Vì sao người tiêu dùng (NTD) Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến hàng trong nước sản xuất? NTD không có lỗi, không thể nói NTD VN sính ngoại, không yêu nước... Đây là một trong những vấn đề cốt lõi mà ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đặt ra tại hội thảo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam - Trách nhiệm tiên phong của DN”, do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và Báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức ngày 9-9 tại TPHCM.
Cơ quan nhà nước là NTD lớn nhất của hàng nội
Chế biến giò chả phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG |
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành công, trách nhiệm chính không thuộc về NTD mà chính là DN. Trong sâu xa, NTD VN vẫn yêu mến và ủng hộ hàng VN. Chúng ta không thể bảo NTD phải sử dụng hàng nội trong khi hàng nội không thể dùng được vì chất lượng, mẫu mã kém hoặc muốn sử dụng hàng nội nhưng không mua được vì không có hệ thống phân phối, bán lẻ do mạng lưới phân phối chậm phát triển.
Mặc dù vẫn còn một số khiếm khuyết nhưng hàng VN đã và đang ngày càng chiếm được lòng tin của NTD trong nước. Trong hội nhập, chúng ta không thể cạnh tranh bằng “lòng yêu nước” chung chung mà phải hướng đến chất lượng, giá cả, mẫu mã, đa dạng sản phẩm gắn liền với uy tín và thương hiệu.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp nhìn nhận, so với những lần trước, cái hay nhất của cuộc vận động lần này là làm rõ đối tượng của cuộc vận động là ai? Đặc biệt nhấn mạnh, đối tượng là cơ quan nhà nước, các đơn vị chính trị, xã hội - cần phải ưu tiên dùng hàng nội khi mua sắm công. Trước đây, việc dùng hàng Việt chỉ mới vận động nhắm về phía người dân, còn các đơn vị nhà nước dường như “nằm ngoài” chương trình.
Hiện nay, tiêu dùng của Chính phủ rất lớn, đầu tư của nhà nước chiếm 44% trong tổng đầu tư của xã hội và mua sắm của nhà nước chiếm khoảng 14% tổng GDP. Đây là một con số rất lớn. Có thể nói, cơ quan nhà nước là NTD lớn nhất của hàng nội, nếu cơ quan nhà nước quay lưng lại với hàng Việt thì lấy đâu chỗ cho hàng Việt phát triển! Sự thành công của cuộc vận động này có vai trò đóng góp rất lớn từ việc hưởng ứng “nội địa hóa” của các đơn vị nhà nước.
Vai trò tiên phong thuộc về doanh nghiệp
Theo cam kết kinh tế giữa khu vực và quốc tế, hàng hóa nước ngoài vào VN ngày một nhiều hơn. Theo đó, các tiêu chuẩn, yêu cầu bắt buộc về chất lượng sản phẩm sẽ liên tục tăng lên theo các chuẩn mực quốc tế. Thị trường nội địa nhiều tiềm năng với quy mô ngày một khá hơn, phát triển nhanh theo đà phát triển kinh tế và mức sống của người dân ngày một tăng cao. Chính NTD sẽ quyết định sự thành bại của DN. Phục vụ NTD cũng là vì sự phát triển của DN. Do vậy, DN phải chủ động giành NTD về phía mình. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế để DN đẩy mạnh phát triển tại thị trường nội địa.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đặt vấn đề, thực tế hiện nay một số mặt hàng xuất khẩu bán đi nước ngoài lại có thuế suất thấp hơn thuế VAT 10% mà NTD trong nước phải trả. Lại có hiện tượng, hàng xuất khẩu đi nước ngoài bị trả về, DN lại tái chế bán cho NTD trong nước. DN không thể hy sinh sức khỏe của NTD trong nước để đạt lợi nhuận trước mắt. Với những “hạt sạn” như thế này thì chúng ta không thể trách NTD Việt sính ngoại, không yêu nước.
Với mức sống hiện nay, giá cả đã không còn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong NTD, thay vào đó là chất lượng và an toàn sản phẩm. Kết quả cuộc khảo sát trong NTD của VCCI công bố cuối năm 2008 cho thấy, giá cả chỉ đứng thứ 4 (13%) sau chất lượng sản phẩm (27%), uy tín DN 22%, thương hiệu 14%. Với khảo sát của Bộ NN-PTNT về mặt hàng nông sản thì yếu tố giá cả cũng xếp sau yêu cầu an toàn sản phẩm và chất lượng. Người Việt không thể ưu tiên dùng hàng Việt khi mà thị trường nội địa là nơi tiêu thụ hàng kém chất lượng.
Đề cập đến vấn đề này, bà Phạm Chi Lan chia sẻ, đối với hàng trong nước thì chúng ta có vẻ hơi khắt khe, nhưng với hàng ngoại nhập không có nguồn gốc, kém chất lượng vào VN rất nhiều trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết được. Đây cũng là vấn đề để NTD thấy được hàng nước ngoài không hẳn lúc nào cũng là hàng tốt.
Tại sao tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hàng giá rẻ Trung Quốc lại chiếm lĩnh, trong khi đó hàng Việt lại không có? Kênh phân phối được xem là mấu chốt để hàng Việt đến với người Việt nhưng đây là khâu còn yếu ở DN VN. Ông Phan Quốc Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hàng gia dụng quốc tế ICP cho rằng muốn NTD biết đến sản phẩm của DN mình thì trước hết phải để cho NTD nhìn thấy sản phẩm. Đây là bài toán khó đối với các DN vừa và nhỏ. Hệ thống phân phối và marketing chiếm đến 60% - 70% giá trị, cái này VN còn thiếu. Xây dựng tốt hệ thống phân phối mới có thể phát triển thị trường nội địa. Vì vậy, việc mở rộng kênh phân phối đang là bài toán của DN.
(Theo sggp/MỸ HẠNH)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com