Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

VNCF góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của doanh nghiệp

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất hàng thủ công mỹ
nghệ, thu hút lao động nông nhàn trên địa bàn huyện
Quảng Xương (Thanh Hóa).
 Dự án Quỹ Tiên phong Việt Nam (VNCF) là sáng kiến được Quỹ Ford ủng hộ và tài trợ cho giai đoạn thử nghiệm, do Viện phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) quản lý. Dự án hoạt động từ tháng 3-2008, tập trung vào các lĩnh vực: Nông sản, chăn nuôi và chế biến ; Thủ công-mỹ nghệ ; Dịch vụ-đào tạo.VNCF tài trợ không hoàn lại một phần tài chính (chiếm tới 49% tổng số vốn đầu tư) cho các dự án của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm và phát triển kinh tế, nhất là đối với  vùng sâu, vùng xa.
 
Những kết quả khả quan

Sau hai vòng thẩm định hồ sơ, chỉ có 8 doanh nghiệp ở phía bắc trong tổng số gần 80 doanh nghiệp ứng viên được nhận tài trợ từ 440 triệu đến 1,2 tỷ đồng. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) đánh giá: “Dự án là chất xúc tác cho các doanh nghiệp đảm nhận những hoạt động kinh tế mới và sáng tạo nhằm mục tiêu phát triển kinh tế và giảm nghèo. Sáng tạo và mạnh dạn hỗ trợ vào những lĩnh vực không được quỹ đầu tư tư nhân hoặc các ngân hàng thương mại ưa thích, đó cũng là những điểm nổi trội của VNCF.  

Bên cạnh đó, các dự án đã góp phần cải tạo và bảo vệ môi trường, mang lại giá trị xã hội như mở đường phục vụ dân sinh, đào tạo nghề cho người khuyết tật, khuyến khích các hộ dân tham gia vào các mô hình khuyến nông, nâng cao nhận thức và kỹ năng quản trị kinh doanh cho các hộ kinh doanh cá thể”.
Sau hơn hai năm đi vào hoạt động dự án đã tạo việc làm cho 350 lao động trực tiếp; mở 110 lớp học đào tạo nghề, kỹ năng sản xuất kinh doanh cho gần 2.800 lượt học viên tham gia; nâng cao thu nhập và sinh kế cho người dân tại các vùng khó khăn, đặc biệt là phụ nữ, người khuyết tật và dân tộc thiểu số với mức thu nhập bình quân từ 800 đến hai triệu đồng/người/tháng

Xây dựng được hơn 40 ha bạch đàn, 35 ha chè, 150 ha rừng trồng xen sắn cao sản, 70 vạn hom chè giống, xây dựng nhiều nhà xưởng chế biến, và các mô hình nông nghiệp bền vững, hệ thống khuyến nông cơ sở, xây dựng mô hình quỹ vật tư nông nghiệp.

Những bước chân tiên phong

Dự án nuôi sá sùng ở Quảng Ninh.

 Theo bà Đoàn Thuý Nga, giám đốc dự án VNCF: tám doanh nghiệp được nhận tài trợ của dự án là tám bước chân tiên phong trong việc chấp nhận đầu tư mạo hiểm, mạnh dạn bước đi trên con đường với nhiều nguy cơ rủi ro cao, góp phần tạo nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế địa phương, xoá đói giảm nghèo bền vững.

Đầu tư trồng và chế biến tinh dầu cây bạch đàn chanh giống mới là một dự án mạo hiểm, chấp nhận khó khăn, mạnh dạn đi tìm hướng đi mới của công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Việt (Bắc Giang).

Trước đây, nguyên liệu chính cho chế biến tinh dầu là cây sả, tuy nhiên vùng nguyên liệu sả lại hạn chế, do vậy thị trường rất khan hiếm. Nhận thức được sự thiếu hụt mặt hàng tinh dầu, công ty TNHH Tiến Việt đã ươm giống và trồng thử nghiệm giống bạch đàn chanh để lấy tinh dầu thay thế tinh dầu sả. Tuy nhiên, công ty gặp khó khăn trong  thu hút đầu tư cũng như vay vốn ngân hàng. Khi nhận được tài trợ từ Quỹ Tiên Phong số tiền 440 triệu, chiếm 42% tổng giá trị dự án, triển khai trong năm năm (11-2008 đến năm 2013).  

Ông Nguyễn Minh Hoàn, giám đốc công ty cho biết: Với 40,3 ha trồng thí điểm, đã có những tín hiệu đáng khả quan. Hơn hai chục gia đình đăng ký tham gia trồng và chăm sóc bạch đàn chanh trên diện tích đất của mình. Dự án đang đem lại một giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân, thay thế cây vải và bạch đàn thường có hiệu quả kinh tế thấp. Đồng thời góp phần vào việc phát triển và bảo vệ rừng, môi trường sinh thái. Nếu thành công, diện tích trồng bạch đàn chanh có thể lên tới 600 ha.

Sá sùng là một loại giun biển thuộc họ sâu đất có tác dụng bổ dương cao, xuất hiện nhiều ở vùng Quảng Ninh. Mấy năm trở lại đây, việc khai thác sá sùng mang lại thu nhập kinh tế đáng kể cho người dân, phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, với mức độ khai thác lan tràn với phương thức huỷ diệt khiến nguồn hải sản quý giá ngày càng cạn kiệt và môi trường bị huỷ hoại.

Nhận thấy nguy cơ này, tiến sĩ Vũ Huy Thủ, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư phát triển Đại Dương Xanh đã trăn trở tìm giải pháp khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, để làm được điều này thì nguồn kinh phí thực hiện lại quá lớn, trong khi doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng do những rủi ro tương đối lớn từ nuôi trồng, bảo vệ và phát triển thuỷ hải sản.


Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng tại Trung tâm dạy nghề Mạnh Hùng, đào tạo nghề cho người khuyết tật (Bắc Giang).

Sau khi được nhận tài trợ từ Quỹ Tiên phong là 559 triệu (chiếm 34,6% tổng giá trị), Công ty đã thực hiện dự án trên diện tích 15 ha bãi triều, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh.

Tháng 9-2008, dự án  thả 4,9 tấn sá sùng giống, tới tháng 9-2009 thu thu hoạch trên 12 tấn sá sùng, thu 1,2 tỷ đồng. Trong những năm đầu tiên của dự án đã sử dụng khoảng 30 công nhân làm việc thường xuyên, trong đó một phần ba là người dân tộc và hộ nghèo mới mức thu nhập từ 1,8 đến 2 triệu đồng/tháng. Đến mùa thu hoạch, số lượng lao động lên tới 100 người với mức thu nhập bình quân trên 100.000 đồng/ngày, cá biệt có người được 300-400 nghìn đồng/ngày.

Ngoài tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương, dự án còn trang bị cho người dân kiến thức tái tạo, phục hồi bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi sá sùng. Đặc biệt, dự án còn cung cấp sá sùng giống miễn phí cho 10 hộ gia đình nghèo, khuyến khích họ tham gia phát triển kinh tế gia đình.

Tiến sỹ Vũ Huy Thủ cho biết trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu cho sản sinh sá sùng nhân tạo, đây cũng là quyết tâm mang tính chiến lược của dự án. Nếu thành công, sẽ trở thành một bước đột phá, tạo sản phẩm hàng hoá, mang lại lợi ích rộng lớn cho người dân.

Ngành sản xuất hàng thủ công tại Thanh Hoá nhìn chung yếu kém, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, không đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Doanh nghiệp Duy Hải (Sầm Sơn, Thanh Hoá) nhận thấy tiềm năng còn bỏ ngỏ, từ lâu mong muốn tạo dựng một lực lượng lao động ổn định có tay nghề, vừa phát triển sản xuất cho doanh nghiệp, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân. Khi biết tới Quỹ Tiên Phong, ông Hải, giám đốc doanh nghiệp đã mạnh dạn xây dựng dự án và được tài trợ 751 triệu đồng, chiếm 42,8% tổng dự án.

Ngay trong năm 2009, doanh nghiệp đào tạo nghề cho 20 người trở thành giáo viên thực hành, nòng cốt trong việc đào tạo nhân rộng cho những người dân tham gia dự án. Tiếp đó, doanh nghiệp tổ chức bốn lớp học nghề. Trung bình một giáo viên đào tạo 10 người, số người này lại đào tạo lại cho thành viên trong gia đình và những gia đình lân cận.

Đến nay đã có 600 người được đào tạo thực tế tham gia sản xuất cho doanh nghiệp. Số lao động làm thường xuyên có thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, lao động thời vụ là 1 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói là dự án đã tạo được công ăn việc làm và tận dụng nguồn lao động nông nhàn tại địa phương. Với việc đào tạo nghề đã bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như tiến độ giao hàng cho những đơn hàng lớn. Phần lớn người tham gia dự án là phụ nữ và nông dân nghèo nên có thể yên tâm sản xuất ở địa phương. Chính điều này đã tạo sự ổn định trong quá trình triển khai dự án.

Bài học kinh nghiệm


Dự án đầu tư trồng rừng kinh tế và trồng xen canh sắn cao sản tại huyện Trấn Yên (Yên Bái).

Trong tổng số 8 dự án được nhận tại trợ, có một dự án không thành công do những rủi ro về môi trường trong sự án nuôi trồng mực tuộc đốm trắng tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Theo bà Nga: mặc dù dự án không thành công từ góc độ đầu tư, cả doanh nghiệp và Quỹ dự án đều rút ra những bài học kinh nghiệm để bảo đảm sự thành công của các dự án trong tương lại.

Đó là bài học về môi trường và những vấn đề về biến đổi khí hậu ngày càng được coi là một rủi ro cần được tính toán và xem xét kỹ lưỡng cùng với các rủi ro khác như tài chính, sản phẩm, thị trường; bài học về năng lực quản lý và điều hành dự án của các ứng viên còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện… khi quyết định đầu tư vào dự án.

Bà Nga cũng cho biết trong thời gian tới, cần xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Ban quản lý dự án với doanh nghiệp-chính quyền và nhân dân địa phương, các tổ chức xã hội để thực hiện thành công các dự án. Bên cạnh đó cần mở rộng các mô hình góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa còn nghèo đói.

 

(Theo nhan dan)

  • "Phát triển xanh" cần phải là một hướng ưu tiên
  • 'Việt Nam - lựa chọn mới ở châu Á'
  • 3 năm gia nhập WTO: Gấp rút tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam cần tìm đường riêng, không để các lực đẩy dẫn đi
  • Doanh nghiệp CNTT: "Định nghĩa về dịch vụ CNTT còn ôm đồm"
  • Doanh nghiệp CNTT còn thiếu "giấy thông hành quốc tế"
  • Nguồn nhân lực: Doanh nghiệp không thể phó mặc cho xã hội
  • Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5% cho năm 2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi