Chỉ tiêu GDP ngày nay được nhắc đến nhiều trong các báo cáo thành tích cuối năm. GDP tăng trưởng cao thường gắn liền với sự hãnh tiến, còn khi GDP tăng trưởng thấp lại là một nỗi lo âu.
Nhiều người thường đánh đồng ý niệm tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng GDP, điều này là sai lầm về nhận thức. Bởi vì, có thể GDP tăng vọt nhờ vào thiên tai, lãng phí, tham nhũng, nhờ những công trình mà sau khi xây dựng xong, người ta không biết phải dùng vào việc gì.
Robert Kennedy đã từng nói "Trong GDP có cả ô nhiễm môi trường và quảng cáo thuốc lá... Nó tính cả những ổ khoá của cửa nhà chúng ta, và cả những nhà tù cho những ai phá khoá. Nó tăng cùng với việc sản xuất bom napan, tên lửa và đầu đạn hạt nhân...Và nếu GDP bao gồm tất cả những thứ này, thì lại có rất nhiều thứ khác nó không tính tới như tình cảm của con người, vẻ đẹp của thi ca...".
GDP chỉ là một chỉ tiêu rất sơ cấp trong Hệ thống các tài khoản quốc gia của Liên Hiệp Quốc (System of National accounts-SNA) được các nhà kinh tế hàng đầu thế giới đứng đầu là Richard Stone (Nobel 1984) đưa ra. Hệ thống này đã tập hợp một cách hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng nhằm mô tả, phân tích các hiện tượng kinh tế cơ bản. Hệ thống SNA mô tả quá trình chu chuyển sản phẩm và tiền tệ trong một quốc gia, nó là một tập hợp đầy đủ, phù hợp và linh hoạt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Các chỉ tiêu này được xây dựng trên các khái niệm, định nghĩa và quy tắc chuẩn mực được thừa nhận trên phạm vi toàn thế giới.
Hệ thống SNA phục vụ nhiều mục đích khác nhau, trong đó mục đích cơ bản là cung cấp thông tin để phân tích và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô làm cơ sở cho các nhà quản lý và lãnh đạo các cấp giám sát, nghiên cứu, điều hành và ứng xử với nền kinh tế..
Từ năm 1954-1975 đất nước Việt Nam chia làm 2 miền thuộc 2 chế độ chính trị khác nhau. Ở miền Bắc, ngành Thống kê áp dụng phương pháp luận của "Hệ thống các bảng cân đối vật chất-MPS". Ở miền Nam, Viện thống kê thuộc chính quyền Sài gòn áp dụng "Hệ thống các tài khoản quốc gia-SNA". Thời kỳ 1976-1988 đất nước thống nhất, ngành Thống kê áp dụng MPS cho phạm vi cả nước. Từ 1989 đến nay, đặc biệt ngày 25 tháng 12 năm 1992, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 183/TTg về việc chính thức áp dụng hệ thống SNA trên phạm vi cả nước thay cho hệ thống MPS trước đây.
Trong SNA, 1993 bao gồm các tài khoản và các chỉ tiêu cân đối như : Tài khoản sản xuất và tài khoản tạo thu nhập. Hai tài khoản này được mô tả chi tiết bằng bảng Nguồn và Sử dụng (Supply and Use tables) và bảng I-O; chỉ tiêu cân đối là GDP. Ngoài ra, còn có Tài khoản thu nhập và phân phối thu nhập. Ba tài khoản này cũng có thể được miêu tả bằng ma trận như ma trân hạch toán xã hội (SAM); các chỉ tiêu cân đối là tổng sản phẩm trong nước (GDP), thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) và để dành (Saving) của các khu vực thể chế.
GDP = Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình + tiêu dùng cuối cùng của nhà nước + tích luỹ tài sản + xuất khẩu - nhập khẩu (phương pháp sử dụng cuối cùng) = tổng thu nhập của người lao động từ sản xuất + tổng thăng dư sản xuất + tổng khấu hao tài sản cố định + tổng thuế gián thu và thuế sản xuất khác + thuế nhập khẩu - Trừ trợ cấp cho sản xuất (phương pháp phân phối) = Tổng giá trị sản xuất - tổng chi phí trung gian + thuế nhập khẩu (phương pháp sản xuất)
GNI = GDP + thu nhập từ sở hữu thuần
NDI = GNI + thu nhập từ chuyển nhượng hiện hành thuần
Để dành = NDI - Tiêu dùng cuối cùng
Hiện nay, cơ quan Thống kê Việt Nam tính toán GDP từ phía cung, tức là cộng tất cả giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và thuế gián thu (Trừ trợ cấp, trợ giá) và hầu hết các nhà Thống kê cho rằng đó cũng là ý nghĩa của GDP. Như vậy, GDP theo tổng cầu cuối cùng chỉ được sử dụng như một sự đối chiếu với phía cung.
Cách làm này, có thể được hiểu trong tư tưởng vẫn mang nặng theo lối suy nghĩ về chỉ tiêu "Thu nhập quốc dân" trong Hệ thống "Cân đối vật chất - MPS" trước đây.
Từ cách tư duy này dẫn đến những phương pháp và khái niệm không đồng bộ trong các bộ phận chuyên ngành của cơ quan Thống kê. Ví dụ: Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp làm gia công như dệt may, giầy da chỉ tính phần gia công, trong khi xuất khẩu lại tính cả giá trị sản phẩm.
Như vậy, về mặt kỹ thuật không thể cân đối vĩ mô nền kinh tế và thành tích xuất khẩu cũng chẳng còn ý nghĩa.
Hơn nữa, khi cân đối nguồn và sử dụng GDP, phía sử dụng (demand size) bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình như chi tiêu từ nguồn chính thức và từ nguồn thu không chính thức của người dân.
Trong khi đó, phía cung nguồn thu không chính thức không được tính vào tổng giá trị tăng thêm. Như vậy, tất nhiên sự sai số giữa nguồn và sử dụng sẽ bị dồn vào tích lũy, nhưng càng ngày tỷ lệ tích lũy tài sản/ Vốn đầu tư càng thấp đi. Hiện tượng này rất khó lý giải về độ chính xác của số liệu.
Ngay như về phía cung bao gồm các yếu tố rất cơ bản của nền kinh tế như lao động (L) và vốn tư bản (K), đặc biệt là chỉ tiêu vốn cũng không được cơ quan Thống kê tính đến.
Tốc độ tăng trưởng GDP thường được tính từ GDP theo giá so sánh. Chuyển GDP từ giá thực tế về giá so sánh là một vấn đề rất phức tạp. Việt Nam tính GDP từ phương pháp sản xuất (là cơ bản) việc tính chuyển GDP về giá so sánh theo quốc tế cần lấy trọng số (quyền số) từ bảng I-O.
Điều kỳ lạ, ở chỗ là năm gốc mà Tổng cục Thông kê chọn lại là những năm không có bảng I-O (giá 94)!?. Bởi vậy, GDP theo giá so sánh để từ đó tính ra tốc độ tăng trưởng, được tính toán như thế nào vẫn còn là một câu hỏi lớn?
Nói tóm lại, các con số GDP nhiều khi làm cho người hoạch định chính sách phát triển, và ngay cả nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng dễ bị ngộ nhận, ảo tưởng vào số liệu thống kê!
"Vốn đầu tư" không phải vốn và không hoàn toàn là đầu tư Định nghĩa tổng quát nhất về đầu tư: "Đầu tư là phần sản lượng được tích lũy nhằm tăng năng lực sản xuất tương lai của nền kinh tế". Vốn (hay tư bản - capital stock) tại một thời điểm nào đó được định nghĩa băng giá trị tổng các đầu tư qua các năm, tính đến thời điểm đó trừ đi phần hao mòn tài sản cố định lũy kế. Theo quốc tế để tính toán giá trị vốn tại thời điểm nào đó người ta cộng tất cả các đầu tư trước đó, rồi trừ đi khấu hao tài sản cố định hàng năm. Phương pháp thứ 2 để xác định giá trị của vốn tại một thời điểm nào đó người ta căn cứ vào giá thị trường hiên tại của khối lượng vốn này. Xin lưu ý, phương pháp thứ 2 là rất khó thưc hiện bởi muốn xác định cần phải có tông điều tra (kiểm kê) tài sản trên phạm vi toàn quốc. Hai ý niệm cơ bản trên hoàn toàn xa lạ với Việt Nam. Hiện nay, cơ quan thống kê Việt Nam có chỉ tiêu "Vốn đầu tư..." thực chất chỉ tiêu này không phải vốn cũng không hoàn toàn là đầu tư. |
(Tác giả: TÔ VĂN TRƯỜNG - BÙI TRINH // TuanVietnam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com