Bất ổn nằm ở sự thiếu nhất quán, đồng bộ trong điều hành của Chính phủ, mà nguồn gốc xâu sa là do cách nhìn nhận về ổn định vĩ mô. Nếu tính lạm phát theo tháng thì đang xuống nhưng theo năm thì lạm phát vẫn tăng cao. – TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích tại hội thảo về bất ổn kinh tế vĩ mô ngày 28/6.
Cuộc hội thảo mang tên "Bất ổn kinh tế vĩ mô và tác động phúc lợi, kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam" do Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam hôm 28/6 đã trở thành một diễn đàn nóng cho các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế bình luận về hiệu ứng của Nghị quyết 11.
Lạm phát chỉ nên 5%
Đánh giá độc lập về ổn định kinh tế vĩ mô sau 4 tháng thực hiện Nghị quyết 11, vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ cho rằng, nền kinh tế đã có nhiều tín hiệu tích cực. Lạm phát và mặt bằng lãi đang theo xu hướng giảm, nhập siêu cũng giảm, xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, cơ quan này nhìn nhận, mức lạm phát và số tuyệt đối của nhập siêu vẫn cao. Trên thực tế, khu vực sản xuất kinh doanh cũng phải chịu tác động xấu, lợi nhuận một bộ phận doanh nghiệp đã bị sụt giảm, một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ và phải thu hẹp quy mô.
Ông Đỗ Ngọc Huỳnh, chuyên gia Vụ Kinh tế tổng hợp băn khoăn: "Nếu tiếp tục thắt chặt chính sách tài chính tiền tệ quá mức không cần thiết thì sẽ ảnh hưởng lớn với đời sống sản xuất và lại tạo ra sự bất ổn. Để lạm phát từ nay tới cuối năm giảm thì mặt bằng lãi suất cần phải hạ hợp lý trong quí 4 năm nay, làm sao để khu vực sản xuất kinh doanh vay vốn có duy trì được lợi nhuận.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã cố gắng trong khó khăn, chia sẻ cùng Chính phủ. Nhưng về dài hạn, nếu ta cứ duy trì sự căng thẳng như hiện nay, nền kinh tế sẽ có nguy cơ bất ổn vĩ mô trong thời gian tiếp theo. Chính phủ sẽ cần có độ điều chỉnh lại cho hợp lý", ông Huỳnh nói.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương thẳng thắn: "Nếu nhìn vào chỉ số của Tổng Cục thống kê thì tình hình không đến nỗi tệ. Khó khăn có thể là ở khu vực nhỏ nào đó."
Nhưng, cũng như ông Huỳnh, vị chuyên gia này cũng cho rằng: "Nghị quyết 11 là một bức tranh khó phân định. Thị trường trong và ngoài nước phản ứng tích cực đối với Nghị quyết 11 nhưng mức độ nghi ngờ còn rất cao. Ví dụ sống động nhất là người dân dịch chuyển từ USD sang tiền đồng, chủ yếu là ngắn hạn. Chỉ số đánh giá hàng ngày đối với biến động vĩ mô của Việt Nam trên thị trường quốc tế đã giảm đôi chút sau Nghị quyết 11 ban hành nhưng từ cuối tháng 5 trở lại đây lại tăng mạnh. Thứ hạng về tín nhiệm tài chính Việt Nam vẫn giữ nguyên mức thấp."
Đề xuất tới một nền tảng ổn định lâu dài, hai vị chuyên gia đều có chung một con số: lạm phát trong trung và dài hạn chỉ nên khoảng 5%.
Theo TS Thành phân tích, lạm phát quá cao thì tăng trưởng không thể cao hơn, lạm phát thấp thì tăng trưởng tốt, nhưng lạm phát là bao nhiêu là tốt? Trước đây các nghiên cứu cho rằng, lạm phát Việt Nam 9% là mức không gây giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, nhưng với bối cảnh mới, nền kinh tế có độ mở của Việt Nam thì giờ, phải thấp xuống, chỉ nên là 5-6%.
Kiên định cải cách tập đoàn và minh bạch tài chính công
Trong các đánh giá của ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô nằm tập trung ở khu vực DNNN và ngân hàng.
Điểm đầu tiên ông than phiền là sự thiếu minh bạch trầm trọng trong khu vực ngân hàng và tài chính công hiện nay.
Ông nói: "Trong hệ thống ngân hàng, lãi suất méo mó một cách khủng khiếp, không còn là đường cong lãi suất nữa. Một thực tế đáng buồn là các ngân hàng thương mại còn thích các công cụ hành chính vì dễ vô hiệu hóa, ví dụ như trần lãi suất, hạn mức tín dụng. Giờ muốn sử dụng công cụ có tính thị trường hơn thì các ngân hàng phản đối vì họ không thể trốn tránh, không thể không minh bạch. Đó là một nguy cơ lớn."
Cộng hưởng với sự tiêu cực trên là sự đình trệ các chương trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước. "Cách đây khoảng 1 năm, không ai nói đến cổ phần hóa hay tái cấu trúc các Tập đoàn, không ai nói minh bạch hóa tài chính trong Tập đoàn. Các Tập đòan kinh tế hoạt động rất kém hiệu quả mà tới nay, vẫn chưa có cơ chế nào kiểm soát chặt chẽ và minh bạch tài chính của họ,", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, tài chính của Tập đoàn Nhà nước xấu sẽ ảnh hưởng lớn tới nợ công Việt Nam. Ba năm vừa qua, tốc độ tăng nợ công ở Việt Nam bằng 7-8 năm trước đó, chi phí vay nợ công ngày càng lớn, lãi suất ngày càng nặng.
Tình trạng đô- la hóa và vàng hóa khá nghiêm trọng kể cả trong và ngoài hệ thống gân hàng mà việc điều hành vô cùng phức tạp. Người dân có thể nhảy từ ngoại tệ sang nội tệ, từ nội tệ sang vàng, từ trong hệ thống ngân hàng ra ngoài. Hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam còn vô vàn vấn đề, hiệu quả thấp và đe dọa kinh tế vĩ mô với bộ ba khủng hoảng: khủng hoảng tiền tệ, vàng và nợ ở Việt Nam.
"Ta phải tính toán lại chính sách kinh tế vĩ mô theo thông lệ quốc tế, hiện đại để đạt đúng bản chất kinh tế có hiệu quả dài hạn", ông Nghĩa nói.
Trong dòng câu chuyện về những thách thức này, TS Võ Trí Thành nói: "Có ba lẽ mà chúng ta phải chờ đợi thêm để đánh giá tín hiệu tích cực của Nghị quyết 11. Trong quá khứ, Việt Nam hứa nhiều mà làm chưa được hoàn hảo. Thứ hai là chuyển giao quyền lực, phối hợp và thực hiện có thể chưa tốt. Thứ ba là liệu ta có vượt qua lợi ích nhóm để vì mục tiêu chung là ổn định, tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng và tái cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam không? Tiếng kêu khó khăn đã làm động lòng rất nhiều nhà làm chính sách."
Liều lượng can thiệp bao nhiêu là đủ?
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, để đem lại kết quả lâu dài từ Nghị quyết 11, với mỗi một công cụ tiền tệ, tài khóa, lãi suất, sự thành công còn phụ thuộc vào mức độ liều lượng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước đến đâu, thời điểm can thiệp như thế nào là hợp lý và mục tiêu lựa chọn điều hành như thế nào nhất quán đảm bảo công cụ đó thành công.
Việt Nam đã có bài học xương máu ở 2 năm 2008-2009, Chính phủ thay đổi mục tiêu liên tục từ chống lạm phát rồi chống suy giảm, chính sách tiền tệ đi theo lúc nới lỏng, lúc thắt chặt nên hiệu quả không cao. Hậu quả là lạm phát năm 2011 là cao, sự ổn định thị trường có vấn đề.
Đến năm 2011, trong ba vấn đề tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng quan hệ mật thiết với nhau, Ngân hàng trung ương đã chọn ổn định thị trường ngoại hối là chủ đạo, được sự ủng hộ cao của Chính phủ, các bộ ngành đều tập trung tham gia, ngòai ra thanh tra giám sát chặt ngoại hối, thị trường vàng, tỷ giá có dấu hiệu tốt lên. Giữa lãi suất và tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Trung ương đã chọn công cụ kiềm soát tăng trưởng tín dụng nên hiệu quả đã tích cực hơn.
Tuy nhiên, điểm cuối cùng theo TS Lê Xuân Nghĩa lưu ý, bất ổn nằm ở sự thiếu nhất quán, đồng bộ trong điều hành của Chính phủ, mà nguồn gốc xâu sa là do cách nhìn nhận về ổn định vĩ mô.
"Chỉ đơn giản như việc chúng ta cứ băn khoăn mãi về lấy căn cứ chỉ số lạm phát, là tính theo tháng hay theo năm. Ví dụ theo tháng là lạm phát đang xuống nhưng theo năm thì lạm phát vẫn tăng cao, đang lên. Nếu tính lạm phát theo tháng thì tưởng là ổn rồi, lại nới lỏng chính sách tiền tệ và sau đó, tất cả những gì ta thắt chặt trước đó sẽ trở nên vô nghĩa, lạm phát lại bùng trở lại", ông Nghĩa dẫn chứng.
CPI tháng 6 chỉ tăng 1% so với mức tăng khoảng 12% của 5 tháng trước. Xuất khẩu trở thành điểm sáng khi tăng tới 30%, gấp 3 lần kế hoạch, đưa tỷ trọng nhập siêu chỉ còn khoảng 16%/ tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỷ giá và thị trường ngoại hối được bình ổn, dự trữ ngoại tệ tăng và không còn khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do (dao động trong khoảng 20.500- 20.700 VND/USD). Thu ngân sách được duy trì, cắt giảm đầu tư công khoảng 9% GDP. Đặc biệt, đà tăng trưởng ở các ngành vẫn được duy trì như GDP cả nước ước 5,6%, nông nghiệp 1,9%, công nghiệp và xây dựng 6,6%, dịch vụ 6,3%. 6 tháng đầu năm, đã tạo việc lạm cho trên 750.000 người, xuất khẩu lao động khoảng 43.000 người. |
-----------------------------------------
Tác giả: PHẠM HUYỀN
Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com