăn thì những nhược điểm quan trọng của nền kinh tế càng bộc lộ rõ rệt hơn trước, như cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng còn thấp, sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả, cổ phần hóa và đổi mới doanh nghiệp nhà nước chậm và kết quả đạt được không như mong muốn, công cuộc cải cách hành chính vẫn chưa làm thay đổi cơ bản phương thức công tác của các cơ quan nhà nước. Không có sự lựa chọn nào khác là phải đổi mới nhanh hơn, đồng bộ hơn, bằng những biện pháp kiên quyết và có hiệu lực hơn để từ trong suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế khắc phục được cơ bản những nhân tố gây ra tình trạng đó, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng bền vững, có hiệu quả cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Do vậy cùng với các nhóm giải pháp mới, rất cần có Chương trình cải cách mới về thể chế, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ - hệ thống thuế, chính sách lãi suất, tỷ giá, cũng như các vấn đề liên quan đến đất đai - quyền sở hữu, quyền sử dụng, giá đất khi đền bù, giải tỏa đối với các dự án đầu tư, các vấn đề đặt ra từ lâu nhưng chưa có phương án hữu hiệu đối với doanh nghiệp nhà nước, kể cả việc hình thành các tập đoàn, thúc đẩy có hiệu quả thực chất hơn cải cách nền hành chính quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử…

Trong điều kiện nước ta đã có hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển nền kinh tế thị trường, đã nghiên cứu và thu thập được kinh nghiệm quốc tế khá phong phú thì việc xây dựng Chương trình cải cách mới là hoàn toàn có tính khả thi, miễn là thực hiện dân chủ thực chất để tập hợp được trí tuệ của các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, sự đóng góp của người dân.

Cả thế giới bước vào năm 2009 với những dự báo không mấy sáng suả của viễn cảnh kinh tế toàn cầu. Nước ta cũng không tránh khỏi tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Vấn đề là phải “nhìn thẳng vào sự thật”, đánh giá đúng trạng thái biến động của kinh tế và thị trường thế giới, có đối sách đúng đắn, kịp thời, linh hoạt điều chỉnh khi tình hình đã thay đổi để đưa nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, thực hiện được các mục tiêu của năm 2009: ngăn chặn suy giảm, giữ vững tăng trưởng và bảo đảm sinh xã hội.

(Theo báo Đầu tư)

  • Đòi hỏi tái cơ cấu cả vĩ mô và vi mô
  • Càng sớm càng tốt
  • Khủng hoảng tài chính toàn cầu: thách thức và cơ hội đối với Việt Nam
  • Sụt giảm giá trị sản xuất công nghiệp tại một số thành phố lớn
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: cơ hội để biết mình, biết ta
  • Kích thích sự đột phá
  • Kinh tế Việt Nam 2008: Vượt qua giông bão
  • Năm 2009: Ngành Công Thương tìm nhiều giải pháp gỡ khó
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi