Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động đã mang lại cơ hội cho hàng nội chiếm lĩnh thị trường. Hàng hóa của nhiều doanh nghiệp (DN) tăng, người Việt đã ý thức hơn về hàng nội...
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hàng nội nghiễm nhiên chiếm lĩnh được thị trường nội địa, mà về lâu dài vẫn cần sự nỗ lực từ phía các DN, sự hỗ trợ của các hiệp hội và các ngành liên quan.
Hàng hóa có chất lượng và giá ưu đãi thu hút nhiều khách hàng nông thôn đến mua sắm. |
Giúp doanh nghiệp đến với nông dân
Chỉ trong một thời gian ngắn, khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (tháng 8-2009), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức thành công 17 phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều đó chứng tỏ, thị trường nông thôn không còn bị bỏ ngỏ. Các DN cho rằng, chương trình này là "cánh tay dài" giúp họ đến gần hơn với người tiêu dùng (NTD).
Nhận định về các chương trình kích cầu cho hàng Việt trong năm 2009, các DN trong nước cho rằng, điều này đã có hiệu ứng tích cực, giúp DN tăng thị phần 5-30%. Năm 2010, Công ty Phú An Sinh (TP Hồ Chí Minh) quyết định sản xuất chuyên sâu những sản phẩm dành riêng cho người có thu nhập thấp, không dừng lại ở những chuyến bán hàng khuyến mãi, giảm giá cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Hiện công ty đã sản xuất gần 40 sản phẩm chế biến, đồ đóng hộp với mức giá 8-10.000 đồng/sản phẩm cho chiến lược của mình và đang tập trung kế hoạch mở rộng kênh phân phối để sản phẩm đến tay người thu nhập thấp.
BSA cho biết, mục đích của chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" được xác lập không nhằm thanh lý hàng tồn kho cho DN, mà từng bước xây dựng, phát triển hệ thống phân phối hàng ở nông thôn.
Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp
Thị trường nội địa được đánh giá có nhiều tiềm năng là cơ sở cho nhiều DN tiếp tục đứng vững và phát triển do có quy mô hơn 86 triệu dân, sức tiêu thụ hàng hóa lớn. Tuy nhiên, muốn chiếm lĩnh thị trường nội địa không đơn giản, bởi DN Việt Nam mới phát triển ở quy mô nhỏ, thương hiệu sản phẩm không mạnh, mẫu mã hàng chưa phong phú. Vì vậy, cuộc vận động trên cũng chỉ mang lại cơ hội cho hàng nội chiếm lĩnh thị trường. Còn về lâu dài, để thuyết phục NTD tiếp tục sử dụng hàng Việt trước làn sóng hàng ngoại nhập có mẫu mã đa dạng, giá rẻ, các DN trong nước phải tự khẳng định sản phẩm của mình bằng sự cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm, mẫu mã.
Hiện nay, vai trò của hiệp hội DN trong việc huy động hội viên tham gia chiếm lĩnh thị trường nội địa còn mờ nhạt, bởi hiệp hội chỉ là tổ chức tự nguyện nên mới chỉ kêu gọi DN nỗ lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm cùng với việc tìm hiểu nhu cầu của thị trường để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hợp lý. Hơn nữa, khi DN đã xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trong lòng NTD lại bị làm nhái, làm giả mà hiệp hội không thể can thiệp được. Hiện cả nước có hơn 300 hiệp hội DN, nhưng phần lớn là những hiệp hội DN nhỏ, nên yếu và lúng túng trong việc cung ứng các dịch vụ hỗ trợ cho thành viên. Hiệp hội DN TP Hà Nội cho rằng, mối quan tâm hàng đầu của mọi DN là thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Bởi một DN riêng lẻ không thể tạo nên thị trường, đồng thời việc phải cạnh tranh với các DN cùng ngành nghề khác sẽ dẫn tới nguy cơ có thể bị thu hẹp thị phần. Do đó, để chiếm lĩnh thị trường nội địa, các DN cần liên kết xây dựng thị trường, tiêu thụ sản phẩm của nhau. Điều này sẽ mang nhiều lợi ích cho DN. Vì nếu có một nhóm DN có sản phẩm, dịch vụ bổ sung cho nhau, sản phẩm dịch vụ của DN này có thể là đầu vào, nhu cầu của DN kia. Nhóm DN đó cam kết sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau sẽ tạo ra một thị trường mới trong nội bộ nhóm, trong đó các DN tham gia đều có thể mở rộng thị phần của mình. Theo Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), việc đưa hàng về nông thôn nhằm hưởng ứng chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" cần có thêm cơ chế chính sách ưu đãi DN. Trong thời gian qua, mặc dù Hapro đã đưa hàng về nông thôn, nhưng sức lan tỏa chưa cao, vì chỉ là chuyển hàng theo kiểu thời vụ khiến người dân khó tiếp cận một cách đầy đủ về hàng nội. Để khắc phục, Nhà nước cần có cơ chế chính sách để DN phát triển hệ thống phân phối và cơ sở hạ tầng. Vì hiện nay hạ tầng thương mại ở các vùng nông thôn còn thiếu và yếu. Nếu củng cố phát triển được hệ thống này không chỉ giúp người dân dễ tiếp cận hàng nội mà còn giúp DN giảm được chi phí vận chuyển, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com