Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao Việt Nam mất hai thương hiệu cà phê nổi tiếng?

Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyềnLà nơi sản xuất ra hơn 50% sản lượng cà phê của cả nước, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ nhì thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, sở hữu thương hiệu cafe Buôn Ma Thuột nổi tiếng thế giới, nhưng tỉnh Đăk Lăk lại để mất hai thương hiệu này vào tay doanh nghiệp Trung Quốc và Pháp. Làm sao có thể đòi lại?

Bị cướp trắng

Cách đây hơn hai tháng, những cú click tìm kiếm tình cờ trên mạng đã giúp Luật sư Lê Quang Vinh - Cty CP Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, trụ sở tại Hà Nội, phát hiện hai nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và Đăk Lăk đã bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng tại Pháp và Trung Quốc.

Ông Vinh làm văn bản gửi Sở KHCN Đăk Lăk, cho biết chỉ dẫn địa lý cafe Buôn Ma Thuột đã bị Cty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd có văn phòng đặt tại Quảng Châu (Quảng Đông-Trung Quốc), đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm, bắt đầu từ 2010 và 2011 cho một số loại sản phẩm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Còn cái tên DAK LAK của tỉnh trồng nhiều cà phê nhất Việt Nam cũng bị Cty ITM ENTREPRISES (Pháp) đăng ký nhãn hiệu, đã được cơ quan sở hữu trí tuệ Pháp cấp độc quyền sử dụng cho sản phẩm cà phê của họ từ tháng 9-1997.

Cty này sử dụng thương hiệu được cấp độc quyền tiếp tục đăng ký trên phạm vi toàn cầu theo hệ thống Madrid, theo đó thương hiệu cà phê DAK LAK của họ sẽ được bảo hộ tại các quốc gia khác không kể Pháp, gồm: Áo, Bulgaria, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ, Czech, Đức, Croatia, Hungary, Ý, Ma rốc, Monaco, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovenia, Nga, Slovakia, Serbia…

Theo Luật sư Lê Quang Vinh, cà phê Buôn Ma Thuột và Đăk Lăk đều là chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, là tài sản của Việt Nam. Việc chủ thể nước ngoài sở hữu nó đồng nghĩa với việc tài sản của nhà nước bị rơi vào tay kẻ khác. Điều đó dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu cà phê từ Đăk Lăk có thể bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới.

Về lâu dài nếu không kịp thời có biện pháp hủy bỏ và bảo vệ các chỉ dẫn địa lý này thì niềm tin của khách hàng nước ngoài đối với cà phê Việt Nam có thể bị suy giảm nghiêm trọng, do lẫn lộn giữa cà phê Buôn Ma Thuột thật và cà phê Buôn Ma Thuột dỏm.

“Việc giành lại thương hiệu DAK LAK ở các quốc gia mà ITM ENTREPRISES đã đăng ký bảo hộ độc quyền là rất khó khăn, tốn kém. Tuy nhiên tỉnh Đăk Lăk có thể khởi kiện, yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu mạo danh cà phê Buôn Ma Thuột, căn cứ vào các tài liệu đã có”, ông Vinh nói.

Dù chậm, cũng phải kiện đòi lại

Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, cho biết: Cách đây khoảng 2 năm, ông bất ngờ nhận được danh thiếp của một doanh nhân bằng hai thứ tiếng Hoa-Anh, có in dòng chữ “BUON MA THUOT COFFEE”.

Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền
Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền.

Ông được giới thiệu rằng Cty mang tên cà phê Buôn Ma Thuột đó có trụ sở ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông nhắc Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cảnh giác trước hiện tượng này, sau đó sự việc đi vào… quên lãng!

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Lạng, một trong những người đề xướng và tổ chức đón nhận văn bằng công nhận Quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại Festival cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ I năm 2005, còn nắm sự việc rõ hơn.

Ông cho biết chính từ mối quan hệ giữa Cty cà phê An Thái trụ sở tại đường Đinh Tiên Hoàng TP Buôn Ma Thuột với Cty Guangzhou của Quảng Châu, mới dẫn tới việc Guangzhou lấy hẳn cụm từ “cà phê Buôn Ma Thuột” đăng ký thương hiệu cho Cty để tiện việc mua bán.

Trả lời PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Thắng, cán bộ quản lý Xuất khẩu của Cty Cà phê An Thái xác nhận từng có quan hệ mua bán giữa An Thái với Guangzhou của Quảng Châu. Muốn tạo dựng uy tín trong lĩnh vực kinh doanh cà phê chế biến nhưng không đủ năng lực tự sản xuất nên Guangzhou ngỏ ý đặt quan hệ liên kết và nhập hàng của An Thái lâu dài. Tuy nhiên, không rõ lý do gì, họ chỉ nhập một lô 3 container loại cà phê sữa 3 trong 1 của An Thái rồi thôi luôn.

Ngày 14-9, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk khẳng định, dù muộn, tỉnh cũng sẽ làm mọi cách để bảo vệ và xác lập quyền sở hữu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại những quốc gia có quan hệ mua bán cà phê. Tỉnh đang mời Cục Sở hữu Trí tuệ và các chuyên gia tư vấn, để có thể khởi kiện đòi lại thương hiệu.

Chiều 15-9, sau khi dự cuộc họp nhiều thành phần tại TP Buôn Ma Thuột do UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức, nghe các chuyên gia tư vấn về hướng giải quyết vụ việc, luật sư Lê Quang Vinh, cho biết: Nếu tiến hành đấu tranh pháp lý, về bản chất đây chưa phải là vụ kiện mà chỉ là vụ khiếu nại hành chính.

UBND tỉnh Đăk Lăk có thể đứng đơn khiếu nại lên Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Công Thương Trung Quốc, yêu cầu hủy bỏ 2 nhãn hiệu đã đăng ký độc quyền thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, vì việc này gây ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi chính đáng của cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, đã được Cục SHTT Việt Nam cấp bằng độc quyền từ năm 2005.

Nếu các bên không đồng ý cách giải quyết của người phán quyết thì mới phải tính đến việc kiện ra tòa. Theo ông Vinh, chi phí cho vụ khiếu nại không quá 10.000 USD.

(Theo Tienphong Online)

  • Quy hoạch điện VII: Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu
  • Vốn FDI: giải ngân tăng, thu hút giảm
  • TS. Trần Đình Thiên: Áp lực tái cấu trúc nền kinh tế đang rất lớn
  • Lạm phát kỳ vọng có thể gây sức ép tăng giá
  • Tập đoàn, tổng công ty: Nơi gặp khó, chỗ “ngon xơi”
  • Tập đoàn Nhà nước: Nơi gặp khó, chỗ “ngon xơi”
  • Sản xuất 8 tháng “tốt” đến mức nào?
  • 4 tháng cuối năm: Ổn định cung-cầu, tránh sốt giá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi