Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam trước 6 tác động lớn từ khủng hoảng nợ châu Âu

picture
Ông Lê Xuân Nghĩa - Ảnh: Anh Quân.

Lưu ý 6 ảnh hưởng lớn đến Việt Nam trước những vấn đề về nợ công ở châu Âu và những hàm ý đối với Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng tác động xấu còn ở phía trước.

Xin trích đăng một phần ý kiến của vị chuyên gia này tại hội thảo quản lý và giám sát tài chính công, được tổ chức ngày 2/7.

1. Xuất khẩu khó khăn kéo GDP sụt 1,7%

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu kéo theo một loạt hệ quả tất yếu: tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm lại, có thể theo hình chữ W thay vì chữ V, đặc biệt khu vực châu Âu sẽ phải chứng kiến tình hình thất nghiệp và lạm phát tăng cao, đồng Euro mất giá, tăng trưởng GDP giảm sút, làm cho thu nhập thực tế người dân và cầu tiêu dùng với hàng nhập khẩu giảm mạnh.

Về vấn đề này, một số quan điểm cho rằng hàng hóa giá rẻ là ưu thế của Việt Nam do đó cuộc khủng hoảng nợ công sẽ giúp hướng người dân châu Âu chuyển từ hàng hóa cao và trung cấp sang hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, những số liệu tính toán từ mô hình ước lượng cho thấy, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ có những tác động tiêu cực đến xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam, với mức suy giảm khoảng 1,7% GDP trong năm 2010, cao thứ ba chỉ sau Trung Quốc (2,8%) và Anh (1,9%).

Vì vậy, nếu không có những chính sách phản ứng kịp thời hỗ trợ xuất khẩu thì triển vọng trung hạn đối với xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

2. Lãi suất cao, doanh nghiệp thiệt nặng

Do lo ngại tác động tiêu cực từ khủng hoảng nợ công, nhiều ngân hàng trung ước các nước phát triển vẫn huy trì mức lãi suất sàn thấp lịch sử nhằm kích thích sự phục hồi kinh tế và chấp nhận lạm phát trong chừng mực nhất định. Lãi suất cơ bản tiệm cận 0% ở hầu hết các nước: FED (Mỹ): 0,25%; ECB (EU): 1%; BOE (Anh): 0,5%; Nhật Bản 0,1%.

Ngược lại ở Việt Nam, lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay vẫn đứng ở mức cao. Các doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất khoảng 14-16%/năm với kỳ hạn ngắn và khoảng 14,5-17%/năm với kỳ hạn trung, dài hạn.

Nếu tính đến lạm phát ước cho năm 2010 là dưới 10%, doanh nghiệp phải đạt mức tỷ suất lợi nhuận trên 24-27%, là mức cao so với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của các ngành trong năm 2009 (khoảng 20%).

3. FDI suy giảm

Khủng hoảng nợ công châu Âu có thể tạo ra hai tac động trái chiều hoàn toàn với luồng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu. Trong những quốc gia có trình độ phát triển tương đương với các nước thuộc EU sẽ hưởng lợi do nguồn vốn FDI sẽ dịch chuyển từ châu Âu sang các quốc gia này khi nhà đầu tư muốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp đang có xu hướng tăng cao tại các quốc gia châu Âu.

Ngược lại, các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam lại hoàn toàn không được hưởng lợi từ việc dịch chuyển luồng vốn FDI khỏi châu Âu do sự chênh lệch quá lớn về trình độ công nghệ, trong khi luồng vốn từ các nhà đầu tư châu Âu vào các quốc gia này giảm sút do cuộc khủng hoảng nợ.

4. Giá vàng bùng nổ hút vốn đầu tư

Các nhà đầu tư trên thế giới đang tìm vàng như một nơi trú ẩn an toàn trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ngày một lan rộng, làm cho giá vàng trong thời gian qua tăng mạnh, lên mức trên 1.300 USD/ounce. Điều này phản ánh nhu cầu về dự trữ an toàn hơn so với đồng tiền giấy, sau khi nhiều cá nhân và tổ chức ở châu Âu, châu Á đua nhau mua vàng, mua bạch kim và bạc.

Việc giá vàng tăng cùng với xu hướng tăng mạnh của đồng USD là điều ít khi xảy ra. Rất có thể sẽ tăng tới một kỷ lục mới trong thời gian tới và tạo sự tách biệt hoàn toàn giữa giá tài sản vàng và các tài sản khác.

Điều này sẽ tác động xấu đến đầu tư toàn thế giới và Việt Nam bởi một khi vàng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của các tổ chức thì cũng đồng nghĩa với việc các danh mục khác như cổ phiếu, trái phiếu sẽ bị giảm mạnh. Như vậy, luồng vốn đầu tư gián tiếp càng trở nên hạn chế.

5. Bảo hiểu rủi ro tín dụng (CDS) xu hướng tăng lên

Vấn đề Hy Lạp đang làm cho các nhà đầu tư trên thế giới càng trở nên thận trọng hơn với các quốc gia có vấn nạn tương tự: 3 số liệu cảnh báo bao gồm: nợ quá nhiều, thể hiện ở tỷ lệ nợ trên GDP cao; chi tiêu quá mức, thể hiện ở mức thâm hụt ngân sách lớn so với GDP; và tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm.

Hệ quả là Việt Nam với tỷ lệ nợ cao, thâm hụt ngân sách triển miên đang bị các tổ chức tài chính quốc tế xếp vào mục rủi ro cao, với mức CDS là 263, xếp ngay trên Hy Lạp (321) và Iceland (466). Điều này sẽ là một cản trở rất lớn trong việc thu hút các luồng vốn đầu tư gián tiếp, trực tiếp và cho vay từ nước ngoài.

6. Tăng rủi ro hối đoái và biến động tỷ giá vào cuối năm

Khủng hoảng nợ châu Âu cũng tạo ra những biến động khó lường về tỷ giá. Đồng USD và đặc biệt là đồng Yên sẽ tiếp tục đà tăng mạnh so với đồng Euro do tính an toàn từ phía các đồng tiền này. Từ khi cuộc khủng hoảng có dấu hiệu nghiêm trọng, đồng Euro mất giá tương đối so với USD.

Sang tháng 6, tỷ giá USD/Euro chỉ còn 1,19, rất thấp so với mức xấp xỉ 1,4 của đầu tháng 3, do đó sẽ tạo ra những rủi ro nhất định trong việc vay, trả ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như cho hoạt động ngoại hối của các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh trong khi thâm hụt thương mại của Việt Nam đang gia tăng, cộng với thời điểm đáo hạn của các khoản vay tín dụng ngoại tệ, sẽ gia tăng sức ép tăng rủi ro hối đoái và biến động tỷ giá vào các tháng cuối năm 2010

Bài đọc thêm:
Âm mưu phía sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu

(Theo Vneconomy)


Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu thực sự đã bị thổi phồng?

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thực sự nghiêm trọng tới nỗi trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu? hay thực ra nó đã bị một số quỹ đầu tư ác ý cố tình thổi phồng?

Trong bài viết mang tên “Âm mưu thực sự phía sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu” trên tờ Kinh tế Trung Quốc ngày 8/7, chuyên gia phân tích tài chính độc lập Thang Sấm Tân cho rằng, đây chỉ là một cuộc khủng hoảng bị phóng đại quá mức do một số quỹ đầu tư có ý đồ xấu trên thị trường vốn cùng công cụ dư luận nằm trong tay họ, cố tình gây nên.

Mục đích của việc thổi phồng cuộc khủng hoảng này là: Tấn công đồng Euro, gây mất ổn định cho toàn bộ nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU); đảo chiều mất giá của đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế, duy trì vai trò thống trị của USD; đe dọa nền kinh tế của các quốc gia mới nổi chủ yếu dựa vào xuất khẩu như Trung Quốc.

Theo ông Thang, trong thế giới ngày nay, sức ảnh hưởng của đồng Euro ngày càng lớn, dần dần trở thành mối đe dọa trực tiếp tới địa vị số một của USD trong hoạt động tài chính. Vì vậy, việc tấn công đồng Euro có thể nâng cao vị thế của USD. Euro nếu tan vỡ, sẽ không chỉ triệt tiêu sức uy hiếp của đồng tiền này đối với vai trò bá chủ của USD, mà còn có thể ngăn chặn những thách thức của kinh tế châu Âu đối với kinh tế Mỹ.

Nếu không thể khiến đồng Euro tan rã, thì việc giảm bớt sức mạnh của Euro đối với USD cũng chỉ có lợi mà không có hại. Cho nên, cùng với việc tấn công đồng Euro, những quỹ đầu tư vốn này và công cụ báo chí của họ đã cố tình thổi phồng tính nghiêm trọng của vấn đề nợ công ở châu Âu.

Sự phóng đại quá mức này không chỉ gây ra tâm lý hoang mang trên thị trường, khiến nhà đầu tư sợ hãi, bán tháo Euro trong tay, mà còn tạo ra những điều kiện cần thiết giúp những quỹ này kiếm lời trong các hoạt động đầu tư trên thị trường vốn quốc tế, gia tăng lực thúc đẩy đồng Euro suy sụp.

Ông Thang cho rằng, kinh tế Trung Quốc những năm gần đây tăng trưởng rất nhanh, GDP đã vượt qua Canada, Italy, Pháp, Anh, Đức. Việc kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản, đã không còn là chuyện quá xa vời.

Trong số các bạn hàng của Trung Quốc, EU từ lâu đã là một đối tác quan trọng. Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang châu Âu chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc.

Phần lớn các doanh nghiệp Trung Quốc khi xuất khẩu hàng hóa thường lấy công làm lãi, mức lợi nhuận thu được chỉ khoảng 10%, thậm chí là thấp hơn. Do đó, nếu Euro giảm giá trên 20% so với USD, lợi nhuận của các hãng xuất khẩu Trung Quốc sẽ bị tác động nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tới sự sống còn của những doanh nghiệp này.

Theo ông Thang, có thể nói, khủng hoảng nợ châu Âu là một âm mưu nhằm giết chết đồng Euro. Có thể thấy rõ điều đó từ việc Goldman Sachs bắt đầu giúp chính phủ và các lãnh đạo ngành tài chính Hy Lạp đưa ra mô hình phát hành trái phiếu thế chấp bằng Euro.

Goldman Sachs đã đẩy Hy Lạp vào vòng xoáy nợ công, cố tình che giấu chân tướng vụ việc trước các cơ quan quản lý tài chính của EU trong suốt một thời gian dài, tạo nên khủng hoảng nợ công, từ đó không thể không cầu cứu sự giúp đỡ từ nguồn lực bên ngoài.

Đồng thời, các tập đoàn tài chính Mỹ đã lợi dụng cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, một mặt thông qua các công cụ truyền thông trong tay họ phóng đại tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Mặt khác, họ sử dụng các tổ chức xếp hạng tín dụng nổi tiếng thế giới hạ bậc tín dụng nợ của những quốc gia này, làm trầm trọng hơn nguy cơ sụp đổ tín dụng quốc tế, cố hình thành nên một cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu mới, thậm chí dẫn tới sự sụp đổ của Euro.

Nếu so sánh tình hình nợ nần của 5 quốc gia Nam Âu trên phạm vi thế giới, rõ ràng là mức độ của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tương đối nhẹ. Nghiêm trọng nhất là Hy Lạp, nhưng nếu so sánh với mức độ thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ của Nhật Bản, Mỹ, thì chả thấm vào đâu.

Lượng phát hành trái phiếu chính phủ của Mỹ đã vượt mốc 1.300 tỷ USD, chiếm hơn 90% GDP. Trong khi con số này của Nhật Bản là 229%, hiện Nhật là quốc gia có mức nợ công ở ngưỡng nguy hiểm nhất thế giới, gần gấp đôi so với tỷ lệ 120% của Hy Lạp.

Tuy nhiên, Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch, 3 cơ quan xếp hạng tín dụng nợ danh tiếng thế giới, trước nay chưa hề đưa ra bất cứ cảnh báo nào với thế giới về vấn đề nợ nần và thâm hụt ngân sách của Mỹ, Nhật Bản, mà chỉ nhằm vào các quốc gia châu Âu. Bởi lẽ, theo ông Thang, cơ quan xếp hạng tín dụng chuyên môn có vị thế cao nhất trong 3 tổ chức này, đều chịu sự khống chế bởi các tập đoàn vốn lớn của Mỹ.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, châu Âu vẫn là khu vực có chủ nghĩa tư bản lâu đời, thị trường vốn phát triển, khả năng ngăn chặn rủi ro tài chính tốt hơn Mỹ, trật tự tài chính chuẩn mực hơn, càng không có những sản phẩm tài chính khó khống chế có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính quy mô lớn, nhiều như ở Mỹ.

Do đó, những rủi ro về tài chính của châu Âu hoàn toàn có thể khống chế được, khó có thể gây ra khủng hoảng tài chính tương tự như cơn sóng gió trên thị trường Phố Wall.

Các quốc gia nòng cốt của châu Âu đã nhận thức được tính quan trọng của việc cứu trợ các nước khu vực sử dụng đồng Euro đang trong vòng xoáy khủng hoảng nợ. EU đã đưa ra những biện pháp cụ thể mạnh mẽ. Do vậy, khó có khả năng khủng hoảng nợ châu Âu diễn biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn.

(Theo Anh Quân - Vneconomy)

  • Thu phí cầu đường Bài toán nan giải
  • Doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu về độ lạc quan
  • Sửa Luật Khoáng sản: Đấu giá để “phá” xin - cho
  • Ở Việt Nam tồn tại thị trường giáo dục
  • Bao giờ giảm giá xăng dầu?
  • VN mất cân đối cung cầu thịt gia súc
  • Doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế phòng vệ thương mại
  • Ðẩy nhanh tiến độ sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi