Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Tranh chấp” mặn - ngọt ở Bạc Liêu - Chưa có hồi kết

Vấn đề nóng bỏng, bức xúc đối với người nông dân và chính quyền tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua, đó là “tranh chấp” giữa mặn - ngọt đã và đang xảy ra gay gắt. Người làm lúa thì canh cánh nỗi lo bị nước mặn xâm nhập, còn người nuôi tôm thì mỏi mòn chờ nước mặn để cứu tôm… Mâu thuẫn dường như đến “đỉnh điểm” khi hàng trăm hộ nuôi tôm tại huyện Giá Rai, Hòa Bình đòi phá đập, mở cống để lấy nước mặn cứu tôm...

Tôm chết do khô hạn, thiếu nước mặn.

Bỏ tôm để cứu lúa?

Có thể nói, chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (chủ yếu ở huyện Giá Rai) đã có hơn 7.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, nguyên nhân chủ yếu do khô hạn, thiếu nguồn nước mặn. Theo ông Liên An Lộc, Phó phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Giá Rai, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tăng cao từng ngày, bình quân một ngày có hàng chục ha tôm nuôi bị chết. Người nuôi tôm ở các xã: Tân Thạnh, Tân Phong, Phong Tân, Phong Thạnh A…(huyện Giá Rai) ngậm ngùi nhìn tôm chết mà không thể làm gì. Bởi mực nước trên các vuông tôm khô cạn dần, nước ô nhiễm đầy phèn, còn nguồn nước trên các tuyến kênh thì cạn kiệt, có đoạn khô nứt nẻ không còn nước bơm vào  để cứu tôm nuôi.

Theo ông Lộc, tôm nuôi ở huyện “khát nước mặn”, chết dần, bắt đầu từ khi nông dân trong tỉnh đồng loạt xuống giống vụ lúa đông xuân (vụ lúa không được chính quyền và ngành nông nghiệp khuyến khích sản xuất). Bởi vụ sản xuất này có nhiều nguy cơ về sâu bệnh, nhất là không đảm bảo nguồn nước ngọt.

Bất chấp khuyến cáo của chính quyền và ngành nông nghiệp, nông dân Bạc Liêu  vẫn sản xuất 27.000 ha lúa đông xuân, hy vọng sẽ trúng giá vào cuối vụ. Ngay từ đầu tháng 3, khi trà lúa mới được gần hai tháng tuổi đã xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt ở nhiều địa phương. Đặc biệt, xảy ra hai đợt xâm nhập mặn, nước mặn đã lấn sâu vào vùng ngọt ổn định, trên các tuyến kênh nội đồng độ mặn cao nhất lên đến trên 6%o, hàng ngàn ha lúa đông xuân bị chết trắng, thiệt hại nặng nhất là huyện Giá Rai, với diện tích hơn 1000 ha...


Nhông đủ nước để bơm vào vuông cứu tôm.

Giải pháp tình thế

Theo ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, để cứu trà lúa đông xuân, các huyện có diện tích lúa bị ảnh hưởng lớn như: Phước Long, Giá Rai, Hòa Bình… đã đồng loạt đề nghị xả cống để xổ nước mặn ra cứu lúa. Đứng trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo Điều tiết nước của tỉnh phải cho mở một số cống ngăn mặn dọc theo tuyến quốc lộ 1A để xả nước mặn, kéo nước ngọt về pha loãng khối mặn xâm nhập. Động thái này kết hợp với việc tập trung bơm tát nước mặn tại các đập tạm thời vụ đã nhanh chóng khắc phục được tình trạng xâm nhập mặn, nhất thời “giải cứu” hàng chục ngàn ha lúa đông - xuân thoát khỏi nguy cơ bị thiệt hại nặng nề về năng suất do nhiễm mặn.

Cũng chính từ đây, mâu thuẫn giữa hai vùng mặn - ngọt phát sinh gay gắt khi Ban điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu “hạn chế” việc điều tiết nước mặn để bà con nuôi tôm, vì lo sợ nước mặn sẽ lại xâm nhập vào vùng ngọt ổn định lần nữa. Do đó, vì cứu lúa mà vô hình chung đã làm cho hàng ngàn ha tôm nuôi bị thiệt hại. Hàng chục ngàn hàng nuôi tôm ở huyện Giá Rai và Phước Long, mặc dù các vuông tôm đã cạn kiệt nước, tôm bị sốc do thiếu nước, do nắng nóng…nhưng nhiều tuyến kênh nguồn nước suy kiệt, cạn dần có lúc không con giọt nước mặn bơm vào để cứu tôm.


Lúa bị chết do xâm mặn.

Không nước mặn, tôm chết hàng loạt, đã đến lúc nhiều hộ dân không còn sức chịu đựng, họ phải đi cầu cứu chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Còn, người nuôi tôm ở ấp 18, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai cho biết: “Chỉ trong mấy ngày qua, có hàng chục hộ dân trong ấp tập trung lại đòi kéo “biểu tình”, phá đập, mở cống lấy nước mặn, vì tôm nuôi của họ đang chết từng ngày mà không có nước mặn để bơm vào vuông cứu tôm”.

Để minh chứng, ông Còn đã dẫn chúng tôi ra ngoài vuông tôm, đi chưa đến 100 m mà ông đã vớt lên hàng chục xác tôm, cua chết. Ngoài ra tôm nổi đầu chết do bị “sốc nắng”. Theo nhiều hộ dân, hiện tại mực nước chỉ còn rất thấp, cộng với cái nắng như đổ lửa thì tôm, cua, cá không thể sống nổi. Nhiều hộ nạo vét lại ao, đường dẫn nước… nhưng vẫn không có nước để bơm.

Việc điều tiết nước phục vụ cho nuôi tôm ở Bạc Liêu quả thực lại càng trở nên “ngặt nghoèo”. Ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, khẳng định: “Việc điều tiết nước mặn ngay bây giờ để cứu tôm là không thể. Nếu chỉ lấy một đợt (vào dịp con nước) thôi thì nước mặn lại xâm nhập ảnh hưởng đến ngàn hàng ha lúa đông xuân của Bạc Liêu, đồng thời nước mặn còn xâm nhập tuồng lên tỉnh Sóc Trăng. Bài toán mặn - ngọt ở Bạc Liêu nói riêng và ở vùng bán đảo Cà Mau nói chung (gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng...) hiện rất nan giải...

Làm sao cứu lúa lẫn tôm?

Ngày 29-3, GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, một chuyên gia nổi tiếng về nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, đã đi khảo sát thực tế một số huyện, và có buổi làm việc với lãnh đạo ngành NN&PTNT Bạc Liêu về vấn đề xâm nhập mặn và “tranh chấp” lúa - tôm trong tỉnh. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, để khắc phục việc tranh chấp mặn ngọt giữa nuôi tôm và trồng lúa, Bạc Liêu cần kiến nghị Chính phủ xem xét lại Chương trình ngọt hóa có phù hợp, thích nghi với điều kiện sản xuất ở địa phương hay không? Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp như hiện nay, nắng hạn gay gắt, mực nước giảm thấp  gây thiệt hại cho cây lúa và nuôi tôm. Đồng thời, Bạc Liêu cần sớm quy hoạch lại các vùng sản xuất sinh thái sao cho đúng tiềm năng, lợi thế. Khu vực nào có thể giữ ngọt được, đảm bảo không xâm nhập mặn thì nên quy hoạch cho bà con sản xuất lúa. Khu vực nào trông lúa không hiệu quả thì chuyển sang nuôi tôm kết hợp trồng lúa…

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, để khắc phục được việc tranh chấp mặn - ngọt và giữ người nuôi tôm với người sản xuất lúa, các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau cần đầu tư xây dựng hệ thống cống, đập để ngăn mặn giữ ngọt bao quanh các tiểu vùng ngọt ổn định. Tại Bạc Liêu, cần khẩn trương đắp ngay hệ thống đập ngăn mặn giữ ngọt dọc theo các cống Hộ Phòng - Chủ Chí; Giá Rai - Phó Sinh, vì hai tuyến kênh này có nhiều vụ rất quan trọng là điều tiết nước mặn để phục vụ nuôi tôm. Mặt  khác, các tuyến kênh này còn có tác dụng xả chất thải, rút nước mặn, “kéo” nước ngọt từ Sóc Trăng thông qua kênh Quản lộ - Phụng Hiệp về để phục vụ cho bà con một  số huyện trong tỉnh Bạc Liêu sản xuất lúa...

(Bài và ảnh: TRỌNG DUY// Báo Nhân dân)

  • Mở đường đại phú
  • Thu mua lúa gạo tạm trữ: Trăm dâu đổ đầu... nông dân
  • Kinh tế hồi phục: Hết lo chưa?
  • Giá thành hạt lúa không dừng ở... nước, phân, cần, giống
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Hỗ trợ mua tạm trữ nông sản: Nên trực tiếp
  • Để chiếm lĩnh thị trường nội địa: Cần mở rộng kênh phân phối
  • Vì sao mất rừng?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi