Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Từ sự thôi thúc của vận nước và công cuộc đổi mới

Nhìn lại loạt bài góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng đăng trên TBKTSG.

Có lẽ ít có thời điểm nào như thời điểm hiện nay, khi nhiều người dân đều có chung một cảm nhận rất rõ ràng: quãng thời gian năm năm tới, bắt đầu từ 2011 - năm tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XI, sẽ là quãng thời gian thực sự có tính chất hết sức quyết định đối với tiến trình phát triển tương lai của đất nước. Bởi lẽ, gần 25 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu có thể coi là to lớn do sức sản xuất được giải phóng và đã phát huy hết tác dụng, nay cũng đã xuất hiện những nguy cơ và thách thức, cũ có, mới có và ngày càng rõ. Đất nước có vượt qua được những nguy cơ và thách thức hiển hiện này để tiếp tục phát triển vững chắc về kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước hay sẽ rơi vào trì trệ, vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, và đối diện với nguy cơ chủ quyền quốc gia bị đe doạ? Tất cả phụ thuộc vào việc Đại hội sắp tới của Đảng có thổi được một luồng gió đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tiếp theo chặng đường 25 năm qua hay không.

Thôi thúc trước vận mệnh của đất nước và của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhiều chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước đã chân thành đóng góp cho loạt bài góp ý với các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI trên TBKTSG, từ dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước (2011) đến dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Góp ý cho dự thảo Cương lĩnh 2011, chuyên gia Trần Đức Nguyên, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng khi xác định đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa là “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”, Cương lĩnh 2011 đã quay trở lại đúng như Cương lĩnh năm 1991 (thông qua tại Đại hội VII), cách đây 20 năm, và đi chệch khỏi kết luận của Đại hội X năm 2006 khi Đại hội điều chỉnh nội dung này của Cương lĩnh 1991: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Cũng từ việc xem chế độ công hữu là nguyên lý của chủ nghĩa xã hội dẫn đến hệ luận là kinh tế nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, trong khi thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa bao giờ chứng minh kinh tế nhà nước đóng được vai trò này. Khẳng định điều này chẳng những chưa phù hợp với thực tế mà còn cản trở việc tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với kinh tế thị trường.

Trong khi đó, từ việc phân tích những nguyên nhân của một trong những vấn nạn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là nạn lạm quyền và tham nhũng tài sản công, Tiến sĩ Vũ Quang Việt đã đề xuất 4 giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn này. Đó là: 1) Tư hữu hóa ruộng đất, vì khi quyền sử dụng đất có thể bị lấy lại bất cứ lúc nào và giá đền bù là do chính người thu hồi quyết định thì đó chính là sự bất công đối với nông dân; 2) Công sản phải được giao cho các cấp chính quyền quản lý nhưng việc sử dụng (hay bán đi) phải thông qua quyết định của các cơ quan dân cử; 3) Bảo đảm sự độc lập của cơ quan tư pháp; 4) Chuyên nghiệp hóa các cơ quan hành chính nhà nước và trả lương xứng đáng.

Góp ý cho Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020, từ góc nhìn của người dân, GS. Trần Văn Thọ cho rằng chiến lược, chính sách cần xuất phát từ những mối quan tâm thiết thân của người dân bình thường và đi sát hơn với những mối quan tâm này. Dự thảo chiến lược có nêu ra những mục tiêu hướng tới nhưng lại chưa cho thấy những vấn đề của người dân sẽ được giải quyết ra sao, bằng những chính sách, biện pháp cụ thể nào. Đó là chưa nói đến những mâu thuẫn, máy móc trong chính sách, chẳng hạn vừa muốn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường lại vừa nhấn mạnh sự cần thiết phải hình thành những tập đoàn kinh tế lớn với sở hữu nhà nước là chi phối. Cũng từ góc nhìn tương tự, TS. Trần Thượng Tuấn, dựa trên những vụ việc “điển hình” trong thời gian qua, cho rằng chính sách, cán bộ đang thiếu sự đồng cảm với dân, với những nỗi khổ của dân. Ví những tiêu cực, vấn nạn tham nhũng, sự vô cảm như “những khối tuyết lăn”, tác giả cho rằng nếu không giải quyết được vấn nạn này thì hiểm họa do nó gây ra trong xã hội sẽ ngày càng lớn.

TS. Trịnh Tiến Dũng cho rằng không thể công nghiệp hóa bằng mọi giá vì đó là cách làm mang tính phô trương, hình thức, chạy theo thành tích, chú trọng lượng mà coi nhẹ chất, làm theo kiểu ăn xổi ở thì, thiếu quan tâm thích đáng đến hiệu quả kinh tế, tác động xã hội, môi trường và tính bền vững. Hệ quả là dẫn đến những chiếc thùng không đáy như Vinashin. Cũng trong chiều hướng đó, tác giả Quang Minh đặt vấn đề phát triển một “nền kinh tế xanh” thay vì chạy theo tốc độ tăng trưởng. Theo tác giả, chính vì thiếu nền tảng nghiên cứu khoa học và lý thuyết phát triển nên chính sách phát triển trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; việc điều hành của Chính phủ chủ yếu tập trung vào các giải pháp ngắn hạn, giải quyết những vấn đề trước mắt của tăng trưởng.

Tác giả Nguyễn Thanh Yến, trong góp ý của mình, đặt vấn đề về đổi mới hệ thống chính trị mà chính dự thảo Cương lĩnh 2011 đề ra. Trong đó có việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, không lãnh đạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, chịu sự giám sát của nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; còn quan chức nhà nước phải nâng cao tính trách nhiệm và giải trình trước nhân dân. Ở góc độ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, vì dân, do dân”, cần để cho Quốc hội sự chủ động hơn trong xây dựng pháp luật; có cơ chế bảo hiến để bảo đảm mọi điều luật đưa ra là đúng với Hiến pháp, trang bị cho người dân công cụ để họ có thể buộc quan chức nhà nước làm đúng theo pháp luật.

Cuối cùng, như là điều kiện để có thể tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tác giả Trần Thượng Tuấn lại nêu vấn đề cán bộ đảng viên, nhất là lãnh đạo, phải dám nhìn thẳng vào sự thật để có tư duy đổi mới. Theo tác giả, đã đến lúc đặt ra những tiêu chí cụ thể của tư duy đổi mới trong từng lĩnh vực như kinh tế, giáo dục và đào tạo, phát huy dân chủ, dũng khí đấu tranh với những cơ chế lỗi thời kìm hãm phát triển… Trước bước ngoặt lịch sử, Đảng chỉ có thể lãnh đạo đất nước bứt phá đi lên khi chọn được đội ngũ lãnh đạo mạnh dạn dấn thân vào cuộc sống, dũng cảm đối đầu với những thách thức của thời đại.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Thí điểm nay đã 5 năm
  • Đập thủy điện trên sông Mêkông: Không còn là nguy cơ
  • Đất hiếm - khó có 'cửa' cho Việt Nam
  • “Chính phủ không nên đi vay về rồi cho vay lại”
  • Công ty cổ phần nông nghiệp
  • Nên để “cửa” cho tàu điện một ray
  • Thủ tướng: “Nhất quán giữ vững an ninh và chủ quyền lãnh thổ”
  • Sao không vì một nền kinh tế xanh?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi