Dù thực hiện nhiều biện pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng. Tại cuộc họp ra mắt nhóm công tác về tăng cường thực thi pháp luật về lâm nghiệp, quản lý, bảo vệ rừng ngày 3-3 (tổ chức tại Bộ NN&PTNT), nhiều ý kiến cho rằng cần phải siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng và có chế tài mạnh.
Mỗi ngày mất 5,6ha rừng bị triệt phá
Bộ NN&PTNT cho biết, trong 2 tháng đầu năm, cả nước đã trồng mới 28.000ha rừng tập trung, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh 18.600ha và trồng 28 triệu cây xanh phân tán, nâng diện tích rừng bền vững lên khoảng 13 triệu hécta; đồng thời nâng cao đời sống cho 25 triệu đồng bào vùng miền núi, dựa vào rừng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng xảy ra khá phổ biến, chiều hướng gia tăng kể cả số vụ và mức độ vi phạm tập trung vào các hành vi như phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản. Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết, riêng tháng 2, cả nước xảy ra 2.702 vụ vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Đặc biệt, có 590 vụ phá rừng và khai thác rừng trái phép; 1.493 vụ vận chuyển, buôn bán gỗ và lâm sản. Tại Hà Nội, trong tháng 2, Chi cục Kiểm lâm đã kiểm tra, xử lý 10 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Ông Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Cục Kiểm lâm cho rằng, tình hình vi phạm bảo vệ rừng ngày càng phức tạp ở nhiều địa phương, số vụ tăng hơn những năm trước; tình trạng chống và cản trở, hành hung người thi hành công vụ ngày càng bức xúc.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong năm 2009, cả nước mất 2.072ha rừng do cháy rừng, phá rừng, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất (chiếm 79,1%). Như vậy, trung bình một ngày qua đi có 5,6ha rừng bị triệt phá. Nạn phá rừng đã đến mức báo động, phá rừng theo cách đơn giản nhất để làm nương rẫy; phá rừng để tìm kiếm khoáng sản; phá rừng lấy gỗ; phá rừng để... trồng rừng mới và vô vàn những kiểu tiếp tay vi phạm đang hủy hoại "lá phổi xanh". Có một thực tế, so với 6 năm trước khi triển khai chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng, diện tích rừng của cả nước đã tăng hơn 1 triệu hécta; độ che phủ của rừng tăng từ 28% (năm 1993) lên khoảng 39% năm 2009. Dù vậy, diện tích rừng già, rừng nguyên sinh đang dần mất đi, diện tích rừng tăng lên phần lớn từ rừng mới trồng.
Tại sao rừng bị tàn phá?
Buông lỏng quản lý đất lâm nghiệp và rừng là nguyên nhân chính dẫn tới "mất" đất rừng. Chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã ở những nơi trọng điểm phá rừng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng. Xử lý vi phạm ở nhiều nơi chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, các lâm trường quốc doanh, các ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đang phải quản lý 6,504 triệu hécta rừng nhưng năng lực quản lý bảo vệ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó là nhu cầu sử dụng gỗ và lâm sản ngày càng có xu hướng tăng, đời sống nhân dân vùng có rừng còn nhiều khó khăn dẫn đến người dân phải phá rừng để mưu sinh… Tình trạng trên kéo dài đã làm cho những cánh rừng đầu nguồn bị cạn kiệt, nên cứ đến mùa mưa lũ là gây nạn sụt lở đất, lũ quét. Chỉ khi những cơn lũ lớn như trận lũ cuối tháng 9, đầu tháng 10-2009 xảy ra, hàng trăm mét khối gỗ quý ở đầu nguồn trôi về xuôi theo dòng nước người ta mới chợt nhận ra rằng, rừng đầu nguồn đang bị triệt hạ thẳng tay.
Bộ NN&PTNT thừa nhận, tình trạng phá rừng trái phép còn xảy ra ở những địa phương có nhiều rừng tự nhiên, nhất là các tỉnh Tây Nguyên. Mấu chốt căn bản trong công tác trồng và bảo vệ rừng, đầu tiên là phải quản lý được lâm sản và động vật rừng. Tuy nhiên, cả hai lĩnh vực này công tác quản lý đều yếu kém. Quản lý đất rừng cũng lỏng lẻo kéo theo nhiều hệ lụy. Rõ ràng không giữ được đất rừng sẽ không có đất để trồng rừng.
Quy rõ trách nhiệm
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị cho biết, việc kiểm kê hiện trạng quản lý và sử dụng đất quy hoạch lâm nghiệp cấp xã đang được tiến hành trong kỳ tổng kiểm kê đất đai 2010 với mục tiêu quyết liệt quản lý, bảo vệ đất lâm nghiệp. Từ kết quả thống kê, các chính sách, quy định về quản lý đất lâm nghiệp và rừng sẽ được điều chỉnh khắc phục những bất cập. Cụ thể, sẽ thống kê hiện trạng quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp theo 5 nhóm mục đích sử dụng chính, gồm đất quy hoạch rừng sản xuất; đất quy hoạch rừng phòng hộ; đất quy hoạch rừng đặc dụng; đất mặt nước ven biển có rừng và đất ươm cây giống lâm nghiệp. Đợt này, ngoài thống kê về diện tích còn thống kê về đối tượng sử dụng đất và giao quản lý đất.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng cần quy rõ trách nhiệm. Mỗi khu rừng phải được giao cho người có trách nhiệm, rồi sau đó quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, lực lượng kiểm lâm, công an và biên phòng. Ngoài ra, các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp phải nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng. Theo kiến nghị của nhiều chủ rừng ở các địa phương, chủ trương giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý là đúng nhưng Nhà nước cần hỗ trợ chủ rừng lập kế hoạch quản lý rừng lâu dài, xác lập cơ chế lợi ích rõ ràng, minh bạch, công bằng, đơn giản. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, thời gian tới, việc lập kế hoạch, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo phân cấp từ cấp xã sẽ được đưa vào thực hiện, để các chế tài quản lý rừng có cơ sở thực thi hiệu quả hơn.